Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, hiện nay tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp của thành phố tham gia thương mại điện tử còn rất thấp.
“Sản phẩm nông nghiệp TP.HCM tham gia vào các sàn thương mại điện tử còn rất ít, chưa được 1%. Thành phố đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để bà con nông dân sản xuất nông nghiệp, tham gia bán hàng hiệu quả hơn qua các sàn”, ông Phú cho biết.
Hiện nay, ngành nông nghiệp TP.HCM đang bắt đầu những bước đầu tiên, nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM lên sàn thương mại điện tử. Mới đây, Sở NNPTNT TP.HCM đã tổ chức hai hội nghị gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp, HTX, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2024 nhằm trao đổi về hướng phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm nông nghiệp.
Tại các buổi đối thoại, phần lớn doanh nghiệp và cá nhân cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi bán nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Ngọc Hương - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt cho biết, công ty chuyên sản xuất bột rau, đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và đã có bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Theo bà Hương, doanh số bán hàng trên TikTok rất triển vọng song cũng không hề dễ dàng. Việc kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm phải đáp ứng nhiều điều kiện về thủ tục chứng nhận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty phải vừa học vừa cập nhật liên tục, đôi khi cũng gặp phải các lỗi vi phạm dẫn tới bị đóng tài khoản.
Ông Bùi Ngọc Đức - chủ vườn mai Hữu Đức (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, nhiều nông dân trồng mai vàng trên địa bàn xã Bình Lợi thời gian qua đã tiếp cận được các cách quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo. Tuy nhiên, vẫn chưa biết cách để xây dựng trên kênh thương mại điện tử Tiktok.
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phụ trách quan hệ Chính phủ TikTok Việt Nam cho biết, TikTok Shop là nền tảng giải trí kết hợp mua sắm nên có tốc độ tăng trưởng cao vì nhu cầu giải trí gấp 30 lần nhu cầu mua sắm.
Ngày 28/2/2023, TikTok đã ký với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, làng nghề, nông dân địa phương đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn lên sàn thương mại điện tử.
"Với diện tích 500ha trồng mai vàng trên địa bàn xã Bình Lợi, chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng mai vàng. Vì vậy, bà con đều mong muốn xây dựng được kênh riêng cho mai vàng Bình Lợi, qua đó có thể đem đến những kỹ thuật, giống hoa mai được sưu tầm, lai tạo giới thiệu, bán cho nhiều người có cùng sở thích. Từ đó, giúp nâng cao giá trị cho cây mai vàng Bình Lợi nói riêng và sản phẩm nông nghiệp TP.HCM nói chung", ông Đức nói.
Theo ông Dương Minh Thông - Phó Ban Truyền thông Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), xu hướng bán hàng thông qua video, qua livestream đang hỗ trợ rất nhiều cho cả người bán và người mua trong quá trình giao dịch thương mại.
“Chỉ nói riêng về nông sản và các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp, thì bán hàng qua livestream giúp người tiêu dùng có trải nghiệm tương đương với việc đến tận nơi, xem tận mắt, đánh giá được chất lượng hàng hóa nông sản định và muốn mua... còn người bán thì bán hàng được nhanh chóng hơn. Các sàn thương mại điện tử đang tạo ra những sân chơi mới cho nông sản và các sản phẩm chế biến từ nông sản; đây có thể sẽ vẫn là một "vùng xanh" đầy tiềm năng trong thời gian tới”, ông Thông cho biết.
Phó giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cũng đánh giá cao tiềm năng của lĩnh vực thương mại điện tử. Theo ông Phú, đặc trưng của nông nghiệp thành phố là nông nghiệp đô thị, đạt các tiêu chuẩn tốt, có thể tham gia các sàn thương mại điện tử. Trình độ sản xuất của nông dân TP.HCM cũng rất cao.
"Về lâu dài, tất cả sản phẩm phải gắn vào chuỗi, từ đầu vào đến đầu ra. Sau đó, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu, trình UBND TP.HCM về đề án về sàn thương mại điện tử để có định hướng cụ thể", ông Phú chia sẻ.
Ông Thông gợi ý, để những nhà sản xuất, HTX, hộ kinh doanh thậm chí là nông dân có thể phát triển thương mại điện tử hiệu quả thì cần có khả năng sản xuất tương đối ổn định, đảm bảo chất lượng và số lượng hàng hóa khi "bước chân lên sàn".
Về phía cơ quan quản lý, cần có kế hoạch dài hạn. Bởi ngành thương mại điện tử là ngành có biến động nhanh, thay đổi từng ngày, vì vậy, việc triển khai phải đảm bảo tính tốc độ và chính xác. Cần có chiến lược dài hạn cho sự thay đổi, chứ nếu không thì các bước triển khai đều là muộn so với thực tiễn
“Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của nhiều bên, với quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng; tham gia vào đúng với chức năng và thế mạnh của họ để giúp thành phố có thể triển khai thành công và bền vững mô hình này. Cần đặc biệt chú trọng đến đối tượng là các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, các doanh nghiệp đang "thực chiến" trong việc cung cấp giải pháp, công cụ; thay vì các đơn vị "lý thuyết". Bởi đây là câu chuyện của thị trường, câu chuyện hiệu quả được đo bằng số, bằng thực chứng”, Phó Ban Truyền thông VECOM cho biết.
UBND TP.HCM cũng đã ban hành Quyết định 313 về Phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, mục tiêu xuyên suốt của kế hoạch là thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử bằng cách phát triển dịch vụ hoàn tất đơn hàng và thanh toán trực tuyến để giúp doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử theo chiều sâu, theo hướng thương mại trên thiết bị di động được thuận lợi hơn; giúp doanh nghiệp phát triển tốt trên thị trường trong nước để bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế.