Dân Việt

Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế: Việt Nam có thể làm ra gạo chống tiểu đường, bán giá 1.800 USD/tấn

Minh Huệ 03/06/2024 06:03 GMT+7
Trong công tác nghiên cứu giống cây trồng của Việt Nam thì nghiên cứu giống lúa gặt hái thành công nhất, đóng góp nhiều thành tựu rực rỡ cho ngành lúa gạo. Những thành tựu đó chúng ta có thể tự hào trước toàn thế giới. Nhưng khách quan cho thấy, chuỗi lúa gạo đang bộc lộ nhiều vướng mắc.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) cho biết như vậy tại Toạ đàm "Kết nối và hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa", do Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa), Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (Vsta) và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức tại tỉnh Thái Bình mới đây. 

Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế: Việt Nam có thể làm ra gạo chống tiểu đường, bán giá 1.800 USD/tấn- Ảnh 1.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) phát biểu tại Toạ đàm.

Ông Cao Đức Phát cho biết, thành công của ngành lúa gạo Việt Nam có được từ sự nỗ lực của cả một chuỗi từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại hoá, đưa những hạt giống tốt đến tay người nông dân qua hệ thống khuyến nông. Nhưng muốn hợp tác công tư mạnh hơn, làm cho cái chuỗi lúa gạo thông suốt hơn, thì phải gỡ những vấn đề còn vướng.

15 năm trước, ngành nông nghiệp quyết tâm chuyển đổi từ chỗ chạy theo số lượng sang tập trung về chất lượng và đạt được những kết quả rõ rệt. Bây giờ chúng ta đi theo hướng nào, thì cũng phải từ thực tiễn cuộc sống.

"Ngành lúa gạo đang có 2 vấn đề, một là đô thị hoá – công nghiệp hoá làm đa số dân số trở thành dân đô thị, có thu nhập cao hơn nên yêu cầu gạo ăn phải chất lượng cao hơn. Ngược lại, đô thị hoá, công nghiệp hoá cũng khiến người ta không muốn làm ruộng nữa. Tôi đi nhiều nơi thấy nông dân bỏ ruộng. Vậy thì ngành lúa gạo phải làm sao giúp người trồng lúa có thu nhập cao hơn, để họ tiếp tục với nghề trồng lúa, không bỏ ruộng, bỏ nghề" - ông Phát nêu.

Thứ 2, theo ông Cao Đức Phát, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, chúng ta cần làm sao để cây lúa tiếp tục đứng vững trên đồng ruộng trong mọi hoàn cảnh mà vẫn có năng suất, có chất lượng và còn phải giảm phát thải.

"Chúng ta không làm lúa giảm phát thải theo phong trào, theo thế giới mà làm cho chính chúng ta. Vậy thì nghiên cứu giống lúa phải đi theo hướng nào, để người nông dân trồng bán được giá cao hơn. Tôi rất phấn khởi khi nghe anh Trần Mạnh Báo nói Thaibinh Seed đã nghiên cứu được giống lúa nếp chất lượng, có nơi nông dân trồng giống này đạt thu nhập 100 triệu đồng/ha/vụ. Cũng bằng đó phân bón, nước, nhưng giá bán gấp đôi nhờ điều chỉnh chế độ phương pháp chăm sóc, dinh dưỡng cho cây lúa" - ông Phát nói.

Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế: Việt Nam có thể làm ra gạo chống tiểu đường, bán giá 1.800 USD/tấn- Ảnh 2.

Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2024, các giống lúa chất lượng đã chiếm ưu thế trong sản xuất, như: Đài Thơm 8, OM18, OM5451, TBR225, RVT...

Do vậy, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa quốc tế cho rằng, những giống lúa tới đây sẽ phải kèm theo đặc tính để giúp ngành trồng lúa bền vững hơn trước biến đổi khí hậu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt được những mong đợi đó, chúng ta phải có công nghệ. 

Mới đây, Viện IRRI được tài trợ hơn 2 triệu USD để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu chọn tạo giống lúa. Nếu như trước kia phải cần tới 60 năm để mô tả bộ gen của hơn 130.000 giống lúa (đang lưu trữ ở Viện) thì hiện nay, chỉ trong 1 năm sử dụng trí tuệ nhân tạo đã có thể mô tả được hơn 60.000 giống.

"Thay vì trước đây 8 năm mới nghiên cứu ra được 1 giống mới thì bây giờ, áp dụng khoa học công nghệ chỉ cần 2 năm. Tại IRRI, chúng tôi đang đặt trọng tâm nghiên cứu vào 2 hướng. Một là dinh dưỡng, IRRI đang nghiên cứu các giống lúa chỉnh sửa gen với hàm lượng GI thấp (chỉ số tiểu đường). IRRI đã tìm ra được gen quy định tính trạng này và có thể chỉnh sửa để mọi giống lúa đều có GI thấp, rất phù hợp cho người mắc hoặc có nguy cơ mắc tiểu đường. 

Bên cạnh đó, IRRI cũng nghiên cứu để làm ra các giống lúa có hàm lượng protein cao hơn. Đó cũng chính là một trong những hướng làm nâng cao giá trị thật sự của hạt gạo" - ông Phát nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng cho biết, hiện nay giá bán gạo chống tiểu đường là 1.800 USD/tấn, trong khi giá gạo thường xuất khẩu khoảng 500 - 600 USD/tấn. 

Hướng thứ hai mà lãnh đạo IRRI nêu ra là nghiên cứu để ngành lúa gạo bền vững hơn, với khả năng chịu hạn, chịu mặn, chịu úng và nhiều đặc tính nữa có thể khai thác.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam đã phát triển vượt bậc nhờ ba thành tựu lớn. Đầu tiên là sự đa dạng hóa về các bộ môn trong lĩnh vực di truyền thực vật. Thứ hai là nguồn lực cán bộ nghiên cứu hiện nay không thua kém gì các nước trong khu vực. Thứ ba, ngành công nghiệp hạt giống trong nước đang phát triển mạnh mẽ, phần lớn nhờ sự đóng góp của các hội và hiệp hội.

"Các doanh nghiệp nên đặt hàng nghiên cứu cho các viện vì mỗi doanh nghiệp có nền tảng giống, năng lực và mục tiêu đầu tư khác nhau. Chỉ khi doanh nghiệp đầu tư từ giai đoạn nghiên cứu, sản phẩm mới có thể đáp ứng tốt nhất mục tiêu kinh doanh của họ" - ông Sơn nói thêm.