Dân Việt

Việt Nam đứng trước 8 cơ hội và thách thức của xu hướng toàn cầu công nghệ hoá, thông minh hoá ngành nông nghiệp

An Linh 04/06/2024 19:38 GMT+7
Báo cáo của đối tác hợp tác với Bộ KH&ĐT tiết lộ, 8 xu hướng công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp sẽ giúp thay đổi toàn diện ngành sản xuất nông nghiệp và ngành chăn nuôi Việt Nam.

Theo đó, xu hướng sử dụng máy bay không người lái, bản sao kỹ thuật số, internet vạn vật, hệ thống robot trong sản xuất - quản trị, phân tích dữ liệu lớn (Big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI)… được cho là sẽ dẫn dắt, quyết định hiệu quả và tiến trình thịnh vượng hoá của một nền sản xuất, một quốc gia đi lên từ nông nghiệp.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu khẳng định, xu hướng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp sẽ chi phối tương lai của sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đưa ra những hiệu quả, bài học kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Việt Nam đứng trước 8 cơ hội và thách thức của xu hướng toàn cầu công nghệ hoá, thông minh hoá ngành nông nghiệp- Ảnh 1.

Xu hướng sử dụng máy bay không người lái, bản sao kỹ thuật số, internet vạn vật, hệ thống robot trong sản xuất - quản trị, phân tích dữ liệu lớn (Big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI) đang chi phối sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Bộ KH&ĐT).

Thực tế, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghệ cao là ngành đòi hỏi nhiều ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ ngành, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Đây là lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển và là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm của đất nước nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng.

Về ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, lĩnh vực nông nghiệp các công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… đã được ứng dụng vào nhiều doanh nghiệp, từ đó giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

Đối với ngành chăn nuôi, các doanh nghiệp đi đầu trong ngành đã ứng dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất như máng ăn, máng uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm, … đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Công nghệ chế biến thủy sản ngày càng được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.

Liên quan các cải tiến, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đã phát triển nhiều loại giống cây trồng, nguyên liệu đầu vào, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và những công cụ canh tác tiên tiến ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và số hóa là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo ra năng suất nông nghiệp cao với chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cải thiện.

Việt Nam đứng trước 8 cơ hội và thách thức của xu hướng toàn cầu công nghệ hoá, thông minh hoá ngành nông nghiệp- Ảnh 2.

Ứng dụng Robot được sử dụng tại Việt Nam để phun thuốc trừ sâu

Đối với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, một trong những ứng dụng mới, tầm quan trọng đặc biệt cho tương lai, nhóm nghiên cứu chỉ ra: AI trong nông nghiệp dự kiến sẽ tăng từ 1,7 tỷ USD vào năm 2023 lên ước tính 4,65 tỷ USD vào năm 2030. Các ứng dụng của AI mở rộng quy trình quản lý dữ liệu, cách mạng hóa cách nông dân xử lý thông tin. Nông dân có thể khai thác AI để thiết lập các hoạt động bền vững hơn.

Trong 8 xu hướng quan trọng, quyết định của ngành nông nghiệp, Internet vạn vật được nhóm nghiên cứu chỉ ra có tầm quan trọng đặc biệt bởi phần mềm nông học IoT được trang bị nhiều cảm biến khác nhau, thu thập và truyền dữ liệu thời gian thực thông qua các ứng dụng di động, thiết bị hoặc các kênh thay thế.

Những cảm biến này thực hiện một loạt nhiệm vụ, chẳng hạn như theo dõi nhiệt độ mặt đất, mức nước, điều kiện vật nuôi và sức khoẻ thực vật. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu được hỗ trợ bởi IoT còn tích hợp các cảm biến để tưới nước tự động cho cây trồng. Những cảm biến này bao gồm cảm biến độ ẩm của đất và lượng mưa.

Theo nhóm nghiên cứu, tại Việt Nam, các doanh nghiệp đi đầu ứng dụng các xu hướng đổi mới, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi hầu hết là những doanh nghiệp lớn, chi phối thị trường như CP, Ba Huân, Greenfeed, Pan, HAGL, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau….

Theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng sự bùng nổ của công nghệ thông tin; quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… đã và đang là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. 

Chính vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh và ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để phát triển nền nông nghiệp nước nhà.