Vừa đầu tư, vừa khuyến khích báo chí năng động tạo nguồn thu
Vừa đầu tư, vừa khuyến khích báo chí năng động tạo nguồn thu
Cẩm Thúy
Thứ sáu, ngày 21/06/2024 06:43 AM (GMT+7)
"Tôi đồng tình quan điểm một số cơ quan báo chí mạnh sẽ cần phải được đầu tư, ví dụ đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, phần mềm công nghệ để cho họ mạnh lên. Đồng thời vẫn phải khuyến khích cơ quan báo chí năng động để tạo ra những nguồn thu mới…" – nhà báo Lê Quốc Minh nói.
Nhân dịp 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024). PV đã có cuộc trao đổi với nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Báo chí cần phải biết lựa chọn xem cái gì đáng nói, cái gì không đáng nói. Chứ không phải cứ có bất kỳ chuyện gì nảy sinh là báo chí đều "nhảy vào", tốn giấy mực vào những điều vô bổ".
Nhà báo Lê Quốc Minh
Đến thời điểm này đã 3 năm ông đảm nhiệm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Điều nhiều người nhìn thấy là Báo Nhân Dân có nhiều hoạt động và sự đổi mới, sáng tạo. Ông nói gì về sự đổi mới đó và có hài lòng về những gì mình đã làm?
- Tất nhiên là khó có thể nói rằng đã làm hết được những điều mình mong muốn chưa, vì cá nhân tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện là phải làm số lượng bao nhiêu việc. Mà cứ có điều kiện đến đâu thì mình sẽ tiếp tục sáng tạo và tìm ra những thứ hay ho để mình áp dụng. Điều quan trọng là phải thay đổi liên tục, phải làm ra rất nhiều sản phẩm mới.
Chúng tôi không đặt ra mục tiêu một năm thì có mấy dự án mà như đã thấy là chúng tôi làm rất nhiều hoạt động, rất nhiều dự án trong một năm. Thậm chí cứ mỗi lần làm là quy mô lại tăng lên. Ví dụ trước đây Báo Nhân Dân vốn đã làm những sự kiện nghệ thuật chính luận ở nhiều địa phương và cũng đã gây tiếng vang nhất định. Nhưng chúng tôi đã cải tiến, bổ sung, tìm tòi những cách thức làm mới. Mới đây chúng tôi làm một chương trình nghệ thuật chính luận ở Tây Ninh thu hút đến hơn 7 vạn người xem, con số kỷ lục.
Hay là chúng tôi tạo ra những sản phẩm thông tin rất đặc biệt. Ngày trước, cách làm là cứ mỗi đợt tuyên truyền cho các sự kiện chính trị nhất định thì sẽ tăng số lượng tin bài, hình ảnh trên báo in, báo điện tử… Hiện nay, những tuyến thông tin gần đây của Báo Nhân Dân về các hoạt động lớn của đất nước được chúng tôi xây dựng kế hoạch rất sớm và triển khai trước thậm chí là từ 4 - 6 tháng.
Có sự chuẩn bị như vậy thì sẽ có thời gian để làm nội dung chi tiết hơn, kỹ lưỡng hơn. Và thậm chí là tạo ra những chuyên trang đặc biệt. Ví dụ như vừa rồi không chỉ là một chuyên trang về 75 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ theo kiểu thông thường là nhiều bài hơn, nhiều tin hơn, nhiều ảnh hơn, mà chúng tôi tạo ra điểm nhấn là làm theo diễn biến 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi ngày thông tin lịch sử đan xen được bổ sung cho ngày đó. Độc giả sẽ thấy sự khác biệt.
Độc giả vào xem ngày 13/3 - ngày đầu tiên ta đánh vào cứ điểm Him Lam, thấy hấp dẫn thì lại mong ngày hôm sau, 14/3, sẽ vào xem diễn biến gì xảy ra trên chiến trường, chuyện gì xảy ra ở hậu phương, chính trường quốc tế ngày hôm đó có gì. Chúng tôi làm lịch sử theo kiểu báo chí tư liệu như vậy, 56 ngày như thế, hàng triệu lượt người theo dõi cho đến ngày cuối cùng là ngày 7/5, ngày quân ta cắm cờ trên nóc hầm De Castrie…
Những cách thức làm đổi mới liên tục như vậy nó tạo ra những sản phẩm khác biệt.
Phải nói rằng đối với người làm báo thì không có gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy sản phẩm được độc giả đón nhận. Chính điều này lại tiếp tục khiến người ta được truyền cảm hứng sáng tạo...
- Đúng như vậy, tạo ra những sản phẩm khác biệt thì nó khiến cho phóng viên, biên tập viên của mình cũng thích thú khi được tham gia vào các dự án hơn. Rồi chúng tôi còn lôi kéo được những đối tác khác tham gia cùng. Ví dụ trong sự kiện tuyên truyền cho 75 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chúng tôi có sự tham gia rất tích cực của Viện Lịch sử Quân sự. Đây là nguồn rất quan trọng để thẩm định, kiểm chứng rất nhiều thông tin trước khi chúng tôi đưa lên báo.
Theo ông, đổi mới, sáng tạo trên sản phẩm báo in có dễ thực hiện?
- Thực ra để sáng tạo cho báo in là rất khó. Trên thế giới thì sáng tạo với phần nội dung quảng cáo trên báo in người ta đã làm nhiều và có rất nhiều cách sáng tạo rất thú vị.
Báo in thông thường chúng ta chỉ nghĩ làm đặc biệt là có những nội dung truyền thông đặc biệt. Để tạo ra một sản phẩm báo chí digital (kỹ thuật số) độc đáo cũng khó, nhưng cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Với những tính năng của digital, thì không gian sáng tạo của chúng ta rất thoải mái. Nhưng để sáng tạo trên báo in là việc không hề đơn giản.
Cho nên với báo chí thế giới một số sáng tạo thường nổi bật ở những nội dung quảng cáo để tạo ra sự hấp dẫn. Trong thời gian qua tôi nghiên cứu nhiều tài liệu về đổi mới sáng tạo trong báo chí, trong báo in thì đã thấy được điều này.
Vừa rồi Báo Nhân Dân làm cuốn Đổi mới Sáng tạo trong Báo chí và Báo cáo Toàn cầu năm 2023. Khi làm nội dung đó và đọc phần gọi là Đổi mới Sáng tạo trong báo in thì tôi thấy có mô hình là một tờ báo của Đức đã làm một số báo kỷ niệm 50 năm ngày xây dựng Tháp truyền hình Berlin. Tờ báo có kích cỡ 2m35 biểu tượng cho độ cao 235m của quả cầu trên tháp, và được in chuẩn hình ảnh của tháp. Khi đọc đến nội dung này, tôi cũng thấy rằng là một ý tưởng rất thú vị. Và lập tức tôi liên tưởng tới bức tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ hiện đang đặt tại Bảo tàng Điện Biên Phủ.
Rồi thấy ý tưởng thì được rồi nhưng mà cảm thấy vẫn chưa thực sự tạo dấu ấn nếu chỉ làm số báo in bức tranh panorama bằng kích cỡ thật. Thế là chúng tôi nghĩ ra việc kết hợp mặt kia của bức tranh in diễn biến 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ mà chúng tôi đã triển khai trên website chuyên trang Kỷ niệm 75 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tiếp theo là đặt một mã QR, khi độc giả quét mã thì kết nối với chuyên trang đặc biệt trên báo điện tử mà chúng tôi đã thực hiện ròng rã suốt mấy tháng.
Nhưng như thế thôi thực sự vẫn chưa cảm thấy hài lòng bởi vì nếu chỉ quét mã QR đến chuyên trang thì công nghệ QR đã truyền thống rồi, phổ biến rồi. Vậy là chúng tôi đã quyết định đưa công nghệ này vào bức tranh. Ví dụ như xem trên bức tranh thì hình ảnh bộ đội phất cờ trên nóc hầm De Castrie là hình ảnh tĩnh, nhưng nếu quét mã thì hình ảnh bộ đội phất cờ là hình ảnh động, lá cờ được phất lên phấp phới. Thế nên nó sẽ tạo cái cảm giác thú vị hơn, hấp dẫn hơn.
Nhờ cái việc kết hợp giữa báo in truyền thống với công nghệ như vậy thì số báo đặc biệt này đã thu hút được người dùng và đặc biệt là giới trẻ rất là quan tâm, tạo ra "cơn sốt" tìm kiếm, sưu tầm và trải nghiệm bức tranh panorama in trên Báo Nhân Dân. Số lượng ban đầu in ra là 180.000 bản, sau đó phải in thêm 50.000 bản. Phục vụ 2 ngày triển lãm cuối cũng không đủ. Cuối cùng chúng tôi huy động tài trợ in thêm 100.000 bản nữa và phát miễn phí tại 63 tỉnh thành.
Thưa ông, hiện nay rất nhiều việc báo chí đang đi sau mạng xã hội. Ở cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông nói gì về điều này?
