Dân Việt

Hà Nội tổ chức thi tìm người vận hành máy cấy giỏi

Thiên Hương 25/06/2024 05:47 GMT+7
Nhằm tuyên truyền, thúc đẩy việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa, qua đó đẩy mạnh mô hình sản xuất mạ khay, cấy máy, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả và bền vững, Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức Hội thi “Người vận hành máy cấy giỏi vụ mùa năm 2024”.

Hội thi cũng nhằm hướng tới chào mừng các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ khối các cơ quan thành phố Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2024), 70 năm Ngày thành lập Sở Canh nông Hà Nội (nay là Sở NNPTNT 30/11/1954 - 30/11/2024).

Thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hội thi "Người vận hành máy cấy giỏi vụ mùa năm 2024" được tổ chức từ 25 – 26/6/2024, tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên. Theo đó, sẽ có 10 đội tham gia tranh tài tại hội thi, gồm: 8 đội đại diện huyện Phú Xuyên, 1 đội đại diện huyện Thường Tín và 1 đội đại diện cho huyện Ứng Hòa.

Mỗi đội thi sẽ có 5 thành viên và 1 máy cấy 6 hàng, trải qua 2 phần thi. Phần thứ nhất là màn tự giới thiệu về đội thi tại hội trường: Đội thi giới thiệu thông tin về đội thi, như địa chỉ, tên đội, thành viên của đội thi; mục đích, ý nghĩa và khẩu hiệu thể hiện sự quyết tâm của đội khi tham gia hội thi.

Hà Nội tổ chức thi tìm người vận hành máy cấy giỏi- Ảnh 1.

Hà Nội tổ chức thi tìm người vận hành máy cấy giỏi- Ảnh 2.

Trình diễn máy cấy mạ khay ở huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Trang Nguyễn

Ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội nhấn mạnh: "Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là xu thế tất yếu giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trên đồng ruộng nói riêng. Hội thi sẽ là dịp để các địa phương, nhất là các cơ sở dịch vụ mạ khay, cấy máy giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ổn định, bền vững".

Phần thứ hai là thi thực hành cấy máy tại thực địa, các đội sẽ thi cấy bằng máy cấy 6 hàng trên diện tích 1.800m2 (tương đương 5 sào Bắc Bộ) do Ban tổ chức bố trí và đánh số thứ tự từ 1 đến 10. Các đội tham gia thi sẽ bốc thăm vị trí để tham gia thi tại thực địa.

Bên cạnh hai phần thi, Ban tổ chức còn tổ chức trưng bày các loại máy phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, trình diễn máy phun thuốc, gieo hạt không người lái, máy cấy không người lái…

Về ý nghĩa của hội thi lần này, đại diện Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, hội thi nhằm thúc đẩy việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa, góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND TP.Hà Nội về Phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phấn đấu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ.

Hội thi cũng nhằm khuyến khích nông dân, hợp tác xã tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, từ đó giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch và bảo đảm tính thời vụ cho người sản xuất.

Hà Nội tổ chức thi tìm người vận hành máy cấy giỏi- Ảnh 3.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện trình diễn máy bay không người lái tại huyện Đông Anh. Ảnh: Trang Nguyễn

Tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho nông dân về các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp; nâng cao năng lực về tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ nông nghiệp cho các HTX, tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Hội thi cũng là dịp giúp người nông dân có cơ hội giao lưu, học hỏi được những kinh nghiệm và tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Để chuẩn bị cho hội thi diễn ra thuận lợi, đảm bảo chất lượng, từ đầu tháng 6, Sở NNPTNT Hà Nội đã thành lập đoàn khảo sát địa điểm thực hiện hội thi với 5 người; thành lập Ban tổ chức hội thi gồm 10 người, thành phần là lãnh đạo Sở NNPTNT Hà Nội; lãnh đạo UBND các huyện tham gia hội thi; lãnh đạo các phòng, ban, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội… 

Tiếp đó, Sở cũng thành lập Hội đồng thẩm định, Ban giám khảo, Tổ thư ký hội thi, thành phần là đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, giảng viên Viện Phát triển công nghệ cơ điện (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Giám định máy và thiết bị (Viện Cơ điện nông nghiệp); đại diện lãnh đạo và cán bộ Phòng Kỹ thuật và Chính sách nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội…

Các đội tham gia hội thi được tổ chức luyện tập trong 5 ngày, với sự hướng dẫn của cán bộ Ban tổ chức. Đặc biệt, các đội thi được hỗ trợ tiền ăn, nhiên liệu và mạ khay phục vụ công tác tập luyện.

Giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới

Hà Nội tổ chức thi tìm người vận hành máy cấy giỏi- Ảnh 4.

Sẽ có 10 đội tham gia tranh tài tại hội thi “Người vận hành máy cấy giỏi vụ mùa năm 2024”.

Dự kiến hội thi thu hút khoảng 250 đại biểu tham dự. Về cơ cấu giải thưởng, gồm 1 giải đặc biệt; 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba và 3 giải khuyến khích. Các đội tham gia sẽ được trao tặng cờ giải và cờ lưu niệm của hội thi.

Tại hội nghị phổ biến quy chế, tiêu chí chấm điểm của hội thi và một số nội dung khác mới đây, ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội nhấn mạnh, công tác tổ chức hội thi phải đảm bảo các tiêu chí theo quy định, nội dung phù hợp, thiết thực với đối tượng tham gia. Ban tổ chức ban hành quy chế, tiêu chí chấm điểm của hội thi đảm bảo về mặt kỹ thuật và phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Đặc biệt, Ban giám khảo phải chấm điểm công tâm, khách quan theo đúng các tiêu chí chấm điểm do Ban tổ chức đã ban hành.

Ban tổ chức lưu ý, các đội dự thi phải chuẩn bị máy cấy 6 hàng đảm bảo vận hành tốt, tránh xảy ra sự cố khi tham gia hội thi. Thành viên các đội phải mặc trang phục bảo hộ lao động do Ban tổ chức cấp. Công tác tổ chức phải đảm bảo an toàn và thực hiện tốt các quy định về phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các quy định của pháp luật.

Với 2 phần thi giới thiệu và trình diễn, dự kiến hội thi thu hút khoảng 250 đại biểu tham dự. Về cơ cấu giải thưởng, gồm 1 giải đặc biệt; 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba và 3 giải khuyến khích. Các đội tham gia sẽ được trao tặng cờ giải và cờ lưu niệm của hội thi.

Đánh giá tác động của hội thi, Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, về mặt khoa học, hội thi giúp người nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới và dần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng cơ giới hoá đồng bộ; tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

Về mặt xã hội, qua hội thi sẽ góp phần hình thành các trung tâm mạ khay, tổ dịch vụ, chuỗi sản xuất mạ khay, cấy máy và tiêu thụ sản phẩm, từ đó khuyến khích mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất của các tổ dịch vụ là cơ sở để hình thành các HTX kiểu mới và các doanh nghiệp nông nghiệp.

Về tác động môi trường, bằng phương pháp sử dụng máy cấy, cây lúa được cấy với mật độ thưa, tận dụng được ánh sáng nên sẽ phát triển nhanh, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh và cỏ dại, do đó hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững.