Dân Việt

Không theo kiểu "mạnh ai nấy chơi", nhiều người ở TP.HCM cùng tham gia tổ hợp tác trồng kiểng lá độc đáo

Quang Dương 04/06/2024 12:08 GMT+7
Tại TP.HCM, có tổ hợp tác trồng kiểng lá với các loại trầu bà Nam Mỹ, hồng môn, dương xỉ, tổ rồng… đang phát huy hiệu quả.

TP.HCM đang tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp sang hướng cây trồng, vật nuôi có giá trị cao. Trong đó, hoa, cây kiểng là một trong những mảng chủ lực được ngành nông nghiệp thành phố khuyến khích phát triển.

Tình hình sản xuất nông nghiệp 5 tháng đầu năm của TP.HCM cho thấy, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 7.935,8 tỷ đồng (tăng 1% so cùng kỳ). Trong đó, giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng chiếm tỷ trọng khoảng 73% trên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.


Không theo kiểu "mạnh ai nấy chơi", nhiều người ở TP.HCM cùng tham gia tổ hợp tác trồng kiểng lá độc đáo- Ảnh 1.

 Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM thăm mô hình tổ hợp tác trồng kiểng lá phường An Phú Đông.  Ảnh: Quang Sung

Diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng đạt 2.068ha. Trong đó, hoa mai 810ha, hoa lan 305ha, hoa nền 376ha, kiểng - bonsai 610ha (tăng 3,4% so cùng kỳ).

Có thể thấy, diện tích trồng hoa, cây kiểng của TP.HCM khá lớn và còn nhiều cơ hội phát triển. Ngoài những loại quen thuộc như: hoa lan, hoa mai… thành phố bắt đầu xuất hiện những loài cây kiểng phù hợp với quá trình đô thị hóa như: bonsai, kiểng lá các loại...

Chị Nguyễn Thị Hà Thu - Tổ trưởng tổ hợp tác dịch vụ hoa kiểng phường An Phú Đông (quận 12, TP.HCM) đang phát triển mô hình trồng kiểng lá, phục vụ cho việc trang trí các công trình trong đô thị.

Theo chị Thu, những năm gần đây, xu hướng của con người đang tìm về thiên nhiên, thích những mảng xanh. Đây cũng là lý do kiểng lá ngày càng được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là người dân ở đô thị lớn như TP.HCM.

"Hướng tới một đô thị xanh, không phát thải thì cây xanh và các mảng công trình xanh là lựa chọn hàng đầu, do đó tiềm năng của ngành kiểng lá là rất lớn. Đơn vị của mình hướng đến việc đưa thiên nhiên vào cuộc sống đô thị", chị Thu cho biết.

Hiện nay, chị Thu có vườn ươm rộng hơn 1.000m2 được trồng trong nhà lưới, có hệ thống phun sương kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm. Trong đó có khoảng 200 loài kiểng lá như: trầu bà Nam Mỹ, hồng môn, dương xỉ các loại, tổ rồng…


Không theo kiểu "mạnh ai nấy chơi", nhiều người ở TP.HCM cùng tham gia tổ hợp tác trồng kiểng lá độc đáo- Ảnh 3.

Ngành kiểng lá đang có nhiều tiềm năng, nhất là tại các thị trường lớn như TP.HCM. Ảnh: Q.S

"Sau 3 năm thành lập, tổ hợp tác của chúng tôi mang lại thu nhập ổn định cho thành viên, quy mô ngày càng mở rộng. Những thành viên tổ hợp tác đều nhận thấy giá trị kinh tế mà ngành kiểng lá mang lại, vì nhu cầu của thị trường hiện nay rất cao", chị Thu cho biết.

Được biết, mô hình tổ hợp tác của chị Thu là một trong những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu của quận 12, TP.HCM. Đây là mô hình mới, phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, tiết kiệm diện tích, đem lại giá trị kinh tế cao.

Tham quan mô hình của chị Thu, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Lê Minh Dũng đánh giá cao sự sáng tạo, bắt kịp xu thế của những nông dân trẻ. Đồng thời, ông Dũng gợi ý thêm một số giải pháp nâng cao giá trị kinh tế cho mô hình kiểng lá như: kết hợp phát triển sản xuất và du lịch, kết hợp vườn kiểng lá và quán cà phê, bán thêm các vật phẩm lưu niệm,xây dựng logo thương hiệu…

Được biết, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2024 của UBND TP.HCM sẽ tổ chức tập huấn về nhãn hiệu cho các HTX, tổ hợp tác tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các đề tài, nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ cho các liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác, làng nghề trên địa bàn TP.HCM.