Trần Tinh Anh
Chủ nhật, ngày 02/06/2024 10:21 AM (GMT+7)
Trong quá trình làm kinh tế tập thể (KTTT), xây dựng HTX nông nghiệp ở TP.HCM đã phát sinh những vấn đề bất cập, hạn chế hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều HTX đang lao đao.
Tại thời điểm này, nhiều HTX trồng rau ở TP đang "bí" đầu ra. Thậm chí, tình trạng làm ăn thua lỗ của các HTX nông nghiệp này khiến không ít thành viên đã và đang xin rút vốn.
HTX nông nghiệp thiếu đầu ra
Giám đốc HTX Phước An Trần Văn Thích cho biết, hiện HTX bán ra thị trường khoảng 30kg/ngày, sản lượng này rất thấp so với trước đây. Giờ, HTX không dám đặt hàng cho thành viên sản xuất. Từ chỗ có hơn 60 thành viên, HTX Phước An chỉ còn khoảng 30 thành viên.
Thực ra, tình trạng sản xuất, kinh doanh sụt giảm của HTX nông nghiệp trên địa bàn TP diễn ra từ sau dịch Covid-19. Nhằm kịp thời hỗ trợ khu vực KTTT, HTX khắc phục những ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã ký ban hành công văn số 2907 về giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp khu vực KTTT, HTX sớm ổn định sản xuất kinh doanh, qua đó duy trì ổn định kinh tế thành phố và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ động phối hợp Sở NNPTNT và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để phát triển thị trường nông sản; tăng cường công tác quản lý, dự báo, thông tin về thị trường nông sản để hạn chế tình trạng được mùa mất giá; hỗ trợ mở rộng thị trường đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu; đẩy mạnh triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng có ảnh hưởng từ dịch bệnh trên địa bàn TP…
Thiếu vốn và cán bộ để HTX nông nghiệp phát triển
Cũng khó khăn không kém là việc các HTX nông nghiệp hiện đang thiếu vốn để đầu tư phát triển. Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, nhìn chung nội tại của các HTX trên địa bàn khá yếu, khả năng huy động vốn từ thành viên rất thấp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM, đến cuối năm 2023, huyện Cần Giờ có hơn 280 khách hàng của HTX, doanh nghiệp được các ngân hàng giải ngân hơn 400 tỷ đồng.
Được biết, giai đoạn 2023 - 2026, ngân sách TP sẽ bố trí số tiền hơn 519 tỷ đồng để hỗ trợ KTTT, HTX.
Đặc biệt, khoản hỗ trợ cao nhất là kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ thu hút lao động trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, với hơn 456 tỷ đồng. Số tiền này dùng để hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp, UBND TP đã triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp trên địa bàn 5 huyện của TP.
Theo Kế hoạch, HTX nông nghiệp tham gia thí điểm mô hình này là các HTX tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; có hoạt động liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên các HTX sản xuất theo hợp đồng của doanh nghiệp hoặc tham gia trong chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao hoặc xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến hoặc xuất khẩu; áp dụng công nghệ tiên tiến hoặc công nghệ cao hoặc các tiêu chuấn, quy chuẩn để sản xuất nông sản an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng làm việc tại hợp tác xã đã hắt hiệu lực nên chưa thu hút được nguồn nhân lực làm việc tại các hợp tác xã. Việc này đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu thành lập HTX mới tại địa phương.
Hiện, TP.HCM có 164 HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có 97 HTX đang hoạt động; 2 liên hiệp HTX nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.