Vụ có hay không lúa chết do làm đường cao tốc ở Hậu Giang: Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo làm rõ

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 10/06/2024 11:37 AM (GMT+7)
Liên quan đến phản ánh của Dân Việt về vụ có hay không tình trạng lúa chết do làm đường cao tốc ở Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo làm rõ nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp xử lý.
Bình luận 0

Theo nguồn tin của phóng viên Dân Việt, sau các bài phản ảnh của Dân Việt về việc có hay không tình trạng lúa chết do làm đường cao tốc ở Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ trưởng Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan làm rõ nguyên nhân vụ lúa chết tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Vụ có hay không lúa chết do làm đường cao tốc ở Hậu Giang: Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo làm rõ- Ảnh 1.

Lúa chết tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngoài làm rõ nguyên nhân vụ lúa chết, các đơn vị có liên quan cần đưa ra giải pháp xử lý.

Trước đó, người dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vô cùng bất ngờ bởi nhiều diện tích lúa chết khi trồng cặp (cạnh) công trình đường cao tốc Bắc - Nam. Điều đáng nói vụ việc xảy ra liên tiếp ở vụ lúa đông xuân và vụ hè thu.

Sau khi nhờ ngành nông nghiệp địa phương đến kiểm tra, người dân mới biết lúa chết là do nguồn nước nhiễm mặn.

Do đây là vùng nước ngọt quanh năm, trồng lúa luôn trúng mùa và chưa bao giờ nhiễm mặn tự nhiên nên người dân đã 2 lần gửi đơn phản ánh đến ngành chức năng địa phương, để mong được làm rõ nguồn nước nhiễm mặn do đâu và có chính sách bồi thường thỏa đáng.

UBND xã Vị Thắng sau đó đề nghị UBND huyện Vị Thủy mời các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra thực tế diện tích lúa bị ảnh hưởng. Tham gia cùng đoàn có đại diện của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), đại diện Công ty Trường Sơn (nhà thầu).

Kết quả kiểm tra từ Chi cục Thủy lợi cùng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho thấy, diện tích lúa của các hộ dân bị thiệt hại là do nhiễm mặn. Đại diện nhà thầu và chủ đầu tư cũng thống nhất kết quả lúa bị ảnh hưởng do nồng độ mặn cao.

UBND xã Vị Thắng thì cho biết, địa phương nằm trong khu vực an toàn, từ trước đến nay không bị nhiễm mặn tự nhiên, kể cả các con sông lớn quanh địa bàn xã cũng không có mặn. Đây cũng là lý do phần lớn nông dân ở địa phương trồng lúa là chính.

Đại diện UBND xã Vị Thắng chia sẻ, người dân địa phương rất vui mừng khi có đường cao tốc đi qua. Tuy nhiên, việc lúa chết do nguồn nước nhiễm mặn khiến người dân vô cùng lo lắng vì bị thiệt hại trong 2 vụ liên tiếp và chưa rõ những vụ tiếp theo có tiếp tục bị ảnh hưởng không.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch UBND xã Vị Thắng cho biết, địa phương rất mong lãnh đạo huyện cũng như tỉnh quan tâm làm đường thoát nước mặn, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại vụ kế tiếp nếu có.

Vụ có hay không lúa chết do làm đường cao tốc ở Hậu Giang: Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo làm rõ- Ảnh 2.

Người dân loấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang lo lắng khi lúa chết liên tiếp 2 vụ do nguồn nước nhiễm mặn. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong cuộc họp gần đây nhất do UBND huyện Vị Thuỷ tổ chức để bàn về vấn đề trên, ông Trần Thanh Toàn – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, khu vực lúa chết cặp công trình đường cao tốc là vùng sinh thái nước ngọt, lịch sử chưa bao giờ ghi nhận có nước mặn do thiên tai gây ra.

Hơn nữa, thời gian qua, cụ thể trong mùa khô 2024, ngành nông nghiệp luôn chủ động trong công tác phòng chống mặn xâm nhập, các công trình trình thuỷ lợi vận hành rất tốt do đó các vùng được bảo vệ (bao gồm ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) không có chuyện bị nhiễm mặn.

Ông Toàn nhấn mạnh, từ các yếu tố kết hợp lại, nước mặn không bao giờ đến được xã Vị Thắng, tức lúa chết do "nhân tai" chứ không phải "thiên tai". Bởi lúa chết do "nhân tai" nên theo ông Toàn, việc hỗ trợ không thể áp dụng theo Luật phòng chống thiên tai cũng như Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng tại cuộc họp này, ông Trần Hải Bắc - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn - nhà thầu thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) khẳng định, không dùng cát biển làm đường tại khu vực lúa chết mà người dân phản ánh.

"Chúng tôi khẳng định, nguồn gốc, xuất xứ cát được lấy từ An Giang và Đồng Tháp. Việc quản lý nguồn cát được chúng tôi thực hiện rất tốt" - ông Bắc nói.

Theo thống kê, có tổng cộng 5ha lúa đông xuân của 9 hộ dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang bị thiệt hại (khoảng 44 triệu đồng) do nguồn nước nhiễm mặn, trong đó có 4ha của 7 hộ dân bị thiệt hại 30%, còn lại 1ha của 3 hộ dân bị thiệt hại 90%.

Đến vụ hè thu 2024 này, có 1,7ha của 9 hộ dân nói bị thiệt hại. Trong đó, hộ có diện tích thiệt hại ít nhất khoảng 200m2, hộ có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất là 2.500m2.

Ngày 24/5 vừa qua, người dân đã được hỗ trợ thiệt hại đối với vụ lúa đông xuân 2023-2024 nhưng chưa được hỗ trợ vụ hè thu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem