Dân Việt

Phim Việt thua lỗ cay đắng ngay trên “sân nhà”, vì sao ra nông nỗi?

Hà Tùng Long 25/06/2024 09:00 GMT+7
Hàng loạt phim Việt thua lỗ, phải lặng lẽ rút khỏi rạp chiếu với mức doanh thu thấp thấp không tưởng khiến nhiều nhà làm phim tỏ ra hoang mang, lo lắng. Điều gì khiến phim Việt thua lỗ cay đắng tới vậy?

Phim Việt thua lỗ cay đắng ngay trên sân nhà

Theo thống kê của Box Office Vietnam, trong 5 tháng đầu tiên của năm 2024, điện ảnh Việt có 11 phim được công chiếu. Trong đó, phim "Lật mặt 7" của Lý Hải và "Mai" của Trấn Thành là hai bộ phim đoạt danh thu cao nhất, với hơn 435 tỷ và 551 tỷ đồng. Các phim Việt thua lỗ, không đạt được doanh thu như kỳ vọng có "Đóa hoa mong manh" đạt 430 triệu đồng, "Án mạng lầu 4" đạt 1,8 tỷ, "Sáng đèn" đạt 3,4 tỷ; "B4S - Trước giờ yêu" đạt 3,8 tỷ, "Quý cô thừa kế 2" đạt 6,4 tỷ…

Phim Việt thua lỗ cay đắng ngay trên “sân nhà”, vì sao ra nông nỗi?- Ảnh 1.

Hình ảnh trong bộ phim "Móng vuốt". Ảnh: NSX

Mới đây nhất, bộ phim "Móng vuốt" của đạo diễn Lê Thanh Sơn chỉ bán được 11 vé trên 11 suất chiếu sau hai tuần phát hành (theo số liệu của Box Offce Vietnam – đơn vị quan sát độc lập). Tính ra, trung bình mỗi suất chiếu chỉ bán được 1 vé. Theo tính toán sơ bộ, tổng doanh thu "Móng vuốt" ở thời điểm hiện tại mới chỉ dừng lại ở ngưỡng 3,8 tỷ đồng, kém xa so với con số kỳ vọng 300 tỷ của đạo diễn. Giới chuyên môn nhận định, với doanh thu này, bộ phim sẽ sớm phải rút khỏi hệ thống rạp chiếu.

Thực tế cho thấy, nhiều năm trở lại đây, thị trường điện ảnh biến động không ngừng. Số lượng phim đạt được doanh thu như kỳ vọng ít ỏi dần, trong khi các phim Việt thua lỗ ngày càng nhiều lên. Nhiều phim rầm rộ ra rạp nhưng rồi lại lặng lẽ rút khỏi rạp chiếu vì doanh thu quá thảm hại. Điều này khiến giới làm phim rất áp lực, cảm thấy hoang mang và mất niềm tin.

Trao đổi với Dân Việt về câu chuyện này, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng: "Tôi nghĩ trong thời gian vừa qua, nhiều phim Việt rầm rộ ra rạp nhưng chưa được sự đón nhận của khán giả, ngoại trừ "Mai", "Lật mặt 7"… có hai lý do dễ thấy nhất. Đầu tiên là ở những câu chuyện được kể. Hầu hết những câu chuyện này đều chưa gần gũi với văn hoá của người Việt. Khi chưa gần gũi thì sẽ khó để khán giả đồng cảm được với nhân vật. Thứ hai là ở một lý do mang tính khách quan hơn. Một số dự án thực ra đã khởi động từ trước (hoặc trong) dịch Covid-19 nhưng buộc phải ngừng lại vì dịch. Và khi được hoàn tất rồi ra rạp, thì ngôn ngữ điện ảnh trong đó cũng phần nào không còn phù hợp với thị hiếu hiện tại của người xem nữa".

Phim không chạm được đến khán giả sẽ khó mà thành công?

Gần 10 năm nay, Lý Hải đều đặn phát hành các phần phim "Lật mặt" vào dịp lễ 30/4 - 1/5, chỉ thiếu vắng duy nhất năm 2021 do đại dịch Covid-19. Các phim của Lý Hải đều đạt được doanh thu mà nhiều nhà làm phim mơ ước và đều thống trị phòng vé một thời gian rất dài. Cụ thể, "Lật mặt 1" có doanh thu 72 tỷ đồng; "Lật mặt 2" đạt 80 tỷ đồng, "Lật mặt 3" đạt 85 tỷ đồng, "Lật mặt 4" đạt 91 tỷ đồng, "Lật mặt 5" đạt 157 tỷ đồng, "Lật mặt 6" đạt 273 tỷ đồng, "Lật mặt 7" đã vượt qua con số hơn 435 tỷ nhưng vẫn chưa phải con số cuối cùng.

Riêng Trấn Thành, dù mới chỉ ra mắt 3 phim nhưng đã kịp ghi tên vào danh sách các "đạo diễn có doanh thu nghìn tỷ". Cụ thể, doanh thu phim "Bố già" đạt 427 tỷ, "Nhà bà nữ" đạt 475 tỷ và "Mai" đạt 551 tỷ đồng. Tổng doanh thu ba bộ phim mang lại cho Trấn Thành hơn 1.400 tỷ đồng. Đây quả là con số mà nhà làm phim nào cũng thèm khát.

Nhiều chuyên gia đã cố gắng tìm ra công thức thành công của những bộ phim đạt doanh thu tiền tỷ này. Tuy nhiên, không có công thức thành công chung cho tất phim, chỉ có những điểm chung trong hành trình chinh phục khán giả. Đó chính là phải làm phim tử tế, phim phải chạm đến cảm xúc của khán giả. Muốn làm được điều đó, ngoài những chiến lược về mặt kinh doanh, nhà làm phim và đạo diễn phải có tư duy của người làm phim tử tế. Tư duy đó phải là sự bền bỉ, phải là sự trung thành và phải là sự nhất quán. Ba yếu tố này góp phần tạo nên phong cách hay bản sắc của người làm phim.

Chia sẻ với Dân Việt, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Quảng (HK Film) cho rằng, nhiều nhà làm phim vẫn vướng mắc trong câu chuyện tìm "điểm chạm" để đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với khán giả. Và đó là lí do khiến nhiều phim "thất bại" khi ra rạp.

"Cái khó nhất của nhà sản xuất phim hiện nay là phải có được kịch bản hay, hấp dẫn, chạm được đến khán giả… Chạm được đến khán giả là điều khó nhất khi sản xuất một bộ phim. Về điều này, tôi cho là Trấn Thành đã làm rất tốt điều đó.

Về cơ bản, khán giả Việt vẫn thích một bộ phim có đề tài gần gũi với họ. Phim hay (theo chuyên môn) chưa chắc đã làm khán giả yêu thích. Phim chưa hay (theo chuyên môn) nhiều khi lại được khán giả yêu thích vì chạm đến cảm xúc của từng người. Muốn làm được một bộ phim như thế đạo diễn và nhà sản xuất phải có một tầm nhìn kết hợp với một kịch bản hay. Tư duy làm phim là phải đầu tư thật nhiều tiềm lực, mời thật nhiều ngôi sao nổi tiếng tham gia, có chiến lược kinh doanh thật bài bản, làm phim thật kỹ và kỳ công… thì sẽ thành công đã không còn đúng nữa rồi", nhà sản xuất Nguyễn Hữu Quảng nói.

Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cho rằng, có nhiều bộ phim Việt thua lỗ, không đạt được doanh thu như kỳ vọng không hẳn vì chất lượng quá kém, quá "thảm họa" mà vì không giải được bài toán về khán giả.

"Một bộ phim hay chưa chắc đã phù hợp với số đông, một bộ phim phù hợp số đông chưa hẳn đã là phim hay. Khi muốn phim của mình đến được với khán giả thì bộ phim của mình phải là một "sứ giả" của nghệ thuật và của cảm xúc. 

Nhìn vào những bộ phim thành công của Victor Vũ, Lý Hải, Trấn Thành… chúng ta đều thấy họ nắm bắt tâm lý và thị hiếu của khán giả rất tốt. Có thể phim còn những chỗ nọ, chỗ kia chưa hoàn thiện nhưng về cơ bản là họ đã chiếm được cảm tình của khán giả. Khi đã có được cảm tình của khán giả rồi thì mọi sự ngô nghê hoặc non nớt đều được cảm thông, bỏ qua", đạo diễn Đỗ Thanh Sơn trao đổi thêm với Dân Việt.