Dân Việt

Cục trưởng Cục Thú y: Cuốn Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam có giá trị lớn về mặt khoa học, lịch sử

Khánh Nguyên (ghi) 05/06/2024 14:40 GMT+7
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam do Báo Nông thôn Ngày nay và Cục Thú y phối hợp xuất bản trong thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt, khái quát được những thành tựu mà ngành đã đạt được trong hơn 73 năm qua.
Cục trưởng Cục Thú y: Cuốn Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam có giá trị lớn về mặt khoa học, lịch sử - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đánh giá, cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam do Báo Nông thôn Ngày nay và Cục Thú y phối hợp xuất bản trong thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt, khái quát được những thành tựu mà ngành đã đạt được trong hơn 73 năm qua.

Vừa qua, bộ ba cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam, Toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam, Toàn cảnh ngành Thủy sản Việt Nam do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến làm Chủ tịch Hội đồng biên tập, Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư tổ chức xuất bản đã ra mắt độc giả. Với riêng ngành Thú y, ông đánh giá như thế nào về cuốn đặc san này?

- Trước hết, tôi xin được cảm ơn Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã phối hợp rất hiệu quả với Cục Thú y xuất bản cuốn sách về ngành của chúng tôi trong bối cảnh gặp rất nhiều áp lực về mặt thời gian, nhân lực cũng như khối lượng thông tin rất đồ sộ, lại trải dài trong suốt chiều dài lịch sử với rất nhiều dấu mốc khác nhau.

Sự ra đời của cuốn Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam theo tôi là rất cần thiết và có ý nghĩa, khái quát hóa được tất cả những vấn đề ngành Thú y đã đạt được trong hơn 73 năm qua cũng như định hướng, chiến lược phát triển của ngành trong nhiều năm tới.

Đến nay, đã trên 73 năm kể từ khi được thành lập, ngành Thú y đã phát triển mạnh mẽ với nhiều đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe động vật. Do vậy, tôi cho rằng, việc xuất bản cuốn sách này cực kỳ có ý nghĩa.

Cùng với sự vào cuộc rất quyết liệt, rốt ráo của Ban Biên tập cũng như đội ngũ phóng viên, biên tập viên, họa sĩ báo Nông thôn Ngày nay, quá trình sản xuất cuốn đặc san còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NNPTNT mà trực tiếp là Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sự tham gia của các cơ quan trong ngành Thú y. Như vậy, cuốn sách này có nội dung rất toàn diện, từ góc độ quản lý nhà nước đến nghiên cứu, từ góc độ giáo dục đào tạo đến thực tiễn sản xuất.

Trong 5 năm qua, ngành Thú y đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và cuốn sách đã thể hiện rất tốt những thành tựu này.

Thứ nhất là ngành đã hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý; hai là, ngành cũng đã xây dựng được các chương trình quốc gia phòng chống các loại dịch bệnh, phòng chống kháng thuốc theo cách tiếp cận Một sức khỏe. Đây là xu thế toàn thế giới đang triển khai, chứng tỏ Việt Nam cũng đã hội nhập sâu rộng với thế giới.

Ba là, trong lĩnh vực chuyên môn, từ phòng chống dịch bệnh đến kiểm dịch, sản xuất thuốc - vaccine, kiểm soát giết mổ đã được đánh giá toàn diện trong những bài viết của các chuyên gia hàng đầu. Ngoài ra, những khó khăn vướng mắc, cả định hướng trong tương lai cũng đã được đề cập để từ đó ngành chức năng có tầm nhìn, lộ trình xây dựng chương trình hành động trong thời gian tới.

Cuốn đặc san cũng ghi nhận những kết quả trong công tác quản lý nhà nước, đào tạo thú y, trong công tác lãnh đạo chỉ đạo để phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khẳng định vị trí của ngành Thú y, cho thấy sự gắn kết giữa cơ quan quản lý, nghiên cứu, đào tạo đến thực tiễn sản xuất.

Tôi cho rằng việc ra mắt cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam cũng là cơ hội tốt để cộng đồng xã hội, độc giả hiểu hơn sự đóng góp của ngành Thú y với sự phát triển chung của toàn xã hội, ghi nhận đóng góp của những người làm trong lĩnh vực thú y.

