Dân Việt

Phạm Văn Tam bị bắt và chuyện Asanzo nhập linh kiện về gắn mác “Made in Vietnam” và trốn thuế

An Linh 25/06/2024 13:32 GMT+7
Việc ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo bị bắt đã khơi lại câu chuyện cũ về những vi phạm thuế và xuất xứ của Asanzo đã được nêu rõ và được điều tra trong thời gian dài từ năm 2019 đến nay

Từng nổi danh với chiếc tivi giá siêu rẻ, phủ sóng ở nhiều kênh siêu thị, cửa hàng điện máy và là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Samsung, LG hay Sony tại Việt Nam. Nhưng, chỉ sau chưa đầy 6 năm, Asanzo của ông Phạm Văn Tam đã dính loạt tai tiếng và chìm sâu vào khủng hoảng với nhiều cáo buộc của nhà chức trách.

Asanzo của ông Phạm Văn Tam gian lận xuất xứ, giả nhãn mác và trốn thuế

Asanzo của ông Phạm Văn Tam từng nổi tiếng khi nhãn hiệu mới này được hiện diện nhiều nơi, tivi Asanzo giá rẻ, lại được doanh nghiệp quảng cáo là "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" đã khiến người tiêu dùng tin tưởng, săn đón. Bản thân ông Phạm Văn Tam cũng tham gia nhiều kỳ Shark tank - Thương vụ bạc tỷ, gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp... gây được sự chú ý dư luận.

Tuy nhiên, sau gần 6 năm ra đời và phát triển nhanh từ 2013 đến năm 2019, Asanzo bị phanh phui hàng loạt vấn đề về gian lận xuất xứ, sử dụng công ty con để trốn thuế; hãng điện tử Sharp Nhật Bản tố cáo Asanzo sử dụng tài liệu, hình ảnh giả hợp tác với công ty Sharp để lừa dối khách hàng Việt Nam.

Phạm Văn Tam bị bắt và chuyện Asanzo nhập linh kiện về gắn mác “Made in Vietnam” và trốn thuế- Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT Asanzo vừa bị khởi tố về tội trốn thuế

Từ năm 2019, Asanzo bị Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đưa ra nhiều bằng chứng về vi phạm xuất xứ, thuế và đã chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan Bộ Công an để điều tra, làm rõ.

Được biết, Asanzo thành lập từ năm 2013, nhưng chỉ sau ít thời gian, nhãn hiệu này "lớn nhanh như thổi", sự hiện diện thương hiệu này trên thị trường chỉ xếp sau Samsung, LG và Sony. Năm 2019, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị phần của Asanzo trên thị trường tivi Việt Nam khi đó chiếm khoảng 16%, trong khi ông lớn LG chiếm 17%, Sony 25% và Samsung 35%.

Thời điểm năm 2019, khi vướng lùm xùm gian lận xuất xứ và gian lận doanh số, Asanzo tổ chức họp báo, cung cấp số liệu, trong đó đưa ra số liệu doanh thu các mặt hàng điện tử, tivi trong 3 năm gần nhất từ 2016 đến 2018.

Cụ thể, năm 2016, doanh nghiệp này thông tin bán ra hơn 500.000 tivi, chiếm 15% thị phần; năm 2017, doanh số bán tivi tăng lên 710.000 chiếc,. Đáng chú ý, năm 2018, Asanzo cho biết tổng doanh số bán các mặt hàng điện tử gồm tivi, nồi cơm điện, ấm đun nước siêu tốc đạt trên 4 triệu sản phẩm, doanh số hơn 6.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong các tháng 7-9/2019, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã nhiều văn bản, báo cáo xác định Asanzo có dấu hiệu "lừa dối khách hàng", quảng cáo không đúng sự thật và gian lận xuất xứ.

Tháng 7/2019, tạo Hội nghị sơ kết 6 tháng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, cơ quan hải quan sau khi xem xét các dấu hiệu vi phạm của Asanzo về vi phạm nhãn mác, gian lận xuất xứ đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an, đề nghị khởi tố vụ án về hành vi một công ty con của Asanzo nhập khẩu hàng giả mạo thiết bị, để đưa hàng vào nước ta tiêu thụ, sau đó giả mạo nhãn mác.

Tới cuối tháng 11/2019, Sharp Việt Nam gửi đơn tới 5 bộ tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Asanzo. Theo đó, Sharp Việt Nam cho biết hồi giữa tháng 9/2019, Asanzo công bố với dư luận về việc Asanzo sở hữu công nghệ Nhật Bản và việc Asanzo khi đó đang có quan hệ hợp tác với Sharp Roxy (Hong Kong - SHR)… là không chính xác.

Trước đó, Asanzo có công bố thư xác nhận của công ty có tên là Sharp Roxy (SRH) tại Hồng Kông về mối quan hệ hợp tác vào thời điểm ngày 12/9/2019. Đồng thời, ngày 17/9/2019 khi Asanzo bị cơ quan Hải quan, Thuế xác định gian lận xuất xứ, làm giả nhiều chứng từ, hoá đơn…

Tuy nhiên, trong phản ánh với các cơ quan chức năng Việt Nam, Sharp Việt Nam phủ nhận thông tin trên và cho rằng: Giữa năm 2016 công ty mẹ Sharp tại Nhật có lập liên doanh Sharp - Roxy tại Hồng Kông, nhưng từ tháng 10/2016, liên doanh này bị đổ vỡ và Sharp - Roxy được mua lại bởi công ty mẹ Sharp Nhật Bản, sau đó đổi tên là Công ty trách nhiệm hữu hạn Sharp Hong Kong.

Sharp Việt Nam khẳng định, từ ngày 31/10/2016, Sharp không có bất kỳ mối liên hệ hợp tác về mua bán nào với Asanzo. Vì thế, nội dung mà Asanzo đưa ra là Sharp Roxy tại Hồng Kông đang có hợp đồng kinh doanh, bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và các dịch vụ liên quan, đến nay hợp đồng vẫn còn hiệu lực" là không đúng sự thật".

Sharp Việt Nam khẳng định: Asanzo có hành vi cố tình tạo ra tài liệu giả mạo với mục đích đánh lừa người tiêu dùng về các mặt hàng có nguồn gốc từ Sharp.

Chuyên gia Thuế và pháp lý nói gì?

Liên quan đến nghĩa vụ thuế, Asanzo bị Tổng cục Thuế xác định sử dụng nhiều công ty con (19 công ty con) do nhân viên, người nhà đứng đầu để quay vòng hoá đơn, chứng từ bán hàng cho Asanzo. Cuối năm 2019, xác định Asanzo vi phạm các hoạt động về thuế, lãnh đạo Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế đưa ra 3 hành vi trốn thuế của doanh nghiệp này và các công ty thành viên như: Để hoá đơn ngoài sổ sách, không xuất hoá đơn VAT nhằm trốn thuế; mua linh kiện thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt nhưng kê khai là mua thành phẩm điều hoà nhiệt độ - (mặt hàng không thuộc diện chịu thuế).

Phạm Văn Tam bị bắt và chuyện Asanzo nhập linh kiện về gắn mác “Made in Vietnam” và trốn thuế- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia về Thuế, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Cụ thể, nhiều công ty con xuất bán cho Asanzo mặt hàng điều hoà nhiệt độ, nhưng không xuất hoá đơn VAT và Asanzo cũng không kê khai VAT. Bên cạnh đó, hành vi sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, trong đó ghi thành phẩm điều hoà nhưng Asanzo nhập là linh kiện. Asanzo ghi hoá đơn cao hơn với mục đích trốn thuế.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: "Nhiều công ty có quan hệ với Asanzo đều do người của Asanzo đứng tên, các lãnh đạo đều là nhân viên của Asanzo, sau đó hoá đơn được lập cao hơn giá thực tế nhằm trốn nghĩa vụ thuế".

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, chuyên gia Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng, Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) những vi phạm của Asanzo liên lợi dụng ưu đãi về thuế Tiêu thụ đặc biệt để hưởng lợi, trong đó cơ quan thuế xác định hành vi trốn thuế rõ ràng của các công ty con, công ty có quan hệ với doanh nghiệp này.

Nói riêng về hành vi xé lẻ linh kiện điều hoà về lắp ráp, không kê khai thuế Tiêu thụ đặc biệt để hưởng lợi, ông Phụng phân tích: Với mặt hàng điều hoà, Luật quy định doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt ở một trong hai khâu: Kê khai nộp ở đầu vào (hải quan) và đầu bán ra (kê khai, nộp cho ngành thuế).

"Nếu kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ở đầu vào của hải quan, sẽ không phải nộp sắc thuế này cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp này xé lẻ, nhập lịnh kiện về lắp ráp thành phẩm, nhập mặt hàng thành phẩm mà kê khai sai đã là vi phạm quy định hiện hành", vị chuyên gia của ngành thuế nói.

Cũng trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia pháp chế, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Hành vi gian lận xuất xứ của Asanzo về nhãn mác, xuất xứ linh kiện gây ảnh hưởng niềm tin của khách hàng, gây ra nguy cơ Việt Nam trở thành bước đệm cho nhiều ngành hàng, lĩnh vực khác của nước ngoài "vay mượn" xuất xứ để xâm nhập thị trường xuất khẩu, hưởng ưu đãi.

"Lợi dụng kẽ hở chính sách, đặc biệt quy định, quy chuẩn xuất xứ thời gian vừa qua nổi lên các vụ của Asanzo, Seven.AM và lụa Khaisilk… Đây là những điển hình của việc nhập linh kiện về để gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng rất thấp, xong bán hàng gắn nhãn mác "Made in Vietnam". Vấn đề này có nguy cơ cao khiến Việt Nam trở thành thị trường hàng hoá của quốc gia khác, đồng thời gây rối loạn thị trường", vị chuyên gia cho hay.

Vị này nói thêm, trong các quy định về quy tắc xuất xứ C/O của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều quy định rõ về giá trị, hàng lượng hàng xuất xứ từ quốc gia. Bên cạnh đó, các quốc gia đều quy định cụ thể các hành vi vi phạm gian lận chuỗi sản xuất để chống lại việc lợi dụng quy tắc xuất xứ để hưởng lợi từ giảm thuế, xoá bỏ hạn ngạch.