Dân Việt

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp lo thua lỗ nặng

Nguyễn Phương 20/06/2024 12:39 GMT+7
Sắp hết nửa năm 2024, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành gạo chưa thấy có sự thay đổi nào đáng kể. Trong khi một số doanh nghiệp ghi nhận có doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt, thì có những doanh nghiệp không đạt kỳ vọng và thua lỗ do bị bào mòn bởi chi phí.

Doanh nghiệp ngành gạo ngược chiều lợi nhuận

Trong quý I, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.849 tỷ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng lương thực - lúa, gạo đóng góp tới 85% tổng doanh thu, tương ứng 3.286 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ; bù đắp cho doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm 40% xuống 371 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh 65%, kéo lãi gộp LTG giảm 10% về 245 tỷ đồng; biên lãi gộp giảm từ 11% của cùng kỳ xuống 6%.

Doanh thu tài chính kỳ này ở mức 33 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong khi chi phí tài chính tăng hơn 28% lên 188,6 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay cùng khoản lỗ tỷ giá hối đoái đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn.

Lộc Trời đã lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng quý I, tăng lỗ so với mức 81,2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, Lộc Trời đã thu mua lúa của bà con nông dân tỉnh An Giang với tổng giá trị gần 440 tỷ đồng. Ngày 20/5, Lộc Trời phối hợp với Ngân hàng Tiên Phong mới hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu và thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương.

Cũng liên quan đến tài chính, Lộc Trời cho biết đang hoàn tất những bước cuối cùng trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng) với Ngân hàng FMO thuộc Chính phủ Hà Lan; đàm phán với các ngân hàng trong và ngoài nước có cùng định hướng phát triển nông nghiệp bền vững để đồng hành lâu dài, thống nhất các khoản tài trợ trung - dài hạn và dòng vốn ngắn hạn, hạn chế tối đa các "nút thắt cổ chai" về dòng tiền trong tương lai.

Theo Lộc Trời, trong năm nay tính đến ngày 14/5/2024, LTG đã xuất khẩu gần 100.000 tấn gạo, trị giá gần 63 triệu USD (trên 1.500 tỷ đồng) và đang hoàn thành các đơn hàng khác vào nửa cuối quý II/2024.

Mặc dù vậy Lộc Trời vẫn không kỳ vọng có lợi nhuận rực rỡ trong nửa đầu năm nay.

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp lo thua lỗ nặng- Ảnh 1.

Trong khi một số doanh nghiệp ghi nhận có doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt, thì có những doanh nghiệp không đạt kỳ vọng và thua lỗ do bị bào mòn bởi chi phí.

Tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam -CTCP (Vinafood II Mã: VSF) cũng cho thấy: Vinafood II từng chìm trong thua lỗ giai đoạn 2018 – 2021, nhưng từ năm 2022 đến nay kết quả kinh doanh của công ty đã có nhiều thay đổi tốt hơn.

Trong quý I/2024, doanh thu thuần của Vinafood II đạt 4.797 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế hơn 10 tỷ đồng, gấp 19,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu 9.500 tỷ đồng, lãi trước thuế 3,6 tỷ đồng. Tính hết quý I, Lương thực Miền Nam đã hoàn thành vượt kế hoạch năm về lợi nhuận.

Tuy nhiên, tính đến hết quý I, tổng nợ phải trả của Lương thực Miền Nam là 9.198 tỷ đồng, tăng 144% so với đầu năm và chiếm 79% tổng nguồn vốn. Tổng vay nợ tài chính 6.619,2 tỷ đồng, tăng 373% so với đầu năm và gần như toàn bộ là vay nợ ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của doanh nghiệp ghi nhận lỗ 2.777,5 tỷ đồng, tức vượt vốn chủ sở hữu.

CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex Mã: AGM), ở báo cáo tài chính quý I vẫn tồn tại nhiều chỉ số sụt giảm dù đã tích cực tiết giảm các chi phí.

Doanh thu thuần của công ty trong quý I chỉ đạt 58 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn nên Angimex ghi nhận lỗ gộp 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp 8,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm mạnh từ 9,7 tỷ đồng tại quý I/2023 xuống còn 156 triệu đồng trong quý I/2024. Nguyên nhân là do công ty không còn ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán trị giá 8,9 tỷ đồng như quý I/2023.

Tuy nhiên, các chi phí khác đều được Angimex tiết giảm tối đa với chi phí tài chính giảm 47%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 39%; xuống còn 6,4 tỷ đồng và 4,6 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí hàng bán cũng sụt giảm mạnh còn 1,9 tỷ đồng, chi phí nhân viên giảm tới 87% xuống 890 triệu đồng, chi phí nhân công giảm 72% còn 4,1 tỷ đồng.

Angimex đang lỗ sau thuế 14,9 tỷ đồng sau quý I, giảm lỗ so với cùng kỳ năm trước. Và tính đến hết quý I, Angimex nâng lỗ lũy kế lên 175 tỷ đồng.

Cũng vì lỗ luỹ kế hơn 175 tỷ đồng, AGM đã phải bán tài sản lấy tiền trả trái phiếu. Tài sản đảm bảo đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – Chi nhánh Sài Gòn gồm 5 quyền sử dụng đất, dây chuyền lau bóng gạo và máy móc thiết bị đã qua sử dụng và 1.320.225 cổ phiếu CTCP Dược Lâm Đồng (HNX: LDP).

Angimex đã trình trái chủ chấp thuận cho xử lý tất cả các tài sản bảo đảm của gói trái phiếu trên để thanh toán tiền gốc và lãi trái phiếu tính theo ngày đáo hạn được gia hạn là 14/9/2024.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp này cho biết sẽ đẩy mạnh các giao dịch gạo chất lượng cao vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tăng cường các hoạt động bán hàng trong nước, mở rộng dịch vụ phân phối đa kênh trực tiếp đến người tiêu dùng, chú trọng vào kênh siêu thị và phát triển hệ thống đại lý. Song chắc chắn một điều, lỗ lũy kế của Angimex chưa thể giải quyết hết được một sớm một chiều.

Giá gạo có thể tiếp tục hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 14,6% về lượng, giảm 15,8% kim ngạch so với tháng 4/2024 và giá giảm 1,5%, đạt trên 856.197 tấn, tương đương 521,69 triệu USD, giá trung bình 609,3 USD/tấn. 

Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 11,2% về lượng, tăng 33,5% về kim ngạch và tăng 20,7% về giá so với 5 tháng năm 2023, đạt gần 4,03 triệu tấn, tương đương gần 2,56 tỷ USD, giá trung bình 635,6 USD/tấn.

Tuy nhiên Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của nước ta cần tập trung nhận diện và có giải pháp căn cơ để khắc phục. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều, giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực, tính đến hết tháng 5 (thấp hơn tới 46 USD/tấn so với Thái Lan và 19 USD/tấn so với Pakistan).

Giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam hiện vẫn đà giảm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm ở mức 473 USD/tấn (giảm 2 USD); gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 570 USD/tấn (giảm so với mức 575-580 USD/tấn của tuần trước); gạo 25% tấm ở mức 549 USD/tấn. Chi phí vận chuyển tăng cả trong nước và quốc tế đang ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp lo thua lỗ nặng- Ảnh 2.

Theo dự báo của USDA, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo trong năm 2024 và 7,5 triệu tấn trong năm 2025.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện cả nước có 161 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo, song trong số này chỉ có khoảng 5 - 10 doanh nghiệp dẫn dắt.

Các doanh nghiệp làm thương mại gạo lâu năm cho rằng, muốn thị trường bền vững, kinh doanh tốt, các doanh nghiệp lớn phải mua hàng vào (dự trữ) để ổn định thị trường. Nhưng, thực tế hiện nay, kể cả các doanh nghiệp lớn cũng ít mua vào từ trước, do khó khăn về tài chính gây thiếu hụt nguồn vốn thu mua, mà ngành gạo nếu không đảm bảo lượng tồn kho thì khó điều tiết được thị trường.

Nhìn sang Thái Lan, 20 năm qua, 8 doanh nghiệp gạo hàng đầu của nước này không hề đổi ngôi. Cách làm của họ là mua trước, bán sau, vào vụ thì tập trung vào sản xuất, giữ chất lượng gạo thu mua về trong kho ở mức tốt nhất, giảm hao hụt.

Bài toán của doanh nghiệp kinh doanh gạo Việt hiện nay vẫn phải giải ở khâu vốn, cách thức thu mua gạo đầu vào, nếu không có giải pháp triệt để để tháo gỡ thì bức tranh kinh doanh gạo quý II này của các doanh nghiệp gạo vẫn khó có sự khác biệt và bứt phá nào đáng kể so với quý I của năm nay...