Dân Việt

Đào tạo nhà báo số, phải bắt đầu từ gốc

Nguyễn Đức 21/06/2024 11:46 GMT+7
Theo các chuyên gia, còn có một số nhà báo hiện đang làm việc ở các cơ quan báo chí chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng tác nghiệp báo chí chuyển đổi số…

Ở Việt Nam, các mô hình tòa soạn hội tụ xuất hiện ngày càng nhiều, các cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, đa loại hình cũng được hình thành, hoạt động hiệu quả. Không ít cơ quan báo chí đã mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm báo chí chất lượng cao, báo chí dữ liệu, các hình thức thể hiện tác phẩm báo chí kết hợp nhiều loại hình báo chí khác nhau, tạo ra những sản phẩm độc đáo.

Nhà báo phải chuyển đổi mạnh mẽ

Với sự đổi mới, phát triển của báo chí và cơ quan báo chí hiện nay, nhìn thẳng vào vấn đề, nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân cho rằng, hiện nay, nhiều nhà báo chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng tác nghiệp báo chí chuyển đổi số; các tòa soạn chưa đầu tư về công nghệ chuẩn, đồng bộ, nên người làm báo chưa có cơ hội thực hành; nhiều nhà báo vẫn đang quen với tư duy làm báo truyền thống, sức ỳ lớn, ngại thay đổi.

Chính vì vậy, theo ông Hải, không chỉ dừng lại ở kỹ năng sử dụng công nghệ, báo chí chuyển đổi số cần phải có kỹ năng "chuyển đổi số toàn diện", kỹ năng "all-in-one" (tất cả trong một); kỹ năng sử dụng công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác, kiểm chứng, bảo mật thông tin số; kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng hợp tác liên ngành; kỹ năng làm việc với IA, ChatGPT; tác nghiệp văn hóa thích ứng với báo chí chuyển đổi số…

Đào tạo nhà báo số, phải bắt đầu từ gốc- Ảnh 1.

Sinh viên một trường đại học tìm hiểu về hoạt động của tòa soạn Báo Điện tử VnExpress. Ảnh: Mỹ Trinh

PGS- TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, với mô hình tòa soạn hội tụ ưu tiên báo điện tử và kênh thông tin số, cơ cấu tòa soạn được thay đổi hoàn toàn, phóng viên là đa năng, viết cho tất cả loại hình. Điển hình là tòa soạn The Daily Telegraph (Anh) rất tích cực xây dựng tòa soạn hội tụ và cho "ra đời" nhiều sản phẩm truyền thông hội tụ. Khi đưa tin về một sự kiện, báo này sử dụng cùng lúc nhiều hình thức: bài viết, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa… đồng thời còn liên kết đến các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin một cách đầy đủ và có hệ thống, giúp công chúng tiện theo dõi và dễ nắm bắt thông tin. Nhiều tòa soạn lớn đã dần phát triển theo mô hình tích hợp các nền tảng truyền thông khác nhau như: New York Times (Mỹ), Osterreich (Áo), Expressen (Thụy Điển)...

Với bộ phận kỹ thuật viên, chuyển đổi số báo chí đòi hỏi với nhiều kỹ năng, chẳng hạn: Kỹ năng sử dụng các nền tảng và công nghệ chuyển đổi số; kỹ năng thiết kế và trình bày báo chí số; kỹ năng ứng dụng công nghệ bảo mật thông tin số; thực hành số hóa dữ liệu nội bộ; sáng tạo xu hướng công nghệ...

"Như vậy, chuyển đổi số bắt buộc mọi nhà báo đều phải chuyển động mạnh mẽ, về cả phẩm chất lẫn kỹ năng" - nhà báo Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS - TS Trần Thanh Giang - Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nêu vấn đề, trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, đào tạo báo chí đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện và sâu sắc. Theo đó, việc cải tổ từ nội dung đến phương pháp đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, tích hợp công nghệ, tăng cường liên kết giữa nhà trường và các đơn vị báo chí - truyền thông không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh và thích ứng trong kỷ nguyên số.

Chỉ có không ngừng đổi mới, chương trình đào tạo báo chí mới mong bắt kịp được nhịp độ phát triển chóng mặt của ngành và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Và quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số vẫn là con người. Có thể hình dung về nguồn nhân lực là chìa khóa tạo nên thành công của chuyển đổi số. Trong cơ quan báo chí, từ cấp bậc lãnh đạo, quản lý cấp cao tới đội ngũ cán bộ, phóng viên đều là những nhân tố quan trọng góp phần giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả.

"Một trong những hạn chế lớn nhất của chương trình đào tạo báo chí hiện nay là chưa tích hợp đầy đủ và hiệu quả những kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ mới trong truyền thông. Sinh viên báo chí ra trường thường bị thiếu hụt năng lực xử lý dữ liệu, sản xuất nội dung đa phương tiện, tương tác với công chúng trên nền tảng số. Trong khi đó, những kiến thức, kỹ năng này lại đang trở nên ngày càng cần thiết trước sự phát triển như vũ bão của báo chí trực tuyến, mạng xã hội và các loại hình báo chí mới như báo chí dữ liệu, báo chí di động…" - PGS Giang thừa nhận.

Đào tạo nhà báo số, phải bắt đầu từ gốc- Ảnh 2.

Các nhà báo, biên tập viên của tờ Daily Telegraph (Anh) trao đổi chuyên môn. Ảnh: T.M.G

Cùng quan điểm, PGS - TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực, nhân sự báo chí chuyển đổi số còn nhiều bất cập: "Việc nghiên cứu báo chí truyền thông ở Việt Nam vẫn chưa được đánh giá và quan tâm đúng mức. Các nghiên cứu về báo chí truyền thông còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa tạo nên định hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp truyền thông, và cũng chưa đóng góp hiệu quả cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này".

Thay đổi phương thức đào tạo cho phù hợp

Theo nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM, báo chí ngày nay không còn giới hạn trong 4 loại hình cơ bản: báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử, mà còn xuất hiện nhiều loại hình mới như báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí tự động hay các hoạt động truyền thông có tính báo chí như mạng xã hội, app tổng hợp tin… Điều đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới mục tiêu và phương pháp đào tạo báo chí - truyền thông để tạo ra nguồn nhân lực có thể đáp ứng kịp thời với sự thay đổi của báo chí - truyền thông trong thời đại số.

Theo ông Trung, giải pháp tốt nhất là hình thành mạng lưới đào tạo báo chí gồm 3chân kiềng: cơ sở đào tạo (các trường đại học - cao đẳng), các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ liên quan đến báo chí - truyền thông. Cụ thể, cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông có thế mạnh về đào tạo chuyên nghiệp, bài bản từ tuyển sinh đầu vào, tổ chức giảng dạy, thi cử, đánh giá sinh viên cho đến cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, các trường đại học - cao đẳng thường đào tạo hàn lâm, thiên về lý thuyết, không thể cập nhật những thay đổi nhanh chóng về các sản phẩm báo chí và cũng không đủ phương tiện, điều kiện cho sinh viên thực hành các sản phẩm báo chí, đặc biệt là các sản phẩm báo chí mới.

Các cơ quan báo chí sẵn sàng bổ sung cho các trường về phương tiện, điều kiện thực hành các sản phẩm báo chí. Nếu các sản phẩm báo chí của sinh viên đạt yêu cầu có thể xuất bản ngay và đo lường ngay được hiệu quả của các sản phẩm báo chí đó từ phản hồi của người dùng.

Các cơ quan báo chí với một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp có thể hướng dẫn, tư vấn, chia sẻ cho sinh viên những kinh nghiệm "xương máu" trong quá trình hành nghề của họ để sinh viên biết thêm những bài học nghề nghiệp từ lao động phóng viên trong thực tế cuộc sống.

Sinh viên cũng có cơ hội đến học tập và làm việc trực tiếp tại tòa soạn để hình dung các vị trí công việc và toàn bộ quy trình làm báo được vận hành như thế nào và quen dần với việc thực hiện các sản phẩm báo chí cụ thể hàng ngày.

Các công ty công nghệ ngày càng chi phối hoạt động báo chí nhiều hơn trước đây vì công việc làm báo hiện nay gắn chặt với công nghệ từ phần cứng cho đến phần mềm. Phần cứng không chỉ là máy móc, trang thiết bị bảo đảm cho nhà báo hành nghề mà còn hạ tầng công nghệ để các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả. Phần mềm ngày càng phong phú, đa dạng để các nhà báo và các cơ quan báo chí có sử dụng hàng ngày trong tổ chức, tác nghiệp, xử lý nội dung và xuất bản các sản phẩm báo chí số trên các nền tảng truyền thống lẫn trên không gian mạng.

"Không chỉ các cơ quan báo chí cần tuyển đội ngũ làm báo phù hợp với thời đại số mà nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng có nhu cầu này. Họ cần những người có tư duy và tay nghề thực hiện các sản phẩm báo chí – truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như quảng cáo, giải trí, giáo dục, điện ảnh, game.." - nhà báo Lê Xuân Trung chia sẻ.