Thấu hiểu độc giả - Chìa khóa thành công của báo chí thời công nghệ

TS Đỗ Anh Đức Thứ sáu, ngày 21/06/2024 06:40 AM (GMT+7)
Hồi cuối tháng 5, sau đại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, có một sự kiện khác trong giới báo chí cũng rất đáng chú ý. Đó là việc Báo Nhân Dân quyết định in và tặng miễn phí 100.000 bức tranh panorama chiến thắng Điện Biên Phủ cho độc giả, phần lớn là độc giả tuổi teen…
Bình luận 0

"Lấy lòng" công chúng trẻ

Cảnh hàng trăm bạn trẻ nhiều ngày xếp hàng ở sân tòa soạn Báo Nhân Dân tại số 71 Hàng Trống (Hà Nội) để chờ nhận món quà đặc biệt này khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, xúc động trước sự quan tâm, trân trọng của thế hệ hôm nay đến lịch sử rất đáng tự hào của cha ông xưa - nhưng theo một cách rất hiện đại và "công nghệ". Điều kiện để được nhận tranh khá là đơn giản với các bạn Gen Z: Đăng ký, đăng nhập vào Báo Nhân Dân điện tử và đọc 3 bài báo.

Đây được đánh giá là một cách làm khéo léo, sáng tạo của báo trong việc thu hút khán giả trẻ tìm đọc tờ báo vốn được cho là chỉ dành cho độc giả lớn tuổi. Đó cũng là chiến lược và là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất của báo chí Việt Nam thời kỳ chuyển đổi số: Làm thế nào để phát triển nguồn độc giả trẻ.

Thấu hiểu độc giả - Chìa khóa thành công của báo chí thời công nghệ- Ảnh 1.

TS Đỗ Anh Đức – Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: T.L

Còn nhớ năm ngoái, Hội Nhà báo Việt Nam cũng tổ chức một diễn đàn thảo luận về chủ đề thu hút độc giả trẻ đọc báo, thay vì giới này đang bị "hấp thu" triệt để bởi mạng xã hội. 

Họ có biết các thông tin thời sự xã hội không? Có. Họ có biết những câu chuyện nóng, đang "hot" không? Có. Nhưng phần lớn thông tin giới trẻ nắm được là từ nguồn mạng xã hội.

Đó là điều mà các tham luận tại diễn đàn nêu ra, có cả các con số cụ thể, những kết quả nghiên cứu, khảo sát chứng minh cho thực trạng này. Nhưng làm thế nào để thay đổi điều đó thì vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo, nhất là thiếu vắng tiếng nói của chính người trẻ.

Một trong những nỗi trăn trở lớn nhất của báo chí Việt Nam thời kỳ chuyển đổi số chính là: Làm thế nào để phát triển nguồn độc giả trẻ.

Tiết lộ của một người phụ trách chuyên trang ở một tờ báo điện tử thuộc hàng có nhiều người đọc và tăng trưởng nhanh nhất cả nước (báo A) cho thấy mối lo ngại này. Mặc dù các chỉ số gia tăng lượng độc giả thường xuyên rất khả quan, nhưng đồ thị biểu đạt lượng độc giả trẻ lại có chiều hướng đi xuống hoặc đi ngang.

Có một câu chuyện đáng chú ý. Đó là một mẩu tin trên báo A về lời than vãn của các bạn sinh viên một trường đại học ở phía Nam về lễ tốt nghiệp. Ban đầu nhà trường dự định tổ chức buổi lễ tốt nghiệp ở hội trường lớn, nhưng sau đó vì các lí do khách quan, địa điểm phải thay đổi. Khán phòng nhỏ hơn, tuềnh toàng hơn. Điều này đã vấp phải sự phản ứng của không ít sinh viên.

Trong "diễn đàn confession" của trường, sinh viên phàn nàn vì cảm thấy lễ tốt nghiệp không được tổ chức một cách đủ trang trọng như kỳ vọng. So sánh với một số trường khác, nhất là các trường ngoài công lập, các bạn không khỏi cảm thấy chạnh lòng, "ghen tỵ" với "trường người ta" vì họ đầu tư khá chuyên nghiệp cho lễ tốt nghiệp, qua đó cũng góp phần xây dựng hình ảnh cho trường.

Câu chuyện này được báo A đưa tin. Rất nhiều đọc giả đã vào bình luận ở bài viết trên báo. Rất tiếc, phần lớn là bình luận thiếu thiện chí, phê phán các sinh viên kia… Rất nhiều bình luận bắt đầu bằng mệnh đề "ngày xưa chúng tôi" thế này thế kia! Cũng dễ hiểu khi phần lớn những người bình luận là độc giả trung niên, lớn tuổi. Và họ cũng là lực lượng chính đang đọc báo A nói riêng và báo điện tử nói chung.

Thấu hiểu độc giả - Chìa khóa thành công của báo chí thời công nghệ- Ảnh 2.

Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt hướng dẫn cán bộ và hội viên nông dân cài đặt, sử dụng ứng dụng đọc báo điện tử Dân Việt (app Dân Việt). Ảnh: Viết Niệm

Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó. Bài viết được một bạn trẻ đang quản trị một diễn đàn của giới trẻ đưa lên diễn đàn của mình, với thành phần chủ yếu là sinh viên các trường. Tất nhiên, ở đây các bạn mới lên tiếng. Trong đó, đáng chú ý có những bình luận chỉ trích khá mạnh với cả báo A vì "viết bài có điều hướng người đọc phê phán đòi hỏi của sinh viên", "không đứng về phía người trẻ"...

"Thực đơn số" để phục vụ công chúng số

Những câu chuyện riêng lẻ kể trên có ý nghĩa đại diện cho một bối cảnh mới, bối cảnh mà báo chí giờ đây đang phải nỗ lực thay đổi, tái cấu trúc không ngừng để phục vụ tốt nhất cho độc giả.

Câu cửa miệng người ta hay nói thời gian vừa qua là "Nội dung là vua", "công nghệ là nữ hoàng". Câu này thực ra không sai, đồng ý rằng nội dung là tối quan trọng và công nghệ cũng mang tính quyết định. Tuy nhiên, nếu theo phương châm làm báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì "Viết cho Ai?" mới là câu hỏi đầu tiên. Nguyên lý này đúng đến tận bây giờ. Nội dung là "viết cái gì", công nghệ là "viết như thế nào". Ai - đối tượng thụ hưởng mới là quan trọng nhất.

Các chuyên gia về chuyển đổi số báo chí trên thế giới đều cho rằng, cốt lõi của chuyển đổi số, trọng tâm của sự chuyển dịch này chính là tái khẳng định nguyên tắc số một của báo chí: Phụng sự độc giả, dựa vào độc giả để tồn tại.

Những ứng dụng số, các nền tảng hiện đại, các công nghệ hình ảnh, âm thanh, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, cá nhân hóa người dùng…, cho phép độc giả nói chung, đặc biệt là độc giả trẻ nói riêng tiếp cận với rất nhiều phương thức đưa tin, trình diễn thông tin trong thời đại số.

Cho dù người dùng luôn có nhu cầu cập nhật thông tin nhanh-nhiều-miễn phí kiểu trên mạng xã hội, nhưng khi cần tìm kiếm sự thật, xác minh thông tin thực tế, họ nhất thiết phải tìm đến báo chí chính thống. Thực tế, những tờ báo có sức sống thật sự hiện nay đều có chung đặc điểm là nghiên cứu rất kỹ lưỡng về thói quen độc giả, nhất là giới trẻ.

Ở đâu có công chúng, ở đó có báo chí. Khác với thời kỳ đầu số hóa, khi mạng xã hội và công nghệ mới phát triển, các diễn ngôn nghề nghiệp kiểu bảo thủ vẫn thắng thế, cho rằng, báo chí vẫn có sức mạnh độc tôn.

Cách đây khoảng 10 năm, người viết bài này từng phát biểu rằng thông tin báo chí cũng là một phần của tài nguyên thông tin xã hội, trong đó bao gồm cả các loại thông tin được sáng tạo trên không gian truyền thông số.

Nhận định này là trích lại quan điểm của từ các nghiên cứu hàn lâm của thế giới. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, giới báo chí khó mà chấp nhận, vì không ít người làm báo vẫn quan niệm rằng báo chí và mạng xã hội không "ngồi chung mâm"!

Ngày nay, thực tiễn phát triển của truyền thông số buộc chúng ta phải thay đổi. Trong nhiều trường hợp, mạng xã hội còn bỏ xa báo chí trong cuộc đua giành sự chú ý của người dùng, nhất là người dùng trẻ. Tuy nhiên, vấn đề không phải là cạnh tranh thắng thua, mà là một chiến lược phục vụ độc giả tốt nhất sẽ thành công.

Cho dù người dùng luôn có nhu cầu cập nhật thông tin nhanh-nhiều-miễn phí kiểu trên mạng xã hội, nhưng khi cần tìm kiếm sự thật, xác minh thông tin thực tế, họ nhất thiết phải tìm đến báo chí chính thống. Thực tế, những tờ báo có sức sống thật sự hiện nay đều có chung đặc điểm là nghiên cứu rất kỹ lưỡng về thói quen độc giả, nhất là giới trẻ.

Từ hai câu chuyện kể trên, có thể nói rằng, cho dù công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ hiện nay có thể tạo ra rất nhiều khả thể và sáng tạo trong "thực đơn số" để hấp dẫn, thu hút độc giả, điều quan trọng và cũng là nguyên lý bất biến của nghề báo: Phải thực sự thấu hiểu độc giả, báo chí mới thực sự có một tương lai phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem