Trưởng ngành Công Thương “trải lòng” lý do công nghiệp nước nhà chưa vào được “sới” của các ông lớn
Trưởng ngành Công Thương “trải lòng” loạt lý do công nghiệp nước nhà chưa vào được “sới” của các ông lớn
Nguyễn Tuyền
Thứ ba, ngày 04/06/2024 18:11 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: "Đầu tư công nghiệp cơ khí cần rất nhiều tiền, trình độ và kinh nghiệm mới dám bước vào "sới" của các nước phát triển vì họ đi trước chúng ta rất xa".
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về chính sách phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng ngoài việc chưa ràng buộc trách nhiệm với FDI, thì chính sách chồng chéo, khó hấp dẫn doanh nghiệp đang là rào cản khiến công nghiệp Việt Nam gặp khó khăn.
Chiều 4/6, tại phiên chất vấn ở Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Chủ tịch Công ty cổ phần HALCOM Việt Nam), nêu vấn đề hiện Việt Nam chưa có chính sách phát triển công nghiệp toàn diện, trong khi các nước đã "phát triển rất xa". "Thời gian tới chúng ta sẽ có chính sách gì để phát triển ngành công nghiệp đúng nghĩa", ông hỏi Bộ trưởng.
Cùng vấn đề này, Đại biểu Dương Tấn Quân (Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) cũng cho rằng, qua nhiều năm triển khai chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế. "Để xảy ra hạn chế này là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp?
Trả lời các đại biểu, Tư lệnh ngành Công Thương cho rằng: Để phát triển công nghiệp toàn diện, Bộ Công Thương đang tham mưu sửa các luật liên quan theo hướng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, như Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm.
Cùng đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng, bảo vệ mở rộng thị trường trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ) có tiềm năng để tham gia hội nhập, khai thác lợi thế phát triển công nghiệp.
Ông Diên thừa nhận đã có nhiều chính sách, liên quan tới nhiều ngành được ban hành nhằm hỗ trợ cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy vậy, không ít chính sách hiện chồng chéo, mâu thuẫn. Chẳng hạn, chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất vừa qua thực hiện được ít do vướng các quy định liên quan.
"Để chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phát huy hiệu quả, thì các bộ, ngành cần rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi chính sách chồng chéo. Trách nhiệm ngành nào thì ngành đó rà soát, tham mưu sửa, là cái gốc quan trọng nhất để các chính sách ban hành có thể khả thi", ông Diên nói.
Lãnh đạo ngành Công Thương nói: Cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương và năng lực hấp thu chính sách là "yếu tố quan trọng nhất"... để thu hút nhà đầu tư.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đặt vấn đề Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nhưng chưa đạt nhiều hiệu quả. Bộ Công Thương sắp tới cần khuyến khích, giải pháp gì đột phá?
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, hiện tỷ lệ nội địa hoá nhiều ngành công nghiệp đã tăng cao, dệt may đã đạt trên 50%, cơ khí hơn 30%, công nghiệp hỗ trợ từng bước nâng cao năng lực.
"Nhiều công ty, tập đoàn đã trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Sự phát triển công nghiệp hỗ trợ đã thu hút các tập đoàn lớn thế giới hình thành các trung tâm R&D ở Việt Nam", Bộ trưởng Công Thương nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, lĩnh vực cơ khí nông nghiệp Việt Nam có trên 90% máy móc trong lĩnh vực nông nghiệp do Việt Nam làm chủ, nhất là máy say sát, sấy lúa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và cung ứng. Ngoài ra còn nhiều dây chuyền chế biến cây có hạt có thương hiệu lớn trong nước.
Tuy nhiên, ông Diên cho biết các hạn chế lớn còn đối với chính sách phát triển ngành công nghiệp như nguồn lực hạn chế, trong đó nguồn lực từ trung ương xuống địa phương vừa ít lại khó tiếp cận. "Chính sách còn chồng chéo với nhau, điều kiện hưởng ưu đãi còn ngặt nghèo; chính sách thu hút FDI chưa ràng buộc, khuyến khích chuyển giao công nghệ'', Bộ trưởng Công Thương nêu.
Đặc biệt, tư lệnh ngành Công Thương khẳng định: Nhiều doanh nghiệp Việt Việt chưa quan tâm, chủ động tìm hiểu chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận ngành cơ khí thấp, rào cản gia nhập thị trường nhiều.
"Đầu tư công nghiệp cơ khí cần rất nhiều tiền, cần nhiều trình độ, kinh nghiệm mới dám bước vào xới các nước phát triển đi trước chúng ta rất xa", Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.