TP.HCM đặt mục tiêu mỗi ha sản xuất nông nghiệp đạt 650-750 triệu đồng

Quang Sung Thứ ba, ngày 11/06/2024 14:08 PM (GMT+7)
Mục tiêu của TP.HCM, đến năm 2025 giá trị sản xuất bình quân nông nghiệp đạt 650-750 triệu đồng/năm/ha. Trong đó, phát triển nông nghiệp đô thị là định hướng rõ nhất mà thành phố đặt ra.
Bình luận 0

UBND TP.HCM đặt kế hoạch đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân nông nghiệp đạt 650-750 triệu đồng/năm/ha. Tốc độ tăng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 1 - 1,5%/năm và giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 1 - 1,5%/năm.

90% hộ gia đình trung tâm TP.HCM thích làm nông nghiệp đô thị

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, đến hết năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 579 triệu đồng/ha/năm.

Để đạt được mục tiêu giá trị sản xuất bình quân nông nghiệp đạt 650-750 triệu đồng/năm/ha, TP.HCM khuyến khích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: chuyên canh rau, màu, hoa, cây kiểng, cây thức ăn gia súc, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

TP.HCM đặt mục tiêu mỗi ha sản xuất nông nghiệp đạt 650-750 triệu đồng- Ảnh 1.

TP.HCM xác định nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu. Ảnh: Quang Sung

Tại khu vực trung tâm thành phố, phải phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị. Khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô để tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị; cải thiện môi trường, giảm tiếng ồn và hiệu ứng nhà kính, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho người dân.

Theo TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng Trường Đại học Văn Lang, người dân đô thị ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm và sức khỏe bản thân cũng như môi trường sống. Cuộc sống trong những căn nhà phố được bài trí thực vật xanh, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên đã và đang được hầu hết cư dân đô thị ưa chuộng.

"Kết quả khảo sát về nhận thức của người dân sống tại vùng trung tâm của quận Bình Thạnh, Gò Vấp và Tân Bình về vườn đô thị qua các năm 2020, 2022 và 2023 ghi nhận, hơn 90% hộ gia đình mong muốn làm vườn và áp dụng công nghệ vào sản xuất”, TS Quyền thông tin.

Đánh giá về khả năng phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Chuyên gia nông nghiệp cho biết, TP.HCM có chương trình phát triển hoa, cây và cá cảnh. Đây là giải pháp chuyển từ truyền thống với lúa là cây trồng chính, sang nông nghiệp đô thị với hoa, cây cảnh, cá cảnh, bò sữa, rau an toàn… có giá trị kinh tế cao hơn.

TP.HCM đặt mục tiêu mỗi ha sản xuất nông nghiệp đạt 650-750 triệu đồng- Ảnh 3.

Những mô hình trồng rau thủy canh tiết kiệm diện tích, phù hợp với đô thị. Ảnh: Quang Sung

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM vẫn có một số khó khăn nhất định như: thiếu vốn, xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp khó khăn, quy mô đất nông nghiệp giảm mạnh, thiếu hụt nhân lực, chưa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…

TP.HCM chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu dùng nông sản

Theo TS Quyền, TP.HCM là địa phương có thế mạnh về sản xuất rau và hoa. Song, với diện tích hiện có, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố hiện chỉ cung ứng được khoảng 28% về nhu cầu rau xanh; sản lượng lợn hơi đáp ứng khoảng 11%, sản lượng bò hơi đáp ứng khoảng 19,7%, sản lượng thủy sản đáp ứng khoảng 14%, sản lượng gia cầm chỉ đáp ứng khoảng 1,2% so với nhu cầu tiêu dùng ở trên. Còn lại phần lớn nông sản, lương thực thực phẩm tiêu thụ tại TP.HCM đều do các địa phương khác cung ứng.

TP.HCM đặt mục tiêu mỗi ha sản xuất nông nghiệp đạt 650-750 triệu đồng- Ảnh 4.

Các vùng trồng hoa, cây kiểng ứng dụng công nghệ cao sẽ được TP.HCM phát triển trong năm tới. Ảnh: Quang Sung

“Lý do mà sản lượng và chất lượng nông sản chưa đáp ứng được 30% nhu cầu của cư dân đô thị là bởi, ngoài quỹ đất nông nghiệp giảm thì quy mô sản xuất hiện nay còn manh mún; chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng nông nghiệp đô thị để có thể ứng dụng công nghệ cao. Lực lượng lao động được đào tạo còn thiếu. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học dẫn đến tình trạng dịch bệnh triền miên, gây thất thoát mùa màng”, TS Quyền cho biết.

TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, nông nghiệp đô thị của Việt Nam hiện đang phát triển mang tính tự phát. Đến nay chưa có một chủ trương, chính sách chính thức nào của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp đô thị. Hai thành phố lớn nhất của cả nước, thì TP.HCM mới phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị” vào ngày 29/12/2023 và có thể nói chưa thể đi vào cuộc sống.

TP.HCM đặt mục tiêu mỗi ha sản xuất nông nghiệp đạt 650-750 triệu đồng- Ảnh 5.

Hiện, thành phố chỉ cung ứng được khoảng 28% về nhu cầu rau xanh cho người dân, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác. Ảnh: Quang Sung

Do đó, Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025, UBND TP.HCM yêu cầu phát triển thành phố trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại.

Qua đó, bảo đảm kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản chất lượng cao, an toàn theo chuỗi giá trị; tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp các vùng, các khu vực và cả nước phát triển.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP.HCM chiếm 45 - 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tại TP.HCM hiện nay có các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp công nghệ cao (huyện Củ Chi), Trung tâm Công nghệ sinh học (quận 12), Trung tâm Thủy sản (huyện Cần Giờ), Trại Thực nghiệm Bò sữa công nghệ cao hợp tác với Israel (huyện Củ Chi)... được xây dựng để tạo ra các giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, phân bón, kỹ thuật để cung cấp cho nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem