Tham dự buổi mít tinh có ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trưởng ban Điều phối quốc gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa; đại diện lãnh đạo Cục Lâm nghiệp; Cục Thủy lợi; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Cục Trồng trọt; Trường ĐH Lâm nghiệp; đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và một số sở, ban ngành...
Phát biểu khai mạc buổi Mít tinh và phát động trồng cây, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, Công ước của Liên Hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) được thành lập từ năm 1994 với mục tiêu quản lý đất đai bền vững và bảo vệ môi trường. Chủ đề ngày quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm nay là "Chung tay quản lý và sử dụng đất bền vững: Di sản của chúng ta – Tương lai của chúng ta".
Theo công bố của Liên Hợp quốc, mỗi giây, diện tích đất bị suy thoái tương đương với 4 sân bóng đá - tổng diện tích đất bị suy thoái toàn cầu hằng năm khoảng 100 triệu ha. Hiện có tới 40% đất đai trên thế giới đã bị suy thoái, ảnh hưởng đến gần một nửa nhân loại.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, hạn hán đang ảnh hưởng đến gần 56 triệu người trên toàn cầu, 40% dân số bị khan hiếm nước, khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di cư vào năm 2030. Hạn hán còn là mối nguy hại nghiêm trọng với gia súc và cây trồng và là một trong những nguyên nhân gây ra 80 - 90% các thảm họa thiên nhiên được ghi nhận trong 10 năm qua.
Đến năm 2023, thế giới cần thêm khoảng 300 triệu ha đất sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Trước thực trạng báo động này, Ban thư ký Công ước Chống sa mạc hóa đã kêu gọi sự tham gia toàn cầu, để cùng hiện thực hóa cam kết toàn cầu về việc phục hồi 1 tỷ ha đất đã bị suy thoái vào năm 2030.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 11,8 triệu ha (chiếm khoảng 35% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước) đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Hiện tượng sa mạc hóa xuất hiện cục bộ ở các dải cát hẹp, trải dài dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đây cũng là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước với hơn 400.000ha.
"Trong khi đó, lĩnh vực lâm nghiệp với trên 14,8 ha đất có rừng, không những đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; bảo đảm bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, mà còn là giải pháp chiến lược xanh góp phần quan trọng trong nỗ lực hạn chế hạn hán và sa mạc hóa" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định.
Năm 2024 là năm thứ ba nước ta thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022). Mặc dù trong năm qua có những khó khăn nhất định nhưng 2023 là một năm thành công của ngành lâm nghiệp, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra của ngành đều đạt hoặc vượt kế hoạch năm, đặc biệt là chỉ tiêu về trồng rừng tập trung, giá trị xuất khẩu lâm sản, xây dựng cơ chế chính sách để thực thi Luật Lâm nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.
"Trong 6 tháng đầu năm 2024, chúng ta đã và đang tiếp tục phát huy những thành tích đó. Mặc dù đầu năm nay hiện tượng khô hạn kéo dài ở nhiều nơi, báo hiệu một năm thời tiết rất khắc nghiệt, khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông lâm nghiệp. Đặc biệt, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở nhiều quy mô khác nhau, gây thiệt hại lớn về rừng và đau xót hơn là thiệt hại về con người. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn ngành, hy vọng trong năm 2024, chúng ta tiếp tục phát huy kết quả của các năm vừa qua, phấn đấu quyết tâm đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định.
Nhấn mạnh chủ đề của Ngày Quốc tế chống sa mạch hóa và hạn hạn năm nay là “Chung tay quản lý và sử dụng đất bền vững: Di sản của chúng ta - tương lai của chúng ta”, Thứ trưởng Bộ NNPTNT kêu gọi các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, hành động một cách có trách nhiệm, đồng thời xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
"Ngày hôm nay, chúng ta có mặt ở đây góp một cây nhỏ được nuôi trồng trên bề mặt trái đất. Một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn và cũng là một thông điệp gửi cho tương lai về bảo vệ môi trường. Tôi kêu gọi toàn ngành hăng hái tham gia bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng, phát triển rừng bền vững, góp phần chống suy thoái đất để phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, làm cho đất nước ta, mỗi ngày thêm xanh - sạch - đẹp và giàu có hơn", Thứ trưởng bày tỏ.
Chia sẻ với báo Dân Việt về ý nghĩa của lễ mít tinh năm nay, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp; Phó Trưởng ban thường trực Ban Điều phối quốc gia thực hiện Công ước cho biết, với những tác động của con người, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa thì tài nguyên đất ngày càng bị cạn kiệt, ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển bền vững của nhân loại, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực, suy thoái, hạn hán, sa mạc hóa...
"Để ngăn chặn quá trình sa mạc hóa và hạn hán này, Ban thư ký Công ước kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng ở cấp toàn cầu, các quốc gia cùng đồng hành, nỗ lực với những hoạt động thiết thực. Một trong những giải pháp chính đó là khôi phục các lớp thảm thực vật thông qua việc trồng cây, trồng rừng. Việc khôi phục hệ sinh thái rừng sẽ góp phần giảm xói mòn, điều hòa các dòng chảy tự nhiên, giảm thiểu sa mạc hóa các vùng khô hạn cũng như suy thoái đất đai. Khi đất đai được khôi phục, cũng có nghĩa chúng ta góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, chống biến đổi khí hậu" - ông Bảo chia sẻ.
Với ngành lâm nghiệp, ông Bảo cho biết, trong năm nay Bộ NNPTNT sẽ trình Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia giảm thiểu hạn hán và suy thoái đất. "Từ nhiều năm trước, thông qua các chương trình đầu tư của quốc gia, chúng ta đã nỗ lực bảo vệ rừng, trồng rừng và khôi phục nhiều diện tích rừng nhằm tiếp tục duy trì độ che phủ rừng, giảm thiểu tình trạng hạn hán, sạt lở đất...; bên cạnh đó là thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Tuyên bố Glasgow về sử dụng đất tại COP 26. Các chương trình, kế hoạch này đều đòi hỏi sự chung tay của các bộ, ngành, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như toàn xã hội" - ông Bảo nói.
Tại sự kiện, ông Phạm Hồng Lượng - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, cùng với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia, thời gian qua, Bộ NNPTNT đã triển khai đồng bộ nhiều đề án trồng, phục hồi, quản lý rừng bền vững và đã có những đóng góp đáng kể về môi trường. Trong đó, Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" sau 3 năm thực hiện đã đạt 121,4% so với kế hoạch.
Đề án cũng đã tài trợ gần 1.000 cây xanh cho sự kiện mít tinh và trao tặng cho tỉnh Hòa Bình hơn 3.000 cây giống lâm nghiệp, với mong muốn sẽ có thêm nhiều cây xanh hơn nữa được gieo trồng, cho môi trường sống của chúng ta thêm xanh tươi và trong lành.