Một hợp tác xã của tỉnh Thái Bình hoạt động hiệu quả như thế nào mà được nhận danh hiệu ngôi sao?
Một hợp tác xã của tỉnh Thái Bình hoạt động hiệu quả như thế nào mà được nhận danh hiệu ngôi sao?
Chủ nhật, ngày 02/06/2024 16:17 PM (GMT+7)
“Ngôi sao hợp tác xã” là giải thưởng tôn vinh các hợp tác xã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Hợp tác xã DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà) là đơn vị duy nhất của Thái Bình vinh dự nhận giải thưởng này.
Sau 7 năm thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã (HTX) DVNN xã Điệp Nông đã không ngừng nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho thành viên.
HTX hiện có 5.038 thành viên với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 504ha, trong đó: 337ha đất canh tác hai vụ lúa, 110ha đất chuyên màu, 35ha đất trồng cây lâu năm trong khu dân cư...
Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa là một nội dung trọng tâm nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, HTX đã tổ chức quy hoạch các vùng gieo trồng, sản xuất lúa, rau màu, cây vụ đông trên đất hai lúa và đất màu theo cơ cấu cây trồng, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu nông sản cho thành viên.
Với diện tích đất bãi ven sông lớn, vị trí địa lý thuận lợi cho vận chuyển giao thương hàng hóa; thành viên cần cù, sáng tạo, có kinh nghiệm trong lao động sản xuất cùng sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Từ năm 2014, HTX liên kết với các doanh nghiệp sản xuất ngô ngọt, lạc, kê, dưa chuột, cà rốt... với diện tích vụ xuân 150ha, vụ hè 130ha, vụ đông 300ha.
Ông Khương Minh Duyên, Giám đốc HTX cho biết: Những năm qua, HTX tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện đề án sản xuất. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm đến công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, củng cố bờ vùng, bờ thửa, công trình thủy lợi quan trọng, chuẩn bị đầy đủ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung cấp kịp thời cho nhân dân.
Từ năm 2020 - 2023, HTX đã đào đắp 25.667m3 thủy lợi nội đồng, khơi thông 45.000m dòng chảy, xây 1.400m mương nội đồng với tổng kinh phí gần 3,9 tỷ đồng. Lắp đặt 80 cống bi các loại dẫn nước, bê tông hóa 3.150m đường giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới.
Mỗi năm, HTX cung ứng 4 tấn giống cây trồng, 22 tấn phân bón các loại; làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng; chỉ đạo sát công tác bảo vệ thực vật; duy trì diện tích cấy lúa 337ha, năng suất lúa ổn định 13 tấn/ ha/năm.
Là địa phương có truyền thống trong phong trào sản xuất vụ đông với diện tích đạt 370ha/năm, hàng năm HTX xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các thôn và có cơ chế hỗ trợ cây trồng mới như hỗ trợ làm đất trồng khoai tây, hỗ trợ một phần giống cây đậu tương rau... qua đó thúc đẩy phong trào năm sau cao hơn năm trước.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng được HTX quan tâm phát triển theo hướng trang trại và gia trại, an toàn sinh học. Hiện toàn xã có 77 trang trại và gia trại, tổng đàn lợn gần 11.000 con, đàn gia cầm có 46.000 con, đàn trâu, bò có 369 con và 50ha nuôi trồng thủy sản.
Phát huy lợi thế ven sông Luộc, Điệp Nông phát triển mô hình nuôi cá lồng với 5 hộ, 150 lồng nuôi đem lại hiệu quả cao. HTX đang xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm lạc đỏ - cây trồng có lợi thế của địa phương, qua đó thúc đẩy sản xuất và chế biến tiêu thụ, tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân trong xã.
Ngoài 3 khâu dịch vụ bắt buộc, HTX đang cung ứng 4 khâu dịch vụ: diệt chuột, thú y, liên kết bao tiêu sản phẩm, làm đất và cấy bằng máy. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 130 triệu đồng.
Ông Khương Minh Duyên, Giám đốc HTX chia sẻ: Giải thưởng ngôi sao HTX năm 2024 là sự ghi nhận của Liên minh HTX Việt Nam với những đóng góp của HTX vào sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và phát triển kinh tế tập thể nói chung.
Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng cây trồng có tính hàng hóa cao trong liên kết tiêu thụ, phấn đấu 70% diện tích canh tác (ngô ngọt, kê, cà rốt) có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các tổ đội thu mua và các doanh nghiệp. Tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa khâu làm đất, lên luống, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt trong trồng màu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.