Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dẫn nguồn từ Undercurrentnews cho thấy, giá tại đầm đối với cá rô phi cỡ trên 500 gram vẫn ở mức 11,60 NDT/kg (1,60 USD/kg) ở tỉnh Quảng Đông và 11,20 NDT/kg ở Hải Nam (Trung Quốc). Đây là mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2015.
Người nuôi tại Trung Quốc hiện có thể thu được lợi nhuận ước tính hơn 2,6 NDT/kg với mức giá trên 12 NDT/kg. Nhiều người dân đã từ bỏ ngành này vào năm ngoái đã quay trở lại thả giống cá rô phi. Giá cao là do nhu cầu mạnh và đặc biệt là tình trạng thiếu hụt trầm trọng cá cỡ lớn trong mùa đông này.
Các trại giống ở tỉnh Hải Nam đã báo cáo doanh số bán cá giống tăng 10% so với năm 2023. Tại Quảng Đông, mức tăng so với cùng kỳ năm trước vượt quá 30%. Ba tỉnh ven biển phía Nam là Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây chiếm 80% sản lượng cá rô phi của Trung Quốc.
Liu Zhili, Tổng Giám đốc của Hainan Gengift Aqua-Technology, nhà cung cấp cá rô phi giống lớn thứ hai trong khu vực, cho biết, một số trang trại lớn gần đó đã tăng mật độ nuôi trong năm nay. Đơn đặt hàng cá giống của công ty đã tăng 30% so với năm ngoái. Chu Xu, Giám đốc kinh doanh trại giống tại Tập đoàn Tongwei ở Hải Nam dự đoán sẽ có một đợt thả giống cao điểm khác vào tháng 7 và tháng 8.
Trong khi thời tiết lạnh và mưa lớn vào mùa xuân này đã ảnh hưởng đến sản xuất ở Quảng Đông và Quảng Tây. Các chuyên gia trong ngành dự đoán nguồn cung sẽ tăng trong nửa cuối năm 2024 khi cá giống mới đạt kích thước thu hoạch. Việc thả giống có thể diễn ra trong hơn 10 tháng mỗi năm, với chu kỳ nuôi kéo dài từ 5 đến 6 tháng, có thể nuôi hai vụ mỗi năm.
Ông Chen, nông dân nuôi cá rô phi Quảng Đông, cho biết, nếu giá đạt 13 NDT/kg, lợi nhuận trên mỗi ha sẽ vượt 90.000 NDT. Ông cũng có kế hoạch thả thêm cá giống vào tháng 7 và tháng 8.
Liu dự đoán nguồn cung cá rô phi nguyên liệu sẽ tăng trong tháng 6, nhưng do các nhà máy chế biến tiếp tục thu mua cá nên giá sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian. Tuy nhiên, với việc sản lượng tiếp tục tăng, việc điều chỉnh giá là không thể tránh khỏi.