Sáng ngày 7/6, tại TP. Đà Lạt, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh và giải pháp trong thời gian tới. Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam và ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hoạt động phát triển cá nước lạnh tại Lâm Đồng được bắt đầu từ năm 2006. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 109 cơ sở nuôi cá nước lạnh chủ yếu là cá tầm với tổng diện tích khoảng 54ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện. Diện tích nuôi cá nước lạnh chủ yếu tập trung tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và TP. Đà Lạt.
"Hiện nay, sản lượng cá nước lạnh (cá tầm) tại Lâm Đồng đạt trên 2.300 tấn/năm, giá trị ước đạt 450 tỷ đồng góp phần đáng kể vào giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân và phát triển kinh tế tại địa phương.
Hàng năm sản xuất trên 5 triệu con cá tầm giống phục vụ cho nhu cầu sản xuất cá tầm tại địa phương trong tỉnh và xuất bán cho một số tỉnh trong cả nước. Việc tiêu thụ sản phẩm cá tầm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tương đối thuận lợi, do đã hình thành liên kết chuỗi từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, cung ứng thức ăn và tổ chức thị trường tiêu thụ", ông Nguyễn Văn Châu cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hữu – Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, năm 2006, cá tầm được đưa vào Tây Nguyên nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng. Công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá tầm đã được các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I nghiên cứu thông qua nhiều đề tài/dự án.
Đến nay, trong 5 loài cá tầm được nuôi tại Việt nam (trừ cá tầm Beluga do tuổi thành thục dài, chưa cho trứng và cá tầm Trung Hoa chậm lớn ít người nuôi) thì 3 loài cá tầm gồm cá tầm Nga, cá tầm Xibêri và cá tầm Sterlet đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống tại Việt Nam và đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức. Ngoài tận dụng tốt diện tích mặt nước vốn không thích hợp để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống, việc phát triển nuôi cá nước lạnh ở các vùng cao còn góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.
Ông Hữu cho biết thêm: "Với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh, hiện nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Sản lượng cá nước lạnh tại Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007, sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng đạt 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn, năm 2020 đạt 3.720 tấn và đến năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007-2023 trung bình 49,13%/năm. Trong đó, Lâm Đồng và Lào Cai đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn".
Hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ là cá tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua các chế biến. Một số ít doanh nghiệp xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến, xuất khẩu trứng cá tầm và các sản phẩm thịt cá. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hồi, cá tầm nuôi trong nước chủ yếu vẫn tập trung tại các thành phố lớn, các thành phố phát triển du lịch như Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh.
Mặc dù sản lượng, kỹ thuật nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh trong 2 thập kỷ qua nhưng đến hết tháng 5 năm 2024 mới có 9/31 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tầm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định. Có 32/845 cơ sở (đạt 0,37%) cơ sở nuôi cá tầm thương phẩm được cấp mã số nuôi. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng con giống là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến các khâu của chuỗi sản xuất, như chất lượng, năng suất, sản lượng.
Ngoài ra, việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả, vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí nhất là các cơ sở nuôi ở vị trí đầu nguồn nên còn tình trạng xảy ra tranh chấp về nguồn nước trong mùa khô. Với hệ thống nuôi như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước tự nhiên đặc biệt các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, không đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi nên không nâng cao được năng suất.