Dân Việt

Sáng chế nông cụ độc đáo gắn sau cái máy cày, một người An Giang được cả làng phục lăn

Một nông cụ gắn sau chiếc máy cày vừa được một thợ cơ khí ở An Giang sáng tạo để thay thế sức người cắt, dẫy rau muống trồng lấy hạt. Sáng kiến này khi đưa vào ứng dụng chẳng những góp phần cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mà còn tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất của nông dân, rút ngắn thời gian thu hoạch.

Tròn 12 năm, sau khi “Hệ thống rải và đùa lúa trong lò sấy” đạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang được ứng dụng rộng rãi, thì nay Nguyễn Hoàng Phong lại tiếp tục tạo điểm nhấn với sáng kiến mới đó là nông cụ cắt, dẫy rau muống gắn với chiếc máy cày thay thế sức người. Thiết bị này cũng đạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2023.

Sáng chế nông cụ độc đáo gắn sau cái máy cày, một người An Giang được cả làng phục lăn- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hoàng Phong chủ nhân của chiếc máy cư ngụ ở xã Bình Long huyện Châu Phú (tỉnh An Giang). 

Nông cụ cắt, dẫy gốc rau muống dựa trên nguyên lý hoạt động của máy cắt lúa. Trong lúc vận hành hệ thống khởi động và dịch chuyển theo hướng tới, thanh móc và đẩy dây rau muống ra phía sau nhờ một miếng mũ nằm ngang. Khi đó, dàn mũi sẽ ủi các dây rau muống hỏng lên mặt đất. 

Dàn lưỡi cắt sẽ cắt ngang gốc dây rồi đùa các dây rau muống ra phía sau. Rau muống sẽ được 2 thanh dao cắt theo từng lối với chiều ngang mỗi luống là 1,8m. 

Anh Nguyễn Hoàng Phong chủ nhân của chiếc máy cư ngụ ở xã Bình Long huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) cho biết “Ở một số nơi trong tỉnh An Giang, tháng 10 hằng năm nông dân đã gieo giống rau muống, lọt qua tháng hai âm lịch người ta bắt đầu cắt, dẫy thu hoạch rộ. 

Những năm trước đây, chủ ruộng thuê người dẫy, tốn công sức và thời gian, chính từ cái khó của nông dân nên tôi suy nghĩ làm ra sản phẩm này để phục vụ cho bà con ở địa phương mình”.

Sáng chế nông cụ độc đáo gắn sau cái máy cày, một người An Giang được cả làng phục lăn- Ảnh 2.

Rau muống là loại dây đan xen lẫn nhau nên để tránh hao hụt khi thu hoạch sau thời gian vật lộn với hư hao tổn thất, hệ thống đã hoàn thiện, cải tiến thêm vài chi tiết cuốn hạn chế tối đa cây rau bị nhừ, dẫn đến hạt rau muống rụng nhiều, gây hao hụt.

Nếu như trước đây 1 hecta rau muống chủ đất thuê 30 người cắt, dẫy trong một ngày thì nay chỉ mất nữa ngày và 1 tài xế điều khiển sẽ thu hoạch tiện ích hơn. 

Mặc khác khi năng suất hoạt động của máy tăng gấp đôi thì có thể cắt, dẫy được 2 hecta, nghĩa là trong một ngày chiếc máy thay thế được khoảng 60 nhân công lao động vì vậy thời gian thu hoạch sẽ rút ngắn hơn. 

Nhận xét về tính năng ưu việt của nông cụ ông Lê Trường Xuân, chủ đất ruộng trồng rau muống nói “Tiện ích của nó đầu tiên là giảm chi phí, thứ hai là nhẹ nhân công. 

Vấn đề hao hụt thì nói ngay vẫn chấp nhận được. Phải nói là rất mừng, thứ nhất là không kẹt nhân công, thứ hai thời gian thu hoạch ngắn hơn, nhanh lẹ hơn”.

Sáng chế nông cụ độc đáo gắn sau cái máy cày, một người An Giang được cả làng phục lăn- Ảnh 3.

“Một ngày chiếc máy chạy được 20 công thay thế 60 người, hiện nay bà con dẫy tay thì tốn khoảng 900 ngàn đồng cho 01 công, còn máy phục vụ chỉ tốn 550 ngàn hà, như vậy bà con canh tác tiết kiệm hơn nhiều, 1 ha có thể cộng thêm lợi nhuận 3,5 triệu đồng.

Bàn tay cần cù và khối óc thông minh tạo nên sự đam mê và sáng tạo khoa học. Nông cụ khác biệt của một “Kỹ sư chân đất” ở An Giang đáp ứng được nhu cầu của nông dân trồng rau muống lấy hạt. 

Bởi, giải pháp hữu ích này đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà nông khi ngành nông nghiệp nước ta trong quá trình cơ giới hóa sản xuất đồng ruộng.