Dân Việt

Mỹ bất ngờ 'tặng quà' đắt giá nhất trong 33 năm qua dành cho Ukraine

PV (Theo RT) 14/06/2024 08:15 GMT+7
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết hiệp ước này đưa mối quan hệ song phương “lên mức độ của một liên minh thực sự”.
Mỹ bất ngờ 'tặng quà' đắt giá nhất trong 33 năm qua dành cho Ukraine - Ảnh 1.

   Nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay sau khi ký kết thỏa thuận an ninh song phương trong cuộc họp báo ở Savelletri, Ý ngày 13/6/2024. Ảnh AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm, theo đó Washington cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.

Thỏa thuận này được ký kết bên lề cuộc họp G7 ở miền nam nước Ý hôm 13/6. Theo thỏa thuận, Mỹ hứa sẽ "giúp ngăn chặn và đối đầu với bất kỳ hành động xâm lược nào trong tương lai chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" và "ủng hộ những nỗ lực của Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc chiến ngày nay và ngăn chặn hành động quân sự của Nga trong tương lai".

Hiệp ước cho biết: "Chính sách của Mỹ là hỗ trợ Ukraine duy trì khả năng phòng thủ và răn đe đáng tin cậy". Washington cam kết hỗ trợ Kiev bằng nhiều cách, bao gồm viện trợ quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ kinh tế.

Ông Biden nói với các phóng viên sau lễ ký kết rằng: "Một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine phải được bảo đảm bằng khả năng tự vệ của Ukraine hiện tại và ngăn chặn sự xâm lược trong tương lai".

Trong một bài phát biểu video được công bố vào sáng sớm 14/6, ông Zelensky nói rằng hiệp ước này đã nâng mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine "lên cấp độ của một liên minh thực sự". Ông mô tả thỏa thuận an ninh là "thỏa thuận mạnh mẽ nhất với Mỹ trong suốt 33 năm độc lập của chúng ta".

Kể từ năm 2023, Ukraine đã thực hiện các hiệp ước tương tự với từng quốc gia NATO, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Theo ông Zelensky, Kiev hiện có 17 thỏa thuận an ninh với các nhà tài trợ nước ngoài, "với 10 thỏa thuận nữa đang được chuẩn bị".

Các hiệp ước nhằm mục đích phục vụ như những cam kết lâu dài mà không trao cho Ukraine tư cách thành viên NATO. Tuy nhiên, các tài liệu đã được ký kết không có hiệu lực như Điều 5 của Hiến chương NATO, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên phải được các nước còn lại coi là cuộc tấn công của toàn bộ liên minh.

Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, Washington đã nói rõ rằng Ukraine không thể trở thành thành viên cho đến khi xung đột vũ trang với Nga được giải quyết. Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng không có khoản viện trợ nào của phương Tây có thể ngăn cản hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine.