Chuyện xúc động về một nhà báo 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ

Thắng Tình Thứ tư, ngày 19/06/2024 08:00 AM (GMT+7)
Nhà báo Trần Văn Hiền được nhiều người biết đến với bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh" đã dành quãng thời gian suốt hơn 15 năm đi tìm tên tuổi của 511 nhà báo liệt sĩ, sau đó đưa về thờ tự tại chùa Da.
Bình luận 0

Nhà báo Trần Văn Hiền: "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh"

Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi được trò chuyện với nhà báo Trần Văn Hiền (SN 1948, quê ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An. 

Nhà báo Trần Văn Hiền là tác giả của bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh" lay động triệu con tim. Ông cũng là người nặng tình với những đồng đội làm nghề báo đã ngã xuống. Ông đã dành hơn 15 năm ròng rã đi tìm tên tuổi của 511 nhà báo liệt sĩ, sau đó đưa về thờ tự tại chùa Da, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An.

Chuyện xúc động về một nhà báo 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ- Ảnh 1.

Nhà báo Trần Văn Hiền. Ảnh: N.T

Mặc dù tuổi đã cao nhưng nhà báo Trần Văn Hiền còn rất minh mẫn. Từng thời khắc được ông kể lại như những ký ức vừa diễn ra mới ngày hôm qua. Nhấp ly trà tại khoảng sân được che phủ bởi những bóng cây xanh mát, nhà báo Trần Văn Hiền kể cho chúng tôi nghe cái duyên đã đưa ông đến với nghề báo và những lần sinh tử với nghề.

Tháng 10/1965, ông Trần Văn Hiền tham gia bộ đội công binh ở quân khu 4. Đơn vị của ông từng đảm nhận các vị trí chiến lược trên cung đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến miền Nam. 

Chuyện xúc động về một nhà báo 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ- Ảnh 2.

Với nhà báo Trần Văn Hiền, mỗi bức ảnh, một tư liệu, hiện vật về liệt sĩ nhà báo là vô cùng quý giá. Ảnh: N.T

Năm 1967, ông chuyển sang làm công tác tuyên truyền. "Thời điểm đó, Hội văn nghệ Nghệ An chuẩn bị thành lập. Năm 1967, Hội văn nghệ Nghệ An tổ chức trại viết văn. Tôi được cử đi dự. Đến năm 1968, tôi về làm công tác tuyến huấn tại Ty giao thông Nghệ An. Sau đó, tôi được đi học một lớp 9 tháng ở Tổng Liên đoàn lao động. Khi học xong, về đơn vị tôi được Tỉnh ủy điều sang công tác tại Báo Nghệ An".

Hành trình

Chính thức bước vào con đường làm báo, ông Trần Văn Hiền được xem như là một phóng viên quân sự. Nơi nào chiến sự diễn ra khốc liệt nhất ông đều có mặt.

Tháng 3/1972, khi mở chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Tổng Cục Chính trị tổ chức một lực lượng các nhà báo vào chiến trường. Ông Trần Văn Hiền xin được cùng đi vào tiền tuyến để ghi nhận. Sẽ vào chiến trường khốc liệt, có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên ông không nói với vợ mình. Trốn vợ "đi B".

Chuyện xúc động về một nhà báo 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ- Ảnh 3.

Vị trí thờ phụng 511 nhà báo liệt sĩ tại chùa Da, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: N.T

Thời điểm đó, vợ ông mới sinh người con thứ 2. Sau khi nhận các tiêu chuẩn về thực phẩm ông mang hết về nhà cho vợ con. Hành trang mang theo chỉ là những cuốn sổ tay và chiếc bút cùng các quân tư trang cá nhân.

"Năm đó, 6 người đi thì chỉ còn 2 người trở về. Vào chiến trường, ranh giới của sự sống và cái chết nó rất mong manh. Tôi đi cùng đoàn pháo binh. Đây là lần đầu tiên ta đánh bằng pháo 130 mm. Mở màn đầu tiên là ta đánh căn cứ Đông Hà. Sau đó vượt sông Thạch Hãn đánh vào thành cổ. Sau khi giải phóng thành cổ Quảng Trị tôi trở về. Về đến nhà tôi mới nói với vợ là mình vừa đi Quảng Trị về", nhà báo Trần Văn Hiền chia sẻ.

Thời điểm đó, ở chiến trường không có các phương tiện hiện đại để tác nghiệp. Nhà báo Trần Văn Hiền chỉ ghi lại những diễn biến tại chiến trường vào cuốn sổ tay. Đó là những tư liệu vô cùng quý giá.

Chuyện xúc động về một nhà báo 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ- Ảnh 4.

Cuốn sổ, cây bút, chiếc máy ảnh là những kỷ vật vô giá mà nhà báo Trần Văn Hiền đã tìm được từ những người đồng đội cũ đã ngã xuống. Ảnh: N.T

Bài thơ nổi tiếng "Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh". Bài thơ được viết vào đúng dịp 27/7/1993. Đó là lần ông đi công tác ở huyện Anh Sơn, Nghệ An thăm Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào (tại thị trấn Anh Sơn) để viếng các liệt sĩ.

Là người cầm bút, từng đi qua thời chiến, sống dưới mưa bom bão đạn, chứng kiến những đồng đội đã nằm xuống. Khi đó, đứng trước hàng hàng lớp lớp những bia mộ "Liệt sĩ vô danh" trái tim ông như thắt lại. Nhà báo Trần Văn Hiền ngồi xuống viết liền một mạch bài thơ "Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh". Bài thơ sau đó được Báo Nhân dân và Báo Quân đội nhân dân đăng tải làm lay động hàng triệu trái tim.

Chuyện xúc động về một nhà báo 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ- Ảnh 5.

Những bức chân dung quý giá về các nhà báo liệt sĩ mà ông Trần Văn Hiền đã tìm được. Ảnh: N.T

Năm 1996, Nhà nước đã khắc lại bia cho 70 vạn liệt sĩ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Nhờ đó, hiện nay tất cả các ngôi mộ mang tên "Liệt sĩ vô danh" đều được thay lại bằng tên mới "Liệt sĩ chưa biết tên". Cách gọi này phần nào đó đã an ủi, làm vơi ít nhiều nỗi đau mất mát.

Tuy nhiên, điều khiến nhà báo Trần Văn Hiền day dứt nhất đó là các đồng nghiệp làm báo đã nằm xuống. Hầu hết các liệt sĩ nhà báo hiện nay không còn người thân thờ tự. Họ là lớp lớp những chiến sĩ - nhà báo tuổi còn rất trẻ, không ngại gian khổ hy sinh vào mặt trận và để có được những dòng tin tức mới nhất, ghi lại các khoảnh khắc lịch sử, phản ánh kịp thời, chân thực về cuộc chiến.

Xuất phát từ tình cảm dành cho các đồng đội, ông bắt đầu chắp nối những tư liệu, thông tin về các đồng nghiệp nhà báo liệt sĩ. Ông lại lặn lội, bỏ ra biết bao thời gian, công sức vào lại các chiến trường xưa, hoặc đến tận quê hương tìm lại gia đình, người thân để xác định danh tính, tên tuổi của các liệt sĩ nhà báo, gom nhặt tư liệu... 

Chuyện xúc động về một nhà báo 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ- Ảnh 6.

Nhà báo Văn Hiền đã xuất bản hơn 20 đầu sách và nhiều tác phẩm văn học, báo chí được đánh giá rất cao. Ảnh: N.T

Trong hành trình ấy, câu chuyện ông nhớ nhất là về nhà báo liệt sĩ Vũ Hiến - Báo Hải quân Việt Nam đã hi sinh năm 1979. Nhà báo Vũ Hiến là bạn học cùng lớp với nhà báo Văn Hiền tại Trường Tuyên giáo Trung ương.

