Một người Bình Dương đổi đời, đổi vận từ ngày nuôi loài chim khổng lồ toàn thịt nạc

Trần Cửu Long Thứ năm, ngày 11/04/2024 09:00 AM (GMT+7)
Anh Ngô Thanh Liêm (ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) từng trải qua bao nhọc nhằn khi chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm. Và chỉ đến khi anh nuôi đà điểu sinh sản-loài chim khổng lồ toàn thịt nạc, kinh tế gia đình mới khấm khá.
Bình luận 0

Hiện, trại nuôi đà điểu sinh sản của anh Liêm có khoảng 20 con, trong đó một nửa là con mái nên luôn có đà điểu giống cung cấp ra thị trường.

Dễ như nuôi đà điểu sinh sản

Trong khoảnh sân chơi rộng khoảng 500m2, mấy con đà điểu to đùng chạy hùng hục rượt đuổi nhau. Nhìn cảnh này không biết chúng vui đùa hay... ẩu đả. 

Đây là những con giống đà điểu ban đầu được anh Liêm cất công lặn lội ra tận huyện Ba Vì (TP Hà Nội) bắt giống với giá 2 – 2,5 triệu đồng/con.

Nghe đâu, những cuộc ẩu đả giành lãnh thổ hay con cái của đà điểu thường diễn ra rất nhanh, chỉ vài phút, nhưng kết quả thường là rất tệ vì chúng chơi "chiêu" đập đầu vào đối thủ…

Thấy khách lạ, một con đà điểu trống ước chừng nặng hơn 100kg khệnh khạng lao đến. Cái hàng rào sắt cao 1,7m không ngăn được đầu con đà điểu với cặp mắt trừng trừng chồm sang. 

Giờ mới biết vì sao người ta bảo "đà điểu mắt to hơn não". "Không sao đâu, bản tính nó vậy. Nó như thú cưng" - nhìn khách hốt hoảng, anh Ngô Thanh Liêm cười vui nói đỡ.

Một người Bình Dương đổi đời, đổi vận từ ngày nuôi loài chim khổng lồ toàn thịt nạc- Ảnh 2.

Anh Ngô Thanh Liêm (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) trong trại nuôi đà điểu sinh sản. Ảnh: T.Đ

"Nuôi đà điểu cũng giống như nuôi gà, nuôi vịt. Nó là loài không khó nuôi, ăn tạp nên rất dễ tìm thức ăn. Cái chính là phải yêu nghề, chăm chút chúng thì thành công sẽ đến".

Anh Ngô Thanh Liêm

Trò chuyện với chúng tôi, anh Liêm cho biết, anh nuôi đà điểu sinh sản từ 3 năm trước. Nuôi đến độ đám đà điểu như thú cưng trong nhà. 

Anh có thể đến gần vuốt ve, chơi đùa mà không sợ chúng mổ hay đá cho vài phát. "Với tôi, trong các con vật tôi đã nuôi thì đà điểu là dễ nuôi nhất. Sức đề kháng của chúng tốt nên chả mấy khi thấy chúng bị bệnh. 

Còn thức ăn, thứ gì nó cũng dung nạp tốt. Thậm chí, có bỏ đói nó vài ngày cũng chả sao" - anh Liêm bắt đầu câu chuyện.

Anh Liêm cho biết, mỗi ngày, mỗi con đà điểu ăn hết khoảng 5kg cỏ và gần 1kg cám. Ở trại nuôi đà điểu sinh sản, anh tự trồng cỏ voi xanh, chuối, rau lang, rau muống… cho đà điểu ăn. 

Về thức ăn cho đà điểu, anh Liêm tự pha trộn với cám, ngô, lúa, đầu tôm, đầu cá, ruột cá, vỏ trứng, men tỏi… rồi nén lại thành viên. 

Theo anh Liêm, cám viên được làm theo công thức này có độ đạm rất cao. Anh Liêm nhẩm tính, giá trị mỗi kg thức ăn hỗn hợp này vào khoảng 10.000 đồng.

Anh Liêm lưu ý, nuôi đà điểu sinh sản không nên cho đà điểu quá béo sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Mỗi ngày chỉ cho đà điểu ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. "Khi đà điểu còn nhỏ thì cho ăn thức ăn hàm lượng dinh dưỡng cao. 

Tuy nhiên, khi đà điểu vào tuổi sinh sản thì cần hạn chế lượng đạm, chủ yếu cho ăn cỏ thôi" - anh Liêm chia sẻ.

Về chuồng trại, theo anh Liêm, nếu nuôi thương phẩm, diện tích cần cho mỗi con khoảng 10m2. Còn nuôi đà điểu sinh sản thì diện tích chuồng trại càng rộng càng tốt. Đặc biệt, nuôi đà điểu phải trên nền cát, nếu nền trại bằng xi măng dễ làm hư chân đà điểu.

Một người Bình Dương đổi đời, đổi vận từ ngày nuôi loài chim khổng lồ toàn thịt nạc- Ảnh 4.

Những con giống đà điểu đang chờ xuất bán. Ảnh: T.Đ

Anh Liêm cho hay, đà điểu mái nuôi 2 năm sẽ bước vào thời kỳ sinh sản. Trong năm, đà điểu đẻ liên tục 9 tháng, sau đó thay lông và đẻ tiếp… Vòng lặp này cứ thế diễn ra. Số lượng trứng tăng dần theo tuổi đà điểu…

Cụ thể, thời điểm đà điểu đẻ trứng thường rơi vào khoảng tháng 12 năm trước kéo dài đến tháng 8 năm sau. 4 tháng còn lại trong năm là lúc đà điểu nghỉ ngơi và thay lông. Trong ngày, từ 14 - 19 giờ là lúc đà điểu thường đẻ. Vào thời điểm này, anh Liêm phải đi nhặt trứng để tránh những con đà điểu dẫm vỡ trứng hay nước ngấm vào làm tỉ lệ ấp trứng nở giảm đi.

Nuôi đà điểu - đổi vận

Theo anh Liêm, mấy năm nuôi đà điểu sinh sản cho thấy anh đang đi đúng hướng với con vật nuôi được ví là loài "chim khổng lồ" này. Hôm chúng tôi đến thăm, anh Liêm cũng vừa xuất bán đợt đà điểu giống với giá 3 - 4 triệu đồng/cặp (7 - 10 ngày tuổi), giá trứng đà điểu 250.000 đồng/quả.

Ngoài bán giống đà điểu, anh Liêm còn mổ bán thịt đà điểu. Hiện tại trại, giá thịt đùi đà điểu khoảng 300.000 đồng/kg, mề khoảng 350.000 đồng/kg, giá tim khoảng 320.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Liêm còn bán chân, cổ, cánh đà điểu… 

Không thấy anh Liêm nói đến chuyện bán da và lông đà điểu. Thực tế, da đà điểu là một trong những loại da xa xỉ nhất, có chất lượng tương đương với da rắn, da cá sấu nhưng lại dày, bền và mềm nên được dùng để sản xuất túi xách, giày dép, ví cao cấp. Trung bình, 1m2 da đà điểu có giá bán hàng trăm USD.

Những năm gần đây, thịt đà điểu trở thành một loại thực phẩm được các bà nội trợ đặc biệt ưa chuộng bởi lạ miệng. 

Với danh xưng "thực phẩm của thế kỷ XXI", thịt đà điểu không chỉ thơm ngon mà còn chứa giá trị dinh dưỡng rất cao. Loại thịt này có thể chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau, dai mà không bở, ngọt và mềm hơn thịt bò. 

Không như khi sử dụng thịt lợn, ăn thường xuyên thịt đà điểu không gây nguy cơ thừa cân, béo phì và bệnh tim mạch.

Trước khi chia tay, tôi hỏi anh Liêm, ở đất Bình Dương, người ta nuôi gà, lợn công nghệ cao, trang trại lớn, sao anh lại chọn nuôi đà điểu, một vật nuôi mới toanh? Anh Liêm bộc bạch, thấy người ta không nuôi anh mới nuôi để tìm kiếm cơ hội mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem