Dân Việt

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chi hội Nông dân tỷ phú

Thu Hà 24/06/2024 06:26 GMT+7
Ở Bình Dương, Chi hội Nông dân tỷ phú là niềm tự hào của cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Đỗ Ngọc Huy, Chi hội Nông dân tỷ phú đại diện cho thế hệ nông dân mới tỉnh Bình Dương.

Lựa chọn nông dân xuất sắc, nhà khoa học, doanh nghiệp, cán bộ Hội tâm huyết vào Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương

Ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết: Những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những bước đột phá rất quan trọng, nhất là những cơ chế, chính sách tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã cụ thể hoá các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thông qua việc xây dựng các kế hoạch và chương trình hành động thực hiện hiệu quả, nhất là đẩy mạnh xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chi hội Nông dân tỷ phú - Ảnh 1.

Tháng 4/2023 vừa qua, Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có buổi gặp mặt với Chi hội nông dân tỷ phú Bình Dương tại Hà Nội. Trong ảnh: Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Chi hội nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đức Quảng

Từ đầu năm 2020, ý tưởng tập hợp những nông dân giỏi, xuất sắc, nông dân "gạo cội" của tỉnh để hình thành một câu lạc bộ hoặc chi hội trực thuộc tỉnh đã được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đề xuất.

Ban Thường vụ đã nghiên cứu điều lệ Hội, các quy định của pháp luật, tham khảo các mô hình; tổ chức học tập các mô hình hoạt động hiệu quả của các tỉnh như: mô hình hội quán tại tỉnh Đồng Tháp, mô hình câu lạc bộ tỉnh Bến Tre, TP HCM...

Ở nhiều địa phương có các cách tổ chức tập hợp, tên gọi khác nhau nhưng đều có mục tiêu là tập hợp nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, có kinh nghiệm, từ đó nhằm nhân rộng, lôi cuốn nhiều hội viên nông dân tham gia.

"Rút ra kinh nghiệm từ những mô hình ở nhiều nơi, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thành lập ban vận động, dự thảo quy chế hoạt động và tổ chức khảo sát, tuyên truyền vận động hội viên là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương, hay như hội viên đã nhận các giải thưởng nông dân Việt Nam xuất sắc, nhà khoa học của nhà nông.

Song song đó, Hội cũng lựa chọn một số hội viên và cán bộ Hội có tâm huyết, có uy tín làm nòng cốt tham gia vào Ban chấp hành" - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương nói.

Với sự chuẩn bị công phu, đầy đủ nội dung, bảo đảm chuyển tải được mục đích, ý nghĩa hoạt động, tháng 10/2021 Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương đã thành lập và ra mắt với 45 thành viên ban đầu. Đến nay Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương đã có 65 thành viên, trong đó có 2 nhà khoa học, 3 doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chi hội Nông dân tỷ phú - Ảnh 2.

Đại hội Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương lần thứ I, nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức ngày 30/11 tại Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

 Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương quy tụ nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao 

Ông Đỗ Ngọc Huy cho biết: Về quy mô theo lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, chi hội có tổng diện tích cây ăn trái có múi, cây ăn trái đặc sản trên 1.000ha; diện tích sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao hơn 50ha, tổng đàn chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 1 triệu con. Cùng với đó là các doanh nghiệp hỗ trợ, cung ứng dịch vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp, vật tư nông nghiệp.

Chi hội là nơi sinh hoạt gắn kết, thiết thực của những hội viên cùng chung chí hướng, cùng sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm ngày càng có chất lượng theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, chính trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng.

Bên cạnh đó, tham gia chi hội sẽ có nhiều cơ hội được gặp gỡ, trao đổi, phản ánh trực tiếp đến các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua các chương trình gặp gỡ, đối thoại.

Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Chi hội đã định hướng tập thể chi hội hoạt động sôi nổi theo tiêu chí "5 tự", "5 cùng". Nhiều thành viên Chi hội đã có những ý kiến đóng góp hết sức thiết thực và chân tình vì mục đích phát triển của Chi hội.

Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương đã làm tốt nhiệm vụ là cầu nối, gắn kết các thành viên nông dân tỷ phú theo đúng mục đích ban đầu, các thành viên chi hội đã tập trung xây dựng thương hiệu, hỗ trợ liên kết tiêu thụ và là kênh phân phối hiệu quả các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Ban Chấp hành Chi hội đã có nhiều phương thức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các thành viên tiếp cận các chủ trương, chính sách trong nông nghiệp. Hàng tháng các thành viên Ban Chấp hành Chi hội gặp gỡ, trao đổi thông tin qua điện thoại, nhóm zalo để thống nhất trong chỉ đạo và lấy ý kiến các nội dung tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng quý.

Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương thường xuyên tổ chức các đợt tham quan trong và ngoài tỉnh về các mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển kinh tế trang trại thu lại lợi nhuận cao; các hoạt động vận động hỗ trợ, tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn; tham gia các chương trình tập huấn hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác liên doanh, liên kết sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chi hội Nông dân tỷ phú - Ảnh 3.

Mô hình dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Hồng Quyết - thành viên Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương

Một số mô hình tiêu biểu điển hình trong Chi hội như: Mô hình trồng cam, quýt của Ông Lâm Thành Thương, Lâm Thành Thắm, Trần Đức Vững xã Hiếu Liêm. Hay như mô hình nuôi gà lạnh của hộ ông Đinh Ngọc Khương, trang trại tổng hợp ông Tống Văn Hướng, mô hình dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Hồng Quyết, trang trại sầu riêng của ông Nguyễn Tấn Liêm, mô hình trang trại tổng hợp ông Đoàn Minh Chiến.

Nhiều thành viên Chi hội đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước khen thưởng như Huân chương lao động các hạng, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, là điển hình tiên tiến thi đua yêu nước toàn quốc. Có 90% thành viên Chi hội đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, giải thưởng Nông dân Bình Dương xuất sắc, danh hiệu Nhà Khoa học của nhà nông.

3 lợi ích từ mô hình Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết: Trong quá trình xây dựng và tổ chức hoạt động Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương, với những kết quả bước đầu đã khẳng định tính hiệu quả, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Dương nhận thấy có nhiều lợi ích từ mô hình tập hợp đó là:

Thứ nhất, từ những điển hình, những mô hình sản xuất kinh doanh của các thành viên đã làm động lực, làm "đầu tàu" cho nhiều hội viên nông dân, thu hút nông dân tham gia, làm cơ sở để Hội phát triển hội viên, trong đó có cả các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, trong hoạt động của Chi hội, bên cạnh việc thực hiện các nội dung liên kết trong phát triển sản xuất kinh doanh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh còn giao cho Chi hội chủ trì một số nội dung của Hội như: hội thảo các chuyên đề ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, đối thoại với lãnh đạo, chủ trì tiếp đón, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều tỉnh thành bạn, hay thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Chi hội đã phát huy khá tốt nhiệm vụ, góp phần san sẻ công việc của Hội.

Thứ ba, về mặt tổ chức thì chi hội là loại hình đặc biệt chưa có tiền lệ, cấp chi hội nhưng trực thuộc Hội cấp tỉnh, do Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh trực tiếp ra quyết định thành lập, phê duyệt quy chế hoạt động.

Song song với hoạt động Chi hội cấp tỉnh, nhiều thành viên đã chủ động cùng với Ban Thường vụ Hội cấp huyện vận động thành lập chi hội ở cấp huyện. Điều này cho thấy sức lan tỏa của hoạt động Chi hội nông dân tỷ phú và ngày càng có xu hướng phát triển mở rộng.

Với những kết quả khiêm tốn ban đầu như trên chính là động lực để Chi hội tiếp tục nghiên cứu đưa Chi hội ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh những mặt đạt được trong thời gian qua, vẫn có một số vấn đề, khó khăn khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các thành viên như: việc tiếp cận các nguồn vốn vay kích cầu sản xuất cho đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn.

Sự liên kết giữa nông dân Hợp tác xã, doanh nghiệp còn ít, đầu ra sản phẩm nông nghiệp của nông dân cũng còn bấp bênh, chịu nhiều tác động của cơ cấu thị trường; liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển, liên kết "6 nhà" trong đó liên kết trung tâm "Nhà nông – Doanh nghiệp" nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy.

Nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất (về vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, kỹ thuật, giống,...) đây là khâu quyết định để thu hút hội viên nông dân tham gia chi hội.