Một nhà ở tỉnh Thái Bình, ba anh em trai rủ nhau nuôi cá lồng trên sông Luộc mà thu tiền tỷ

Thứ bảy, ngày 08/06/2024 19:04 PM (GMT+7)
Tận dụng lợi thế giáp sông Luộc, nhiều năm qua, một số hộ dân trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) tập trung phát triển mô hình nuôi cá lồng. Hướng đi mới này mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Thu nhập cao từ nuôi cá lồng

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuy, thôn Quỳnh Lang, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) và 2 người em trai là những hộ nuôi cá lồng trên sông Luộc đầu tiên của địa phương. Năm 2013, khi mới bắt đầu nuôi cá lồng, 3 anh em chỉ có khoảng hơn 10 lồng cá. Sau hơn 10 năm gắn bó đến nay đã có gần 40 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng, cá chép, cá trắm. Vài năm qua giá cá ổn định mang lại nguồn thu lớn cho 3 anh em.

Chia sẻ về lợi ích kinh tế từ nuôi cá lồng, anh Tuy phấn khởi cho biết: Nuôi cá lồng trên sông ưu điểm dễ thấy nhất là tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, cá ít bị dịch bệnh, năng suất cao, thuận tiện trong chăm sóc và thu hoạch. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện để cá sinh trưởng, phát triển nhanh... Năm 2023, riêng gia đình anh Tuy thu hoạch được gần 40 tấn cá từ 15 lồng cá, lợi nhuận mang lại trên 1 tỷ đồng.

Với gia đình anh Lê Ngọc Quản, thôn Bồ Trang 3, xã Quỳnh Hoa, sau nhiều năm làm đủ nghề song thu nhập không ổn định, năm 2016 anh chuyển sang nuôi cá lồng trên sông Luộc. Từ 4 lồng cá ban đầu, đến nay anh Quản có 18 lồng cá, chủ yếu là cá lăng, cá diêu hồng, cá trắm, trong đó cá lăng chiếm 60%. 

Một nhà ở tỉnh Thái Bình, ba anh em trai rủ nhau nuôi cá lồng trên sông Luộc mà thu tiền tỷ- Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Luộc mang lại cho gia đình anh Nguyễn Văn Tuy, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Quản cho biết: Nuôi cá lồng trên sông có nhiều thuận lợi như tận dụng được môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt cá thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng, vì vậy đầu ra của sản phẩm ổn định. Nuôi cá lồng trên sông có mật độ nuôi lớn hơn và ít xảy ra dịch bệnh nên cho năng suất cao. Với những người nuôi cá lồng trên sông Luộc, điều lo ngại nhất chính là nguồn nước bị ô nhiễm, vì vậy cần kiểm soát tốt việc xả thải nước sản xuất và nước sinh hoạt của các nhà máy, của cộng đồng dân cư ra sông. 

Cũng theo anh Quản, cá nuôi trên sông tuy thời gian nuôi khá dài, từ 18 - 20 tháng, tính cả chu kỳ nuôi chi phí thức ăn vào khoảng 75.000 đồng/ kg cá nhưng khi xuất bán thời điểm được giá giá cá lăng lên tới 120.000 - 130.000 đồng/kg. Với một lồng nuôi cá trên sông trong điều kiện bình thường, gia đình anh Quản thu lãi từ 30 triệu đồng/vụ.

Cần có cơ chế hỗ trợ vay vốn kịp thời

Huyện Quỳnh Phụ có hai sông lớn chảy qua là sông Luộc và sông Hóa. Diện tích hồ ao lớn, hệ thống thủy lợi tốt rất thuận tiện cho phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 200 lồng nuôi cá trên sông, tập trung ở 3 xã: Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hoàng. Thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Quỳnh Phụ được chú trọng, phát triển ổn định các khu nuôi trồng tập trung ven sông, mở rộng diện tích và nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay việc hỗ trợ vốn vay cho các hộ nuôi cá lồng và việc bảo đảm nguồn nước không bị ô nhiễm được các hộ nuôi rất quan tâm.

Một nhà ở tỉnh Thái Bình, ba anh em trai rủ nhau nuôi cá lồng trên sông Luộc mà thu tiền tỷ- Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Luộc mỗi năm mang lại cho gia đình anh Vũ Ngọc Ba, xã Quỳnh Hoa hàng tỷ đồng mỗi năm.

Gia đình anh Vũ Ngọc Ba, thôn Bồ Trang 3, xã Quỳnh Hoa hiện có 40 lồng nuôi cá, nhiều lồng sắp đến kỳ thu hoạch. Giá trị ước tính hiện tại khoảng 8 - 9 tỷ đồng. Mặc dù giá trị lớn song gia đình anh cũng vay khoảng 3 tỷ đồng từ một số ngân hàng để duy trì mô hình nuôi cá lồng.

Tâm sự với chúng tôi, anh Ba băn khoăn: Nuôi cá lồng tuy giá trị kinh tế mang lại cao nhưng lại phụ thuộc vào giá cả, nguồn nước. Nếu giá cao, nguồn nước không bị ô nhiễm sẽ mang lại cho người nuôi từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhưng khi giá thấp, cá chết do ô nhiễm nguồn nước, người nuôi bị thua lỗ, thậm chí trắng tay. Do vậy, để duy trì hoặc mở rộng quy mô nuôi rất cần nguồn vốn hỗ trợ ổn định cho các hộ nuôi cũng như quản lý chặt chẽ việc xả thải nguồn nước từ các nhà máy.

Là địa phương có số hộ nuôi cá lồng nhiều nhất huyện với 10 hộ, gần 130 lồng cá, thời gian qua, xã Quỳnh Ngọc luôn đồng hành với các hộ dân trong việc tháo gỡ khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay.

Ông Phạm Văn Tập, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Địa phương đang tiếp tục khuyến khích các hộ nuôi cá lồng trên sông, trong đó chú trọng hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư. Để tạo nguồn lực cho các hộ trong chăn nuôi, xã chỉ đạo Hội Nông dân thành lập tổ hợp tác để tiếp cận nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của tỉnh, đặc biệt là nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ khẳng định: Chủ trương của huyện yêu cầu các xã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm hài hòa giữa phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường. Với mô hình nuôi cá lồng trên sông, để duy trì nguồn lợi sẵn có, thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ một số khó khăn, nhất là hỗ trợ bà con tiếp cận nguồn vốn vay; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để các hộ áp dụng hiệu quả.

Nguyễn Cường (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem