Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý điều này

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 13/06/2024 13:25 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, để xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam, trong đó có sầu riêng phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Bởi hiện nay không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu.
Bình luận 0

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu quả sầu riêng tươi của Trung Quốc đạt 202.500 tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 35,2% về lượng và giảm 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá sầu riêng tươi nhập khẩu trung bình trong 4 tháng đầu năm 2024 của Trung Quốc đạt 5.394,6 USD/tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc từ thị trường này giảm mạnh. 

Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt 79.300 tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. 

Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này. Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam. 

Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý điều này- Ảnh 1.

Để xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam, trong đó có sầu riêng phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Ảnh: P.V

Tiếp tục "siết" kiểm soát chất lượng

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 5/2024 đạt 700 triệu USD, tăng 16,1% so với tháng 4/2024 và tăng 7,4% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Với đà tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan. Trong đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả chính của Việt Nam, chiếm 61,4% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng trong 4 tháng đầu năm 2024. 

Hiện tại, Việt Nam đang có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây… 

Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với dưa hấu từ tháng 12/2023 và chính thức có hiệu lực từ ngày 12/6/2024; còn các Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, chanh leo vào Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán tích cực.

"Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Bởi hiện nay không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu", Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Thực tế, thời gian qua, Hải quan Trung Quốc đã có cảnh báo đối với một số lô sầu riêng của Việt Nam bị phát hiện có chứa hàm lượng Cadimi quá mức cho phép. Do vậy, Hải quan Trung Quốc đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam nhanh chóng xác minh lý do dẫn đến tình trạng không đạt tiêu chuẩn, đôn đốc các nhà máy đóng gói hoặc nhà vườn có liên quan thực hiện các biện pháp khắc phục, tăng cường giám sát và kiểm tra, thực hiện tốt công tác kiểm soát nguồn.

Theo chuyên gia Huỳnh Văn Hùng, một người có nhiều năm canh tác và kinh doanh sầu riêng với bạn hàng Trung Quốc, đây là một cảnh báo về việc quản lý, giám sát các mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam, do vậy, các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc, quản lý chặt chẽ để giữ vững thị trường Trung Quốc cho trái sầu riêng Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem