Vương triều đầu tiên của Việt Nam là triều Hùng, tồn tại từ khoảng thiên niên kỷ thứ 3 TCN - thế kỷ thứ 3 TCN. Lịch sử đã ghi chép lại rất nhiều những câu chuyện từ chính sử cho đến truyền thuyết về thời kì này, trong đó cuốn Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470, thời vua Lê Thánh Tông) gồm 21 tờ, 42 trang chữ Hán, tổng cộng gần 10.000 chữ được cho là cuốn có nhiều thông tin nhất.
Ngoài các công lao to lớn thì tuổi thọ của các vị vua Hùng cũng nhận được sự chú ý đặc biệt khi ai cũng đều sống rất thọ. Trong khi người có tuổi thọ ngắn nhất là Hùng Huy Vương (đời thứ 6) khi "chỉ" 100 tuổi (trị vì 87 năm) thì người thọ nhất lại sống đến 420 tuổi (trị vì 400 năm). Vị vua Hùng này chính là Hùng Hiền Vương, vua thứ hai của triều Hùng, thường được biết đến với cái tên Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân cùng với vợ Âu Cơ được xem là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết "bọc trăm trứng" nở ra trăm người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển. Nhắc đến chiến công của ông, không thể không nhắc đến sự kiện diệt Ngư Tinh dài hơn năm mươi trượng, linh dị khôn lường hay cuộc vây bắt Hồ Tinh chín đuôi chuyên biến thành người để dụ dỗ trai gái trốn vào hang núi.
Việc các vua Hùng ai cũng sống hàng trăm năm đã từng khiến sử gia Ngô Thì Sĩ thắc mắc trong cuốn Việt Sử tiêu án viết năm 1775 rằng: "Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được". Thắc mắc này không phải là không có căn cứ khi từ hàng nghìn năm trước, tuổi thọ của con người rất khiêm tốn, thậm chí vua chúa Việt Nam sống qua tuổi60 chỉ chiếm 12%.
Giả thuyết được nhiều nhà sử học tạm chấp nhận để giải thích cho hiện tượng này chính là 18 đời vua Hùng không phải là 18 cá nhân cụ thể, mà là 18 chi (nhánh/ngành), trong đó bao gồm nhiều đời vua dùng chung vương hiệu. Ngoài ra, việc người cai trị được gán cho tuổi thọ "không tưởng" cũng khá phổ biến ở nhiều nền văn hóa nên đôi khi đây là cách để dân chúng thần thánh hóa các vua Hùng.