Nhà báo Trần Mai Hạnh "đã đi qua tất cả bóng tối và sống đến bình minh"

Anh Thư Thứ năm, ngày 25/04/2024 17:57 PM (GMT+7)
"Trần Mai Hạnh đã đi qua bóng tối của chiến tranh, qua bóng tối trong chính cuộc đời mà ông vấp phải. Nếu không có nghị lực, không có khát vọng sống, không tin chính bản thân mình, thì sẽ rơi vào bóng tối của bất mãn, của hận thù... Và ông đã đi qua tất cả bóng tối và hướng tới bình minh của ông".
Bình luận 0

Đó là lời chia sẻ của Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong buổi ra mắt cuốn sách "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4 trước rất nhiều các quan khách là những "tinh hoa" của giới trí thức Việt Nam.

Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ông đã chờ đợi để được nhận cuốn sách này và cái tên "Sống đến bình minh" là một cái tên đúng và hợp nhất với nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh.

"Cho đến trước khi anh ấy rời bỏ chúng ta thì nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã thực sự sống đến bình minh của ông rồi. Trần Mai Hạnh đã đi qua bóng tối của chiến tranh, qua bóng tối trong chính cuộc đời mà ông vấp phải. Nếu một người không có nghị lực, không có khát vọng sống, không tin chính bản thân mình, tin vào một ngày ông đi tới thì không ông sẽ rơi vào bóng tối của sự bất mãn, của sự hận thù... Nhưng ông đã tin vào ông, tự tin vào cuộc đời này, tự tin vào một điều gì đó mà ông phải đi tới. Và ông đã đi qua tất cả bóng tối và hướng tới bình minh của ông", nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Nhà báo Trần Mai Hạnh "đã đi qua tất cả bóng tối và sống đến bình minh"- Ảnh 1.

Rất đông những nhà văn, nhà thơ, nhà báo và bạn bè thân thiết của nhà báo Trần Mai Hạnh đã đến dự lễ ra mắt cuốn sách Sống đến bình minh. Ảnh: P.V

"Sống đến bình minh" - cuốn tự truyện dày gần 700 trang do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật mới được hoàn thành sau ngày mất của nhà báo Trần Mai Hạnh. Ngày 2/4, ông đã đột ngột qua đời ở tuổi 82 trên hành trình dang dở cùng em trai - nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trở lại chiến trường xưa bằng đường bộ suốt từ Quảng Bình qua Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Tây Ninh, Xuân Lộc, Biên Hoà, Dinh Thống Nhất (tức Dinh Độc Lập) - TP.HCM.

Hai anh em lại đi đúng con đường 49 năm trước đã bám theo các binh đoàn chủ lực tiến vào giải phóng tức thì các thành phố, thị xã suốt từ Huế cho tới giờ phút lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Dự kiến sau cuộc hành trình, ông sẽ ra mắt cuốn sách với công chúng trước ngày 30/4- ngày Giải phóng đất nước.

Nhưng, nhà báo Trần Mai Hạnh đã chưa kịp nhìn thấy "đứa con tinh thần của mình". Ông đã nằm lại TP.HCM như một "định mệnh"- nơi mà ông là người may mắn chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, và cũng chính từ bài báo này, cũng đã làm nên tên tuổi và sự nghiệp báo chí, văn chương đồ sộ của ông.

Nhà báo Trần Mai Hạnh "đã đi qua tất cả bóng tối và sống đến bình minh"- Ảnh 2.

Cuốn sách Sống đến bình minh của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh dày gần 700 trang do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản. Ảnh: P.V

Cuốn sách chính là những lát cắt ký ức của tác giả về cuộc đời làm báo, viết văn nhiều sóng gió, thăng trầm hơn nửa thế kỷ qua, mà như ông tự bạch: "Đó là lát cắt của những ký ức thời niên thiếu, đến những năm tháng chiến tranh ác liệt, là mặt trận ở miền Bắc, là chiến trường ở miền Nam, là giây phút toàn thắng, là ngày hòa bình đầu tiên, là những năm dài vật lộn với khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp bị bao vây, cấm vận, là những năm đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới báo chí, là mở cửa và hội nhập toàn cầu. Nhưng cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những giây phút thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và hệ lụy kinh hoàng, không chỉ có chiến thắng - thành đạt mà có cả thất bại - mất mát".

Gỡ nút thắt về "tai nạn nghề nghiệp" của nhà báo Trần Mai Hạnh

Cách đây hơn 20 năm, nhà báo Trần Mai Hạnh đã vướng vòng lao lý khi ông là Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam. Khi đó, ông bị cho là có hành vi "bênh vực bảo vệ Năm Cam" khi trùm xã hội đen này bị bắt năm 1995.

Tại buổi ra mắt cuốn sách tự truyện "Sống đến bình minh", tiến sĩ, luật sư Phạm Huỳnh Công, nguyên Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao rất xúc động, ông đã rơi nước mắt khi nói về nhà báo Trần Mai Hạnh. Quen biết nhau từ trong chiến tranh, gặp mặt nhau tại Dinh Độc Lập khi cả hai đang là những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, sát cánh cùng nhau trong cuộc sống đời thường, ông Công cũng là người am hiểu về cuộc đời của nhà báo Trần Mai Hạnh.

"Đây là cơ hội để tôi được nói, để người ta biết. Bởi nếu không sẽ hiểu theo cách của người ta. Nói đến tai nạn nghề nghiệp, anh Hạnh nói rất ngắn trong cuốn tự truyện nhưng là người làm về pháp luật, tôi nghĩ rằng ta cần phải nói đúng sự thật. Nhân đây chúng ta có cơ hội để nói rõ về anh Hạnh, để những người nghĩ về anh Hạnh chưa đúng thì chúng ta nên cải chính cho chính mình", luật sư Phạm Huỳnh Công nói.