Tâm nguyện của nhà báo Trần Văn Hiền

Năm 1997, ông về huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng tìm gặp bà Nguyễn Thị Thân - vợ nhà báo Vũ Hiến. Qua lời kể của bà Thân, khi biết mộ chồng được chôn cất tại đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang, bà vào đó xin làm thủ tục đưa chồng về quê Hải Phòng. Thế nhưng, khi cất bốc phần mộ của ông Hiến, bà Thân càng đau lòng hơn bởi đó không phải là hài cốt của chồng.

Căn cứ để bà Thân nhận ra chồng là ông Hiến có một chiếc răng được mạ vàng, nhưng hài cốt trong ngôi mộ cất lên không có. Sau đó, bà Thân trở về quê và nói khéo với mẹ chồng: Anh Hiến muốn ở lại với đồng đội! Câu chuyện của người vợ nhà báo liệt sĩ tìm mộ chồng bất thành đã khiến ông Văn Hiền day dứt tâm can.

May mắn, khi tham gia một hội thảo về lực lượng Hải quân, tình cờ nhà báo Văn Hiền gặp Trung tướng Nguyễn Văn Tình - Chuẩn đô đốc Hải quân, người trực tiếp chỉ huy trận đánh có nhà báo Vũ Hiến tham gia và hi sinh.

Cuộc trò chuyện với Truong tướng Nguyễn Văn Tình đã giúp ông Văn Hiền có câu trả lời cho vợ liệt sĩ nhà báo Vũ Hiến. Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Văn Tình, ngày 3/1/1979, Hải quân vùng 5 nổ súng tấn công quân Polpot tại cảng Kép, cảng Cô Công, lúc đó Vũ Hiến ngồi trên tháp pháo xe tăng bám theo Trung đoàn 812, Sư đoàn 8.

Giao tranh diễn ra ác liệt, chính nơi này, trong lúc đang tác nghiệp, nhà báo Vũ Hiến đã hi sinh khi trên tay vẫn còn nắm chặt máy ảnh. Lúc đó, thi thể phải để tạm tại ngã ba Va Lung chờ vận chuyển về hậu cứ, đoàn quân tiếp tục tiến lên. Sau đó khu vực cảng biển bị quân địch chiếm lại, chúng đốt luôn xác những liệt sĩ của ta chưa kịp vận chuyển về hậu cứ. Chính vì thế, những liệt sĩ bị hi sinh trong trận đánh ấy đã không thể nhận dạng và việc bà Thân không xác định được hài cốt của chồng đã có câu trả lời.

Sau khi hoàn thành danh sách 511 nhà báo liệt sĩ, ông Trần Văn Hiền đã đưa về thờ tại Chùa Da, xã Hưng Lộc, TP Vinh, gần nơi ông sinh sống. Hoàn thành tâm nguyện của mình đối với các đồng đội, đồng nghiệp nhưng ông vẫn còn rất trăn trở. Vì đã đi đến tận nhà, gặp thân nhân của các nhà báo liệt sĩ nên ông biết các gia đình nhà báo liệt sĩ phần lớn có cuộc sống khó khăn. Ông mong rằng cơ quan, tổ chức đoàn thể cần quan tâm hơn nữa đến gia đình của các liệt sĩ nhà báo.

Chia tay ông, chúng tôi lại nhớ mãi những dòng thơ:

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Anh có tên như bao khuôn mặt khác

Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng

Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa

Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái

Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác

Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn

Tháng Tám nước trong, tháng Năm nắng trải

Bàn chân săn chắc dáng trai.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Anh có tên như bao khuôn mặt khác

Ngày lên đường bờ vai mặn chát

Mắt ai vấn vít hàng quân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Anh có tên như bao khuôn mặt khác

Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc

Tên làng, tên đất theo Anh

Bình yên sau cuộc chiến tranh

Anh trở về không tên không tuổi

Trắng hàng bia

Những ngôi sao không nói

Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác

Tổ quốc không mất tên Anh

Chỉ lặng thầm nhận về mình

Nỗi đau xanh cùng năm tháng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem