Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của các cử tri về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa thể thao và du lịch.
300 tỷ đồng không phải quỹ để hỗ trợ phát triển theo Luật du lịch, gọi là vốn điều lệ
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng), sau đại dịch Covid – 19, Chính phủ và Quốc hội quan tâm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi bằng chính sách tài khóa tiền tệ, bố trí 300 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên số tiền này cho đến nay vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng, số tiền lãi được chi bộ máy hoạt động thường xuyên vào bộ máy hành chính quản lý quỹ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên chưa chi nguồn kinh phí này và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Trả lời chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 300 tỷ đồng không phải quỹ để hỗ trợ phát triển du lịch. Theo Luật Du lịch, số tiền này gọi là vốn điều lệ, được áp dụng theo Quyết định số 49 do Thủ tướng ban hành. Trong đó quy định vốn điều lệ được bảo tồn, phát triển bằng cách gửi ngân hàng, bảo tồn nguồn vốn, phần lãi được dùng làm chi phí cho tổ chức bộ máy.
Kinh phí chi cho xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp, thông qua tỷ lệ phần trăm các hoạt động của ngành du lịch (như phí, vé) và được Nhà nước thu lại.
Số tiền 300 tỷ đồng được chia làm hai phần, mỗi phần 150 tỷ đồng. Theo đó, 150 tỷ đồng được nhận trước đã được gửi vào ngân hàng, số lãi chi cho hoạt động của bộ máy theo đúng quy định và sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước, số tiền còn lại được lưu giữ ở Kho bạc.
Nói đến giải pháp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho hay, Bộ đã chỉ đạo để củng cố, kiện toàn đội ngũ quỹ, tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền phối hợp để hình thành, thiết lập các quỹ theo quy định vì đây là mô hình mới (mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập).
Và nếu cần thiết sẽ báo cáo đánh giá tác động để xem xét, đề xuất sửa đổi quyết định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và phê duyệt điều lệ hoạt động của quỹ này, phục vụ tốt hơn hoạt động quảng bá du lịch.
Cũng vẫn xoay quanh về số tiền 300 tỷ, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) chất vấn và cho rằng: "Số tiền này giao cho Bộ VHTTDL, sau đó Bộ lại gửi ngân hàng thì sẽ rất lãng phí, bởi phải chi cho ban quản lý quỹ, tôi thấy rất vô lý. Tôi đề nghị Bộ trưởng, đề nghị với Chính phủ thành lập ký quỹ với tinh thần không được để thất thoát tiền công".
Cũng tại phiên chất vấn rất nhiều câu hỏi xoay quanh về phát triển sản phẩm du lịch đêm được đặt cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong đó đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) chất vấn, du lịch đêm là hướng đi đúng đắn nhưng sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Bộ trưởng cho biết thêm giải pháp về vấn đề này?
Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ khi ban hành đề án thí điểm du lịch đêm ở một số địa phương đã nhận được tín hiệu tích cực. Như Hà Nội đã biết phát huy các giá trị di tích, di sản để làm nên sản phẩm, điển hình nhất là từ Văn Miếu - Quốc Tử giám thành Tinh hoa đạo học.
Ở Ninh Bình, từ Cố đô Hoa Lư có Đêm Cố đô Hoa Lư, quận 1 TP.HCM có Sắc màu đêm Sài Gòn. Các sản phẩm này loại hình văn hóa, phố đi bộ, thưởng ngoạn nghệ thuật đường phố, đáp ứng được một phần nhu cầu của khách.
Đây là vấn đề mới và khó, không chỉ một ngành làm được. Bởi du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp nhiều ngành.
Để giải bài toán căn cơ này, Bộ trưởng đề xuất các địa phương nghiên cứu một số giải pháp, trong đó quy hoạch khu phát triển kinh tế đêm.
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng, quy hoạch là vấn đề quan trọng vì các khu vực đều có người dân ở xen kẽ, "làm thế nào để bên này hoạt động, bên kia người dân vẫn được ngủ".
Ngoài ra, đề án này còn cần quan tâm đến lực lượng lao động, không chỉ là những người bán hàng mà còn cả lực lượng bảo vệ an ninh trật tự "bảo vệ cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi". Cùng với đó là chế độ chính sách cho những người làm, người biểu diễn.
Đánh giá về kinh tế đêm thúc đẩy du lịch trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi bỏ lại. Nhiều địa phương phát triển du lịch đêm nhưng chỉ được một thời gian, sau đó khách không đến nữa. Ví dụ khu ẩm thực của Hà Nội trước đây rất sầm uất nhưng giờ không có khách nữa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết hướng tiếp cận là các địa phương cần chủ động nghiên cứu, Bộ VHTTDL sẽ tham gia, gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để thiết kế, tạo thêm trải nghiệm cho du khách; xem xét nhu cầu mở thêm các cửa hiệu mua sắm, đưa thêm các gói sản phẩm.
"Muốn làm được thì phải dựa trên các yếu tố về quy hoạch. Tôi biết nhiều chuyên gia kinh tế đã về các địa phương để làm nhưng cũng đang khó và đang nỗ lực, chứ không đơn giản để ngày một ngày hai", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cho rằng: "Phát triển sản phẩm du lịch đêm cho đến nay đã thực hiện được vài năm và hiệu quả có tăng nhưng không đáng kể. Trong khi đây là vấn đề lớn để có thể tăng GDP. Theo tôi về chiến lược, Chính phủ chỉ nên quy hoạch, còn để tư nhân họ làm mà không cần nhà nước tham gia. Tôi nghĩ rằng tư nhân họ sẵn sang đầu tư. Họ sẵn sàng phát triển, nếu thua thiệt họ sẽ tự chịu".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời, phát triển sản phẩm du lịch đêm không vướng quy hoạch của các địa phương, vấn đề là phân định từng khu. Ví dụ 1 tỉnh có 10 dự án du lịch thì chọn một dự án để phát triển du lịch đêm, cái đó thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh.
Hiện thí điểm ở 12 tỉnh, chúng ta đang thực hiện theo kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc là bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có, làm ra mà không ai dùng thì rất khó.
Sản phẩm du lịch đêm còn phụ thuộc thị hiếu, thói quen nhu cầu, phụ thuộc từng loại khách khác nhau nên cần phân loại phân nhóm.
"Chúng tôi đã tìm hiều sản phẩm du lịch đêm ở một số quốc gia, không phải tất cả đều làm mà chỉ làm ở điểm trọng yếu và cũng chọn phân khúc để làm. Đây là vấn đề khó cần nghiên cứu, ta cứ làm du lịch này cho thật tốt rồi tính thêm du lịch đêm phụ trợ", Bộ trưởng trả lời.
Chất vấn Bộ trưởng đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Cạn), hiện nay một số công trình sản phẩm du lịch có hiện tượng lai căng, sao chép đặc trưng văn hóa của nước ngoài, vùng miền điều này du thu hút một số bộ phận du khách, tuy nhiên về lâu dài sẽ có hệ lụy mất đi vẻ đẹp đặc trưng của các vùng miền, lâu dần mất đi bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Bộ trưởng đưa ra quan điểm về vấn đề này và giải pháp sắp tới?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời, trong văn hóa vốn dĩ mỗi đồng bào, mỗi tập quán đều có nét đẹp riêng, vấn đề như đại biểu phát hiện là lợi dụng việc này, cố ý làm sai, bản chất không phải như vậy. ví dụ như chuyện tình Khâu Vai được dựng lên trong phim, nhưng thực chất câu chuyện ngoài đời không phải như vậy. Khi có điều kiện đi thực tế đến đó tôi thấy rất đẹp, đáng trân trọng. Với những người lợi dụng và làm biến tướng thì đáng lên án, xử lý.
Theo Bộ trưởng cần có giải pháp tuyên truyền, nâng cao giáo dục để người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc ở vùng đó, là chủ thể văn hóa biết tôn trọng, bảo tồn, gìn giữ phát huy văn hóa của dân tộc mình, từ phong tục tập quán tới ứng xử. Thứ hai là cần có chế tài xử lý nghiêm minh, về lợi dụng về vấn đề này để khắc phục, hạn chế được tình trạng như đại biểu nói.
Vấn đề về sản phẩm du lịch Việt Nam mang hơi thở, nét văn hóa nước ngoài, thì theo Bộ trưởng. Bộ VHTTDL đã thực hiện theo nghị quyết 82, chỉ thị 08 trong đó xác định sản phẩm du lịch phải độc đáo, môi trường du lịch phải văn minh, thân thiện, giá cả phải cạnh tranh và có hợp tác liên kết để phát triển. Chính vì vậy thời gian qua tình hình du lịch đã có cải thiện, 5 tháng đầu năm chúng ta đã đón hơn 7 triệu lượt khách quốc tế. Các sản phẩm, bộ sản phẩm du lịch, nhận diện du lịch chúng ta đang làm, đang thực hiện đúng, ví dụ như du lịch biển đảo chúng ta đang đi đúng hướng. Du lịch dựa trên văn hóa chúng ta đang có, đó cũng là hướng đi chúng ta đang làm tốt.
"Ở đâu đó có vài sản phẩm cá biệt, chúng tôi sẽ cho kiểm tra. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá khắt khe, nên nhìn đó như sự giao lưu, tiếp thu về văn hóa chứ không phải bắt chước, làm theo", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Bên cạnh vấn đề về phát triển sản phẩm du lịch đêm, số tiền 300 tỷ đồng thì các câu hỏi đặt cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về thị thực về nhân lực du lịch, chuyển đổi số, giải pháp nào hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch trong tình giá vé máy bay tăng cao... cũng đã được Bộ trưởng trả lời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.