Nhà báo Trần Mai Hạnh "đã đi qua tất cả bóng tối và sống đến bình minh"- Ảnh 3.

TS, LS Phạm Huỳnh Công (áo kẻ) chia sẻ về tai nạn nghề nghiệp của nhà báo Trần Mai Hạnh. Ảnh: P.V

Theo ông Phạm Huỳnh Công, trong cuộc đời, nhà báo Trần Mai Hạnh gặp 3 tai nạn. Tai nạn thứ 3 chính là tai nạn nghề nghiệp đã khiến anh vướng vào vòng lao lý. Thời điểm đó xuất hiện bài báo về lời khiếu nại của một người vợ trong vụ án Năm Cam (tức Trương Văn Cam - là một đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm, cầm đầu hàng trăm băng nhóm từ Bắc chí Nam theo kiểu "xã hội đen" nhũng nhiễu người dân, giết người, cướp tài sản, tổ chức đánh bạc, hối lộ nhiều quan chức, gây bất bình xã hội -PV). Nhưng lúc đó, bằng một cách nào đó, người ta đã gắn kết sự liên hệ giữa Năm Cam và Trần Mai Hạnh.

"Xin thưa với quý vị, Trần Mai Hạnh không biết Năm Cam là ai, chỉ có câu chuyện thế này. Vợ Trần Văn Thuyết (Thuyết buôn vua - người được biết đến như một doanh nhân giàu có, nổi tiếng. Khi vụ án Năm Cam và đồng phạm bị đưa ra ánh sáng, Thuyết lĩnh án chung thân, sau đó được giảm xuống 20 năm tù vì tội móc nối với các quan chức, lãnh đạo hàng đầu Việt Nam để giúp Năm Cam "chạy" án - PV) cũng là người làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Gia đình Thuyết trục trặc, chị Kim Anh (vợ của nhà báo Trần Mai Hạnh - PV) đã đón đứa con của họ về nhà, nuôi và dạy học. Chính vì vậy mà sự đi lại giữa Thuyết và gia đình anh Trần Mai Hạnh là rất thân thiết. Anh Trần Mai Hạnh không biết được Thuyết quen biết nhóm giang hồ Năm Cam. Nhưng bài báo đó đã liên hệ việc ông Hạnh quen với Thuyết, thì chắc chắn sẽ có mối liên quan tới Năm Cam, họ cho rằng nhà báo Trần Mai Hạnh đã cho đăng những bài báo có tính chất bảo vệ Nam Cam và nhận "hối lộ"", ông Phạm Huỳnh Công chia sẻ.

"Đấu tranh với câu chuyện này lúc đó rất khó khăn. Lúc đó tôi là kiểm sát viên của VKSND Tối cao. Cho đến giờ này, tất cả các trang hồ sơ của anh Trần Mai Hạnh đã được lưu giữ, thì những người hiểu biết và từng làm về pháp luật nếu được xem lại, sẽ hiểu rõ hơn", vị luật sư nói thêm.

Trong cuốn tự truyện "Sống đến bình minh", nhà báo Trần Mai Hạnh cũng nói đến những thăng trầm của ông trong giai đoạn này. Ông cũng trích đăng một bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Dân Việt vào dịp 30/4 năm 2021.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Việt "Từng ở đỉnh cao quyền lực, nhưng phút chốc bị đẩy tới bên bờ vực thẳm, ông có coi đó là sự trớ trêu của số phận? Bài học nào với ông là quý giá nhất?. Ông đã trả lời: "Có quá nhiều trớ trêu đối với số phận của tôi. Tôi xuất thân trong một gia đình thuộc lớp dân nghèo thành thị, không có bất kỳ ai nâng đỡ. Rồi nhờ sự phấn đấu tự thân mà trưởng thành, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trúng cử ĐBQH, rồi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam... Mọi việc cứ tuần tự như vậy và rồi tôi đã thiếu tỉnh táo trước sự thăng tiến trên "quan lộ". Đáng lẽ tôi phải sớm nhận ra, chính trị không phù hợp với mình. Nếu chỉ sống, lao động, cống hiến với nghề báo, nghiệp văn, tôi chắc chắn cuộc đời tôi sẽ bớt đi nhiều sóng gió, thăng trầm. Một mái nhà yên ấm, một cuộc sống bình yên, khiêm nhường - Hạnh phúc đó giản dị, nhưng không phải ai cũng có, không phải lúc nào cũng hiện diện trong cuộc đời mỗi con người. Với tôi, đó là bài học quý giá nhất".

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà báo Trần Mai Hạnh sẽ là một ví dụ quan trọng trong đời sống của chúng ta, số phận lịch sử trong chúng ta. Bởi mỗi người ngồi đây là một phần lịch sử, không có cuộc đời của họ, cái sâu kín bên trong họ, chúng ta sẽ không hiểu một thời mà họ đã sống, chúng ta đã sống. 

"Tôi chưa được đọc nhưng tôi tin rằng ở đó ông sẽ bày tỏ những ý chí của ông, lòng tin của ông, con đường của ông mà chúng ta chắc chắn sẽ không tìm thấy trong con người đó sự thù hận, sự uất hận, hay một điều gì đó mặc dù ông đã phải đi qua. Và với những người hôm nay đã nói lên tiếng bảo vệ ông, thì tôi tin tiếng nói chân lý cuối cùng sẽ được hiện ra và sự thật sẽ được bày tỏ", ông Thiều nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem