Tham quan mô hình có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Lúa ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Công ty Bayer Việt Nam, các đối tác dự án (Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Phân bón Bình Điền Bình Điền, Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam - VinaRice) và nhiều nông dân.
Nông dân kiếm thêm 4,7 - 5,9 triệu đồng/ha từ canh tác lúa bền vững
Theo báo cáo, mô hình thực hiện thực nghiệm từ tháng 9/2023 với quy mô 2,4ha, đến nay được 3 vụ lúa và cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc kết hợp phương thức bón phân tối ưu kết hợp tưới tiêu hợp lý và ứng dụng bộ giải pháp "Bội thu cây Lúa - Much More Rice" của Bayer giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tối ưu.
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, hầu hết các vụ lúa trong mô hình ForwardFarming đều cho kết quả vượt trội hơn cách làm của người dân bên ngoài. Riêng về lượng giống gieo sạ 60kg/ha là tối ưu hiện nay.
Hiện nay, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang xây dựng các mô hình khác, theo đó, lượng giống gieo sạ chỉ còn 45kg/ha nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo khá tốt.
Cụ thể, trồng lúa theo mô hình giảm 2,5 – 3 lần lượng giống gieo sạ (60kg giống/ha so với tập quán sạ của nông dân 150-180kg/ha), giảm gần 50% lượng nước tưới (tương đương với 110m3/ha/vụ), giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 24,7%, giảm 1,5 - 4,0 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Về hiệu quả kinh tế, tăng từ 13,1-54,9% so với mô hình canh tác truyền thống.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc canh tác lúa theo mô hình ForwardFarming, cụ thể là ứng dụng đồng bộ giải pháp và công nghệ canh tác lúa tiên tiến, kiểm soát tốt phát thải và tác động môi trường đã giúp bà con nông dân giảm 1,5 - 4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Từ đó, gia tăng hiệu quả kinh tế từ 4,7 - 5,9 triệu đồng/ha.
Mô hình còn giúp nâng cao năng lực và kiến thức canh tác bền vững cho người nông dân thông qua các chương trình tập huấn, thúc đẩy hợp tác công tư trong toàn chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.
Trong khuôn khổ thực hiện mô hình, các đơn vị còn đào tạo, tập huấn cho hơn 4.500 nông dân tại TP.Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang về canh tác lúa chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm, áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong canh tác phù hợp với tập quán nhà nông và điều kiện địa phương.
Hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Sau khi tham quan mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Công ty TNHH Bayer Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Tiềm năng mở rộng mô hình ForwardFarming hướng tới hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL". Tại đây, đa số các đại biểu cho rằng, mô hình ForwardFarming thu được nhiều kết quả tích cực, bao gồm cải thiện khả năng tăng trưởng của cây lúa và chất lượng đất, tiết kiệm lượng nước sử dụng và giảm phát thải trong quá trình canh tác.
Sự thành công của mô hình có triển vọng tích cực trong việc nhân rộng tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp do Bộ NNPTNT trực tiếp chỉ đạo triển khai.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, khi sạ thưa, cây lúa sẽ đẻ nhánh nhiều, nếu sạ nhiều thì cây lúa mọc thẳng lên, không đẻ nhánh và yếu ớt, mỗi bông chỉ có vài hạt thôi.
"Do vậy, chỉ gieo sạ 60kg/ha để cây lúa khi mọc lên sẽ đẻ nhánh, tạo thành bụi khoẻ mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc phải bón phân kịp thời để thúc đẩy quá trình đẻ nhánh. Về điều tiết nước, phải để nước ít mới đẻ nhánh được, 1 cây lúa có thể đẻ 15 nhánh, phát triển thành 15 bông và lúc này cây lúa rất tuyệt vời" - ông Thanh thông tin, đồng thời đánh giá cao kết quả mô hình ForwardFarming và vai trò của đơn vị tham gia đồng hành.
Để mở rộng quy mô mô hình, tới đây Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty TNHH Bayer Bayer Việt Nam và các đối tác sẽ xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, bao gồm tiếp tục nghiên cứu, phát triển và đánh giá hiệu quả các công nghệ; mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược và đối tượng tập huấn tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
"Chúng tôi đã thống nhất cùng với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật cùng các đơn vị chịu trách nhiệm của Bộ NNPTNT coi mô hình này là chủ lực để thực hiện quy trình đề án Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Do vậy, mong muốn với bước khởi đầu đáng phấn khởi này, mỗi bà con nông dân tham gia mô hình hãy trở thành những khuyến nông viên, cùng hướng dẫn, lan tỏa mô hình đến nhiều nông dân khác trong thời gian tới" - ông Thanh nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Cục Trồng trọt, người tham gia trực tiếp Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL chia sẻ, mô hình ForwardFarming có 2 điểm rất tốt đó là giảm giống và nước. "Việc giảm giống nhằm củng cố thêm lòng tin cho người dân khi bỏ đi thói quen gieo sạ dày. Còn việc giảm nước đã giúp tiết kiệm rất nhiều, phù hợp với xu thuế chung khi nguồn nước không còn là tài nguyên vô tận của Việt Nam nữa" - bà Hương nói.
Khi nhân rộng mô hình trong thời gian tới, tuỳ vào điều kiện thực tế của các địa phương có thể điều chỉnh lượng giống gieo sạ cho phù hợp, không nhất thiết phải 60kg/ha và giảm 30% phân đạm. Cũng theo bà Hương, toàn bộ biện pháp kỹ thuật của mô hình ForwardFarming rất phù hợp để triển phục vụ đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.