- Thực ra chúng ta phải xác định thế này, sự phát triển của công nghệ và truyền thông xã hội đã giúp bất kỳ một cá nhân nào cũng có thể thể hiện tiếng nói mà không cần thông qua cơ quan báo chí nào. Trong khi trước đây khi muốn phản ánh cái gì đó cần phải nhờ đến cơ quan báo chí, báo in hay truyền hình.
Sự thay đổi này dẫn đến việc ai cũng có thể nêu lên một vấn đề gì đó trên mạng xã hội, nhưng cần lưu ý điều đó không phải nghĩa là việc gì báo chí cũng nên tham gia vào. Ví dụ như trường hợp phụ huynh cháu bé không đóng tiền để liên hoan cuối năm vừa qua, một báo viết ra nhưng lại không thực hiện đúng theo cái cách thức làm báo là thông tin đa chiều, thì bỗng dưng sẽ tạo ra làn sóng thông tin trên mạng xã hội. Câu chuyện này khởi đầu đâu phải là chuyện báo chí cần phải tham gia. Ở đây không phải là câu chuyện phê phán để đổi mới giáo dục, cũng không phải câu chuyện cần thay đổi ứng xử gì đó chưa phù hợp của cô giáo, trường học hay ban phụ huynh. Đây là những cái khó chịu của các cá nhân, khi họ nêu bức xúc đấy cũng từ những bức xúc rất bột phát, không hiểu rõ vấn đề. Thế mà một tờ báo "nhảy vào", thông tin sau đó chia thành các phe, nơi này ủng hộ nơi kia phê phán…
Hay là những câu chuyện về người nổi tiếng, scandal này nọ, rồi chuyện nọ chuyện kia… nhưng báo chí cần phải biết lựa chọn xem cái gì đáng nói, cái gì không đáng nói. Chứ không phải cứ có bất kỳ chuyện gì nảy sinh là báo chí đều "nhảy vào", tốn giấy mực vào những điều vô bổ.
Thậm chí báo chí đáng lẽ ra còn phải định hướng cho công chúng là không nên sa vào những câu chuyện mà thực sự rất mất thời gian. Trong thời buổi mạng xã hội phát triển như bây giờ thì các ý kiến khác nhau, trái chiều về sự việc nào đó là không thể tránh nổi. Hôm nay là chuyện này, mai là chuyện khác. Cho nên ở đây báo chí cũng không phải lúc nào cũng cần quá tranh đua tốc độ với mạng xã hội.
Nhưng trong rất nhiều trường hợp cần thiết, báo chí đúng là vào cuộc chậm. Ví dụ như là vấn đề chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỗ nào hiệu quả thì phải tuyên truyền, chỗ nào bất cập thì phải phản biện để tìm ra cái mới, sửa đổi.
Thế nhưng nếu nguồn lực không có thì báo chí không dành đủ thời gian, đủ dung lượng cho những nội dung như vậy, mà đó mới là điều cần thiết của báo chí, điều báo chí đáng nói hơn.
Chúng ta rất chia sẻ với báo chí là trong bối cảnh cực kỳ khó khăn như hiện nay, nếu không tạo được nguồn thu thì báo chí không thể tồn tại. Bây giờ nguồn thu sụt giảm, rồi tiếp tục kiên định đi theo cách làm truyền thống và những nội dung chúng ta mong muốn đưa, nhưng cán bộ nhân viên lại không có lương, chậm lương, thì đấy cũng là cách thức rất khó…
Vậy theo ông làm thế nào để giải quyết được câu chuyện này?
- "Nuôi" báo chí theo kiểu bao cấp thì chắc chắn là không rồi, đó không phải là cách làm hiệu quả. Có thể chúng ta tư duy rằng đã không phải lo kinh tế thì báo chí làm tốt nội dung, nhưng thực tế nhiều trường hợp lại vì không phải lo gì, nên họ cũng không cần phải làm nữa, thả nổi chất lượng vì đằng nào cũng không phải cạnh tranh.
Như vậy, bao cấp theo cách ngày xưa chắc chắn không còn, nhưng tôi đồng tình quan điểm một số cơ quan báo chí mạnh sẽ cần phải được đầu tư, ví dụ đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, phần mềm công nghệ để cho họ mạnh lên. Đồng thời vẫn phải khuyến khích cơ quan báo chí năng động để tạo ra những nguồn thu mới, không thể có chuyện bao cấp 100%.
Nhưng thả nổi cho báo chí tự bơi cũng không phải là phương án tốt vì thả nổi họ sẽ phải loay hoay kiếm kinh phí hoạt động và họ không tập trung vào nhiệm vụ chính của họ. Để giải quyết được vấn đề này còn phải suy nghĩ thêm trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.