Nhằm phát triển vùng chuyên canh rau theo hướng an toàn cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong tình hình hạn mặn xâm nhập ngày càng phức tạp, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển vùng chuyên canh rau màu.
Chuyên canh rau ăn lá áp dụng mô hình tưới phun sương, tiết kiệm nước ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN
Tại huyện Châu Thành, vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, hiện có gần 2.000 ha diện tích trồng rau màu, mỗi năm cung cấp sản lượng 350 nghìn tấn rau các loại cho thị trường chủ yếu như: các tỉnh miền Ðông, miền Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, song song với việc hình thành các vùng chuyên canh rau, huyện đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh cây trồng nhằm hướng người dân sản xuất rau theo hướng sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Đến nay, tại các vùng chuyên canh rau, người dân đã áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rau màu: Sử dụng giống F1, IPM, hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, tưới tiết kiệm nước (tưới phun mưa), sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác, ứng dụng nhà lưới và nhà màng trong canh tác…
Qua thống kê, diện tích áp dụng hệ thống tưới phun mưa đạt 3.400 ha, chiếm khoảng 80% diện tích gieo trồng rau màu các loại.
Diện tích áp dụng IPM đạt 2.800 ha, chiếm 65% diện tích gieo trồng rau màu các loại. Diện tích áp dụng phân bón hữu cơ, sinh học đạt 3.000 ha, chiếm 70% diện tích gieo trồng rau màu các loại. Trong 4 tháng đầu năm 2024, người dân trên địa bàn huyện Châu Thành đã xuống giống 8.166 ha, sản lượng thu hoạch 166.286 tấn. Hiệu quả thu nhập từ cây rau đạt từ 150 - 325 triệu đồng/ha/năm.
Tại ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Thương đã sáng tạo và thành công quay vòng đất một cách hợp lý trong việc canh tác các loại rau theo phương pháp lấy ngắn nuôi dài.
Với 4.000 m2 đất, ông Thương trồng luân phiên các loại rau như ngò gai, hành lá, cải, tía tô… nên cho thu hoạch thường xuyên cũng như áp dụng phương pháp tưới phun sương để tiết kiệm nước. Với cách làm này, vừa tận dụng diện tích đất một cách triệt để, vừa thu hoạch từng loại cây rau quanh năm theo chu kỳ từng loại, gia đình ông thu được trên 150 triệu đồng/năm.
Thu hoạch rau màu tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí – TTXVN
Đối với huyện Gò Công Tây, địa phương nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang, các hợp tác xã rau an toàn xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh, hình thành các vùng trồng rau màu tập trung ứng phó biến đổi khí hậu vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng phục vụ thị trường, đạt lợi nhuận cao.
Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây trao đổi: Tùy theo đặc thù từng tiểu vùng, huyện Gò Công Tây quan tâm tổ chức lại sản xuất, tập hợp nông dân, hình thành mạng lưới các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên canh rau màu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn VietGAP cũng như liên kết giải quyết đầu ra cho nông sản, người dân an tâm sản xuất.
Việc cơ giới hóa các khâu sản xuất từ làm đất đến phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, tự động hóa khâu tưới tiêu đang được nông dân các vùng chuyên canh rau màu áp dụng rộng rãi.
Mặt khác, tích cực xúc tiến thương mại, liên kết các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, siêu thị trong ngoài tỉnh giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa.
Nông dân Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) trồng rau màu trong mùa khô hạn. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Trong 4 tháng đầu năm 2024, huyện Gò Công Tây có diện tích trồng rau màu là 6.624 ha, thu hoạch 6.302 ha với tổng sản lượng đạt 135.168 tấn. Khảo sát địa phương cho thấy, lợi nhuận từ trồng rau màu bình quân đạt trong khoảng 47,4 triệu đồng/ha/vụ đến 290 triệu đồng/ha/vụ tùy theo loại màu, cao hơn từ 2-13 lần so với trồng lúa độc canh.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh, huyện Gò Công Tây, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng rau chuyên canh an toàn mang lại hiệu quả rất cao cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Với 1.000 m2, mỗi năm xã viên sản xuất trung bình khoảng 10 vụ, mỗi vụ trung bình thấp nhất là 2 tấn trong mùa mưa, trong mùa nắng có thể lên 4 tấn. Với giá hợp tác xã bao tiêu đó, sau khi trừ chi phí người dân lợi nhuận từ 5-8 triệu đồng/vụ.
Qua đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong sản xuất rau màu thực phẩm, người dân đã ứng dụng nhiều kỹ thuật trồng rau tiên tiến như: trồng thủy canh, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng màng phủ nông nghiệp, tưới nước tự động, tưới nước tiết kiệm... được nông dân áp dụng nhiều hơn.
Hiện có khoảng 90% diện tích các giống rau màu lai F1 được đưa vào sản xuất với thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh, giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Người trồng rau màu thu được lợi nhuận từ 63-310 triệu đồng/ha.
Thu hoạch rau màu trong nhà lưới ở xã Long Thuận, thị xã Gò Công (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Nhằm phát huy lợi thế cây rau, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình trình diễn và dự án khuyến nông, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới….).
Đồng thời, tăng cường tổ chức, xác lập, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây rau để phát triển ổn định cây rau; tiếp tục phối hợp với các xã tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP để khi có đủ điều kiện xúc tiến việc công nhận.