Tại Nghị quyết 50 ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí.
Hiện nay, ở Việt Nam, các mô hình tòa soạn hội tụ xuất hiện ngày càng nhiều, các cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, đa loại hình cũng được hình thành, hoạt động hiệu quả…
Chuyển mình bắt kịp xu thế
Tòa soạn từ xa phát huy ưu thế một cách vượt trội. Các phóng viên, biên tập viên, thậm chí cả lãnh đạo tòa soạn đều có thể làm việc tại nhà, với các phương tiện, thiết bị thông minh có kết nối Internet. Các phần mềm quản lý hành chính, quản lý tin bài, họp trực tuyến… được áp dụng triệt để, hiệu quả. Rất nhiều cơ quan báo chí không quản lý phóng viên theo giờ hành chính, theo sự có mặt của họ tại tòa soạn, mà theo sản phẩm, theo định mức, theo hạn định với những nội quy, quy chế rõ ràng.
PGS - TS Hà Huy Phượng - Trưởng Ban tổ chức cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng, chuyển đổi số báo chí đầu tiên là chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi phương thức, chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi phương pháp, kỹ năng làm báo từ truyền thống sang phương thức mới và điều này bắt buộc các cơ quan báo chí truyền thông phải có những sự thay đổi để đáp ứng với nhu cầu hiện nay.
"Phương thức làm báo truyền thống với phương thức làm báo hiện nay đã có nhiều sự thay đổi. Phương thức làm báo truyền thống, thời chúng tôi mới vào nghề thì chỉ cần một cây bút và 1 tờ giấy đút túi quần là có thể cho ra những tác phẩm hay nhưng phương thức làm báo hiện nay lại khác, chỉ cần 1 chiếc smartphone là có thể làm được 1 tác phẩm hay, đấy là chuyển đổi số. Và nó không dừng lại ở phương tiện kỹ thuật mà chúng ta phải quản trị hệ thống của cơ quan báo chí trên cơ sở nền tảng kỹ thuật số để sáng tạo ra sản phẩm báo chí hiệu quả nhất, nhanh nhất" - ông Phượng dẫn chứng.
Ngoài ra, theo ông Phượng, cuộc cách mạng công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghệ số rất gần nhau và là giai đoạn chuyển tiếp trung gian từ những phương thức quản lý quản trị hoạt động báo chí từ truyền thống sang thời kỳ công nghệ thông tin, thời kỳ số hóa. Chính vì vậy, báo chí không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thậm chí cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.
"Trước chúng tôi cũng làm bão lũ như thế, nhưng bây giờ các bạn phóng viên trẻ làm live và mình thấy là sự đáng yêu nhưng không hề ngây thơ, rất chắc chắn, rất chuyên nghiệp, rất truyền cảm hứng. Đó là sự thay đổi, thay đổi về mặt công nghệ số cho phù hợp với thời đại số".
Nhà báo Nguyễn Thu Hà (VTV)
TS Triệu Thanh Lê - Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho hay, không chỉ đối với cơ quan báo chí mà việc chuyển đổi số cũng thể hiện rất rõ trong phương thức đào tạo, áp dụng công nghệ mới trong cách thức đào tạo tại các trường, cơ quan báo chí.
Đặc biệt là sự thay đổi của công nghệ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Cơ quan báo chí sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng trong quá trình chuyển đổi số, ví như thay đổi mô hình tòa soạn, đào tạo nhà báo làm báo điện tử, đầu tư những thiết bị số hiện đại như trường quay ảo, đầu tư hạ tầng xử lý bộ dữ liệu lớn để có phân tích người dùng, mảng đọc, xu hướng mới…
Cơ quan báo chí đi đầu trong chuyển đổi số
Kể về câu chuyện chuyển đổi số báo chí, nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam thông tin, VTV được đánh giá là cơ quan báo chí đi đầu trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo nhà báo Thu Hà, đến nay VTV chưa tự tin là mình đã giải được bài toán về chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số ở VTV được đánh giá là tích cực và đi đầu trong chuyển đổi số cho phù hợp với thời đại công nghệ số.
"Tôi hôm nay vẫn đang trực bản tin, sáng nay tôi ngồi nhắc đến một vài hình ảnh ấn tượng. Ví như chúng tôi làm breaking news, live, Fanpage, YouTube về câu chuyện gần 500 cú sét đánh trong 10 phút ở Hà Nội. Người dẫn chương trình chính và ở trường quay, tôi nhìn thấy mình ở đó thời điểm 25 năm trước. Trước chúng tôi cũng làm bão lũ như thế, nhưng bây giờ các bạn phóng viên trẻ làm live và mình thấy là sự đáng yêu nhưng không hề ngây thơ, rất chắc chắn, rất chuyên nghiệp, rất truyền cảm hứng. Đó là sự thay đổi, thay đổi về mặt công nghệ số cho phù hợp với thời đại số" - nhà báo Nguyễn Thu Hà chia sẻ.
Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM đánh giá, hiện nay chuyển đổi số đã đi hết vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Vì vậy, câu chuyện báo chí chuyển đổi số cũng nằm trong xu hướng đó, đi vào tất cả hoạt động, không thể cưỡng lại được. Và khi báo chí tham gia vào quá trình cung cấp các sản phẩm của báo chí trên môi trường số nghĩa là báo chí đã chuyển đổi số.
Báo Tuổi Trẻ thực sự chuyển đổi số bắt đầu từ những năm 2000, thời điểm ông Trung cùng nhiều cán bộ khác làm báo giấy trên môi trường số nhưng lại bắt buộc phải ngồi ở tòa soạn. Vì áp lực công việc nên Báo Tuổi trẻ đặt ra yêu cầu, mong muốn có thể xử lý công việc ở bất cứ nơi nào. Và xuất phát từ nhu cầu đó, báo đã quyết định làm tòa soạn số. Thời điểm ấy, báo phải mua phần khai thác của 1 tập đoàn chuyên làm tòa soạn số cho các tờ báo lớn trên thế giới.
"Và với tòa soạn số đó, chúng tôi có thể chuyển bài vở, biên tập, xử lý ở bất kỳ nơi nào. Ví dụ tôi đang ở Hà Nội tôi vẫn có thể làm việc trên tòa soạn số. Nó cũng là điều may mắn cho Tuổi trẻ là khi tham gia vào chuyển đổi số sớm đã giúp chúng tôi khi có sản phẩm báo chí mới, nhanh, kịp thời" - nhà báo Lê Xuân Trung cho hay.