Theo đó, nhiều chuyên gia đánh giá du lịch chăm sóc sức khoẻ đang trở thành xu hướng của du lịch thế giới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một tăng. Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển du lịch sức khỏe, du lịch chữa lành được cho là hướng đi mới, sản phẩm mới cho ngành du lịch.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Bích Ngọc, chuyên gia du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng cho biết, bên cạnh các tài nguyên thiên nhiên, du lịch, ẩm thực nổi bật, dịch vụ y tế tại Việt Nam có mức giá thấp hơn so với các nước châu Á, trong khi các cơ sở y tế vẫn đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhân lực trình độ cao. Việt Nam cũng sở hữu nền y học cổ truyền lâu đời, hiệu quả, có nhiều loại thảo dược bản địa tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, dù du lịch chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển trên thế giới thì tại Việt Nam, sản phẩm này còn ít, chưa đa dạng, ít cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt quy mô, chất lượng để đón khách có khả năng chi trả cao. Số cơ sở được công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và được cấp biển hiệu còn hạn chế. Phần lớn cơ sở có quy mô nhỏ, nhân lực còn hạn chế và cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Còn bà Tô Huệ, doanh nghiệp du lịch cho biết, hiện nay du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Theo báo cáo Kinh tế Sức khỏe toàn cầu công bố cuối năm 2021, Viện Sức khỏe toàn cầu (GWI) đã dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2020 - 2025 có thể đạt 21%, vượt qua tất cả các lĩnh vực khác của ngành chăm sóc sức khỏe nói chung.
Nhu cầu mua sắm các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe của du khách tăng cao. Vì vậy việc đẩy mạnh sản phẩm du lịch sức khỏe, không chỉ tạo ra sản phẩm mới, làm đa dạng sản phẩm mà còn đặt sức khỏe của du khách lên hàng đầu, tạo sự thư giãn, nghỉ ngơi của mỗi hành trình, kỳ nghỉ cho du khách trong nước và nước ngoài.
Ông Bùi Văn Dũng- Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch sức khỏe đang trở thành xu hướng mới tại Việt Nam, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời kết hợp giữa nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. So với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh về sản phẩm du lịch y tế, du lịch chăm sóc sức khỏe.
"Tuy nhiên các sản phẩm du lịch sức khỏe tại Việt Nam đang thiếu tính kết nối, vì vậy rất cần một giải pháp kết nối, ví dụ như nền tảng trực tuyến ra đời để gắn kết đơn vị cung ứng dịch vụ với các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch nhằm mang những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến với du khách", ông Bùi Văn Dũng cho biết.
Cũng tại buổi tọa đàm, đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa các đối tác và trải nghiệm mô hình khu trị liệu và thực hành các liệu pháp y học cổ truyền của Công ty CP Sao Thái Dương.