Vì sao phải đẩy mạnh kinh tế tập thể trong giai đoạn mới?
Vì sao phải đẩy mạnh kinh tế tập thể trong giai đoạn mới?
An Hải
Thứ tư, ngày 29/05/2024 10:58 AM (GMT+7)
Việc phát triển kinh tế tập thể trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng thời gian qua đã được nhiều kết quả, bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục.
Năm 2024, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX). Theo đó, TP.HCM định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế tập thể, HTX theo Luật HTX năm 2023, sớm đưa quy định của Luật đi vào cuộc sống.
Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa toàn diện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng. Tăng cường năng lực, nâng cao sức cạnh tranh và sức chống chịu của các HTX đối với các cú sốc kinh tế trong và ngoài nước.
Phát triển kinh tế tập thể được TP.HCM quan tâm triển khai trong nhiều năm qua. Ảnh: A.H
TP.HCM đặt mục tiêu, xây dựng, phát hiện các mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động có hiệu quả từ thực tiễn để tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng và tăng cường truyền thông, quảng bá các mô hình mới, hoạt động hiệu quả, có sức lan tỏa rộng. Tăng cường theo dõi, nắm bắt và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX.
Những nỗ lực của TP.HCM nhằm thực hiện tốt và hiệu quả Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII nêu rõ, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm.
Năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp HTX ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều HTX chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất.
Do đó, tại Nghị quyết 20, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII yêu cầu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững. Cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.
Góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.