Cuốn sách còn có giá trị về mặt khoa học, tham khảo, có giá trị về mặt tầm nhìn cho cả giai đoạn 73 năm qua và tầm nhìn cho giai đoạn tiếp theo. Chắc chắn đây sẽ là tư liệu tham khảo cần thiết cho các cán bộ đã và đang làm trong lĩnh vực thú y.

Bên cạnh đó, từ nguyên liệu để xuất bản cuốn sách, chúng ta có thể xây dựng thêm được nhiều sản phẩm khác về ngành Thú y, chứng tỏ chúng ta không chỉ phát triển ngành Thú y trong nước mà còn hội nhập hiệu quả với thế giới. 

Cục trưởng Cục Thú y: Cuốn Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam có giá trị lớn về mặt khoa học, lịch sử - Ảnh 2.

Trang bìa cuốn đặc san Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong cuốn Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam là những nội dung liên quan đến cuộc chiến loại trừ nhiều loại dịch bệnh động vật nguy hiểm trong hơn 73 năm qua, góp phần bảo vệ sinh kế của nông dân, giúp ngành Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định. Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về nội dung này trong cuốn đặc san? 

- Có thể thấy, một trong những nội dung quan trọng của cuốn Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam là đã nêu một cách khái quát, tổng thể nhưng lại rất cụ thể về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, các chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây chính là cơ sở cho các bộ ngành, địa phương, người dân thực hiện, cũng chứng tỏ các chương trình, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, ngành chức năng đối với lĩnh vực thú y đã đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. 

Cuốn đặc san cũng đã mô tả diễn biến, thực trạng của tình hình dịch bệnh, tuy có lúc tăng - giảm, có lúc diễn biến khác nhau nhưng có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại chúng ta đã kiểm soát được cơ bản các loại dịch bệnh nguy hiểm, kể cả những dịch bệnh có thể lây sang người cũng đã được kiểm soát. Đây là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Cuốn đặc san cũng đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của lực lượng thú y xã, thôn bản, phản ánh đúng thực tế những khó khăn anh em thú y cơ sở đang phải trải qua khi chỉ được hưởng phụ cấp ít ỏi nhưng vẫn nỗ lực giám sát, phòng chống dịch bệnh. 

Thời gian qua, hệ thống thú y cơ sở gặp nhiều khó khăn, nhất là sau quá trình sáp nhập vào các trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Ông có kỳ vọng, những văn bản kiến nghị, đề xuất của Bộ NNPTNT, Cục Thú y trong thời gian qua cũng như đã được đề cập trong cuốn đặc san sẽ giúp hệ thống thú y, nhất là ở cơ sở ngày càng hoạt động hiệu quả?

- Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2027 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư,… cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện.

Phải khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm để từ đó có đề xuất phù hợp.

Khi các dịch bệnh mới nổi xuất hiện, như Dịch tả lợn châu Phi, Viêm da nổi cục diễn biến phức tạp, hệ thống thú y cơ sở đứt gãy đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác khống chế, phòng trừ dịch bệnh, Bộ NNPTNT đã báo cáo cấp có thẩm quyền. Sau đó, Ban Bí thư có Chỉ thị 34, Kết luận 54 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành ngày 16/6/2022 cũng đã khẳng định tầm quan trọng, vai trò của hệ thống thú y, nhất là ở cơ sở trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trên cơ sở đó, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo. Từ đó đến nay đã có 10 tỉnh, thành phố rà soát, thiết lập lại hệ thống thú y, với mục tiêu tinh gọn nhưng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Cuốn Toàn cảnh ngành Thú y Việt Nam có độ dày 360 trang với 5 chương đã cung cấp cái nhìn tổng quan về ngành Thú y Việt Nam với lịch sử hình thành, thành tựu, kết quả, định hướng, chiến lược phát triển:

Chương I: Tổng quan.

Chương II: Dấu ấn từ cơ chế, chính sách.

Chương III: Những kết quả nổi bật.

Chương IV: Thú y Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Chương V: Đồng hành cùng sự phát triển.