Đa dạng hình thức
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, bà Hồ Thị Bích Linh - Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau khoảng 1 năm khởi động, Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Thực hiện dự án tại tỉnh Lâm Đồng, Hội ND tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về tổng quan phân loại và xử lý rác thải hữu cơ và kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra còn có các buổi tập huấn cho nông dân về tổng quan và kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; phân loại và xử lý rác thải hữu cơ và kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng… Từ các chương trình, lớp tập huấn trên, người dân tham gia đã thực hành tại nhà và áp dụng vào đời sống hàng ngày. Điều này giúp cho người dân vừa bảo vệ được môi trường, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế.
"Nhờ áp dụng kỹ thuật này đã giúp gia đình tôi tiết kiệm rất nhiều công lao động, sau khi ủ thành phân hữu cơ tôi lại bón cho vườn rau, hoa của mình. Tính ra, gia đình tôi giảm được 45- 50% lượng phân hữu cơ mình phải đi mua bên ngoài, tiết kiệm trên hàng chục triệu đồng/năm".
Ông Vũ Nhuần ( phường 8, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
Ông Lê Quang Hùng, hội viên Hội ND xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh) cho biết: Gia đình ông đang nuôi 5 con bò và trồng 3 sào lúa, 1 sào cỏ voi. Trước đây, sau vụ mùa thu hoạch lúa, gia đình ông thường đốt rơm rạ, còn thức ăn của đàn bò thì thường thiếu hụt vào mùa khô.
Sau khi được tham gia tập huấn kỹ thuật "Lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn chăn nuôi" của Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế" do Trung ương Hội NDVN tổ chức, ông đã về áp dụng cho gia đình mình. Qua lớp tập huấn, ông biết được phương pháp lên men phụ phẩm là kỹ thuật bảo quản thức ăn thô xanh nhờ quá trình lên men yếm khí. Vì vậy, thức ăn lên men có thể bảo quản được lâu dài. Đây là phương pháp nhằm đảm bảo sự đa dạng về chủng loại thức ăn, nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bò.
"Cũng nhờ biết được mô hình này mà gia đình tôi tự chủ được nguồn thức ăn cho đàn bò vào mùa khô. Từ đó, đàn bò được bố trí khẩu phần ăn, có thức ăn ủ chua hàng ngày luôn ổn định về tiêu hóa, sức khỏe tốt. Đàn bò của gia đình tôi khỏe hơn, ít bệnh, tăng trưởng tốt và nhanh hơn" - ông Hùng chia sẻ.
Giảm phát thải nhà kính
Trong khi đó, tại TP.Đà Lạt nơi được coi là thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao thì việc giảm thiểu rác thải, giảm phát thải nhà kính là yêu cầu cấp bách mà chính quyền, người dân địa phương cần thực hiện.
Ông Vũ Nhuần, hội viên Hội ND phường 8, TP.Đà Lạt cho biết: "Sau khi được tập huấn, tôi đã về xây dựng mô hình áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho gia đình mình.
Với diện tích 5.000m2 đất canh tác, hàng năm sau thu hoạch gia đình tôi đã xả ra môi trường hàng chục tấn rác thải từ phế, phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, không khí… Tuy nhiên, sau khi được tham gia các lớp tập huấn này đã làm tôi thay đổi nhận thức và áp dụng thành công kỹ thuật ủ phế phẩm nông nghiệp thành mùn hữu cơ".
"Nhờ áp dụng kỹ thuật này đã giúp gia đình tôi tiết kiệm rất nhiều công lao động, sau khi ủ thành phân hữu cơ tôi lại bón cho vườn rau, hoa của mình. Gia đình tôi giảm được 45 - 50% lượng phân hữu cơ đi mua bên ngoài, tiết kiệm trên hàng chục triệu đồng/năm. Hơn nữa, tôi còn áp dụng được quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho bà con xung quanh nơi tôi đang sản xuất" - ông Nhuần nói.
Ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng đang chịu nhiều áp lực, trong đó lượng rác thải sinh hoạt gia tăng, nước sinh hoạt, chất thải từ hoạt động trồng trọt, chế biến lâm sản, nước thải từ các làng nghề... Hơn nữa, các loại chất thải chưa được thu gom và xử lý chưa đảm bảo an toàn về môi trường, do đó đã gây ô nhiễm suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái. Chính vì vậy, dự án trên được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Được biết, Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" do Trung ương Hội NDVN phối hợp với tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng và triển khai thực hiện trong 4 năm (từ 2021 - 2024) tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa, Bến Tre, Tiền Giang.