Nuôi con vật họ nhà chuột xưa là động vật hoang dã, nhiều người kéo đến nhà trai bản Yên Bái để xem

Hoàng Hữu Thứ hai, ngày 17/06/2024 13:59 PM (GMT+7)
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi dúi nên đàn dúi của anh Bàn Tiến Lục trú tại thôn Bó Mi (xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) bị chết nhiều. Không nản trí, anh Lục tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật nuôi dúi, đi học hỏi kinh nghiệm nuôi con đặc sản, từ đó áp dụng thành công vào mô hình của mình.
Bình luận 0

Tân Phượng là xã vùng cao khó khăn của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, với phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, trước đây người dân nơi đây chủ yếu trông chờ vào bờ ruộng, mảnh nương ít ỏi. 

Phát triển kinh tế trên tinh thần "tự cung, tự cấp" là chính. Nên việc có các mô hình kinh tế thể hiện tính tiên phong, đột phá còn ít. Với mô hình nuôi dúi đã bước đầu thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình của anh Bàn Tiến Lục là một tiêu biểu của xã.

Sẵn có niềm yêu thích đặc biệt với con dúi cùng với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên trẻ Bàn Tiến Lục, sinh năm 2000 trú tại thôn Bó Mi (xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, tìm cho mình hướng đi riêng trong phát triển kinh tế. 

Năm 2018, với số vốn tích lũy và vay mượn được, anh Bàn Tiến Lục thực hiện mô hình nuôi dúi đã ấp ủ từ lâu. Trên diện tích đất gần 60m2 anh xây chuồng trại, chia các ô và mua 20 con dúi giống từ tỉnh Hà Giang về nuôi. 

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi dúi nên dúi bị chết nhiều. Bị mất vốn, cùng nhiều trăn trở suy nghĩ có nên tiếp tục phát triển kinh tế từ con dúi? 

Tuy nhiên với niềm đam mê sẵn có, anh Lục đã không chán nản, anh tiếp tục tự mình tìm tòi và đi đến những mô hình nuôi dúi đã thành công tại các tỉnh như: Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang để học hỏi và trang bị kiến thức nuôi dúi.

Nuôi con vật họ nhà chuột xưa là động vật hoang dã, nhiều người kéo đến nhà trai bản Yên Bái để xem- Ảnh 1.

Mặc dù bước đầu nuôi con dúi đặc sản gặp nhiều khó khăn nhưng mô hình nuôi dúi của anh Bàn Tiến Lục (thứ 2 từ phải sang), xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) nay đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV.

"Thời gian đầu tôi nuôi dúi cùng với lợn, lúc đó thị trường lợn giá cả bấp bênh, trong khi nuôi dúi không hay bị bệnh và chi phí thấp khi 90% thức ăn là cây tre, không mất tiền cám và thuốc như nuôi lợn nên tôi thấy hiệu quả kinh tế từ con dúi cao hơn con lợn. Tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này lên nữa". Anh Lục chia sẻ.

Đến nay, nhờ được chăm sóc cẩn thận nên đàn dúi của gia đình anh Lục luôn duy trì ổn định với trên 100 con các loại. Những con dúi con phát triển tốt khoảng 7 - 8 tháng là có thể sinh sản. Mỗi năm đàn dúi sinh sản khoảng 3 - 4 lứa, mỗi con dúi mẹ sinh mỗi lứa từ 3 - 5 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 1 - 2 tháng là có thể đem bán làm con giống. 

Nuôi con vật họ nhà chuột xưa là động vật hoang dã, nhiều người kéo đến nhà trai bản Yên Bái để xem- Ảnh 2.

Theo anh Lục, nông dân xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) nuôi dúi-con đặc sản dễ nuôi và không tốn kém như nuôi lợn do thức ăn của dúi chủ yếu là gốc tre. Ảnh: PV.

Những con dúi thương phẩm sau 5 - 6 tháng có thể đạt trọng lượng trên 1kg. Dúi thương phẩm được bán với giá 500 -600 nghìn đồng/kg; dúi giống có giá dao động từ 1 triệu đến 2,3 triệu/cặp tùy vào tháng tuổi. 

Từ mô hình, mỗi năm gia đình anh Lục có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng từ bán dúi giống và dúi thương phẩm. Dự định trong thời gian tới, Lục tiếp tục mở rộng diện tích chuống và nâng cao số lượng đàn để đắp ứng được nhu cầu của thị trường cũng như tăng thu nhập cho gia đình.

Chị Đặng Thị Nhất, Bí thư Đoàn thanh niên xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, mô hình nuôi dúi của anh Bàn Tiến Lục là mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ phát huy tốt hiệu quả đồng vốn vay chính sách. 

Thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm, biết phát huy lợi thế ở địa phương của thanh niên, đặc biệt là đối với thanh niên vùng cao, khi tỷ lệ thanh niên đi làm ăn xa ngày càng cao.

"Từ mô hình nuôi dúi của anh Lục, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ con dúi đem lại, đến nay trên địa bàn xã đã có thêm 3 mô hình phát triển kinh tế từ nuôi và bán dúi giống, dúi thịt". Bí thư Đoàn thanh niên xã Tân Phượng cho hay.

Nuôi con vật họ nhà chuột xưa là động vật hoang dã, nhiều người kéo đến nhà trai bản Yên Bái để xem- Ảnh 3.

Những con dúi thương phẩm sau 5 - 6 tháng có thể đạt trọng lượng trên 1kg, được bán với giá 500 -600 nghìn đồng/kg. Ảnh: PV.

Có thể khẳng định tấm gương đoàn viên thanh niên trẻ Bàn Tiến Lục ở xã vùng cao Tân Phượng (huyện Lục Yên, Yên Bái) đã chủ động, sáng tạo không ngại khó, tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế. 

Mô hình nuôi dúi của anh hiện đang mở ra nhiều triển vọng, thôi thúc cho thanh niên ở địa phương vươn lên khởi nghiệp, đồng thời tạo động lực để đoàn viên thanh niên trong và ngoài xã nuôi dưỡng ước mơ được khẳng định bản thân trên con đường lập thân, lập nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem