Tại thời điểm 11h sáng ngày 26/6, đồng Won ở mức 1.389 Won/USD, giảm 1,95 Won so với phiên trước đó. Nhìn lại, trong bốn tuần qua, KRW/USD đã mất 2,22%. Trong 12 tháng qua, giá của nó đã giảm 6,15%.
Đồng Won dao động gần mức thấp nhất trong 10 tuần khi đồng đô la Mỹ tăng giá nhờ dữ liệu hoạt động kinh doanh mạnh mẽ của Mỹ làm giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Đồng Won được giao dịch ở mức 1.300,4 Won đổi 1 USD vào ngày 3/1. Tuy nhiên, nó đã phá ngưỡng 1.400 Won/USD vào ngày 16/4 và sau đó đã hạ nhiệt xuống 1.360-1.380 Won/USD rồi tiếp tục ổn định ở mức 1.350 Won/USD vào giữa tháng trước.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự báo tỷ giá hối đoái sẽ ở mức khoảng 1.200 Won/USD vào cuối năm nay. Một số người cho rằng đồng tiền Hàn Quốc sẽ giảm sâu hơn nữa xuống dưới ngưỡng tâm lý 1.400 Won/USD, trừ khi Fed trở nên ôn hòa trước BOK.
Theo Trading Economics, đồng Won dự kiến sẽ giao dịch ở mức 1.388,98 vào cuối quý này. Trong tương lai, ước tính nó sẽ giao dịch ở mức 1.406,96 trong thời gian 12 tháng.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi dữ liệu về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và thất nghiệp của Hàn Quốc để định hướng triển vọng xa hơn.
Hiện tại, chỉ số JXY hiện đang giao dịch ở mức 0,00625. Nhìn lại, trong bốn tuần qua, JPY/USD đã mất 2,04%. Trong 12 tháng qua, giá của nó đã giảm 9,94%.
Theo công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS và Mizuho Bank, đồng yên có khả năng giảm xuống còn 170 yên đổi 1 USD, tức mất giá khoảng 10 yên so với mức hiện tại, không cách biệt mấy so với ngưỡng thấp nhất trong khoảng 34 năm (từ năm 1986).
Khi mà lãi suất cơ bản đồng Yên hiện vẫn chỉ ở trên ngưỡng 0%, còn lãi suất đồng USD ở Mỹ chưa cắt giảm, chênh lệch lợi suất của đồng tiền hai nước đồng nghĩa đồng Yên đương đầu với rủi ro sẽ mất giá sâu hơn.
Chuyên gia thuộc ngân hàng Bank of America, ông Shusuke Yamada, dự báo đồng Yên sẽ hạ giá xuống mức 163 Yên/USD vào tháng 9/2024. Nếu đồng Yên chạm mốc 165 Yên/USD, chắc chắn giới chức Nhật sẽ buộc phải can thiệp để nâng giá đồng Yên.
“Nếu tỷ giá biến động quá mức, điều đó sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế quốc gia. Trong trường hợp có sự biến động quá mức do hành vi đầu cơ, chúng tôi sẵn sàng có hành động phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda - quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề tỷ giá của nước này - phát biểu.
Tuyên bố này được ông Kanda đưa ra trong lúc đồng Yên giảm về gần mốc 160 Yên đổi 1 USD. Lần gần đây nhất mốc tỷ giá này bị xuyên thủng là vào hôm 29/4. Khi đó, Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã phối hợp can thiệp vào thị trường ngoại hối khi chi 9.800 tỷ Yên (tương đương 61,3 tỷ USD) trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 29/5.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng Yen đã giảm khoảng 11% so với USD trong năm 2024, trong khi đồng Won đã mất giá khoảng 8% so với đầu năm. USD vẫn được các nhà đầu tư yêu thích do sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và triển vọng Cục Dự trữ liên bang (Fed, ngân hàng trung ương) sẽ không sớm chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất.
Ngày 25/6, các Bộ trưởng Tài chính của Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng” về sự mất giá mạnh của đồng Yen và đồng Won, đồng thời cam kết thực hiện các bước chống lại những động thái "thái quá" liên quan đến ngoại hối.
Trong tuyên bố chung sau vòng đối thoại song phương lần thứ 9, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki và người đồng cấp Hàn Quốc Choi Sang Mok nhấn mạnh sự biến động ngày càng tăng trên thị trường tiền tệ đang gây bất ổn đối với nền kinh tế hai nước.
Hai bộ trưởng cam kết tiếp tục “phản ứng nhanh” trong các hành động chính sách nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính trong bối cảnh hai nước đang đối mặt với những thách thức chung như các cuộc xung đột tại Ukraine và Gaza, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố nêu rõ các bộ trưởng đồng ý "tiếp tục thực hiện các hành động thích hợp chống lại sự biến động quá mức về tỷ giá hối đoái".
Trên thị trường xuất nhập khẩu, Hàn Quốc và Nhật Bản từ trước đến nay luôn là đối tác lớn của nước ta. Việc đồng Yên xuống đáy 34 năm hay đồng Won trượt dốc là một yếu tố bất lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đơn cử hoạt động xuất khẩu thuỷ sản, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 trong 5 thị trường tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam lớn nhất. Thống kê của Vasep cho biết, năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam qua các thị trường đạt 3,7 tỷ USD, trong đó Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất 28% và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng 12%. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đã tụt xuống TOP 3 thị trường do sự trỗi dậy của thị trường Mỹ và Trung Quốc, đồng thời kim ngạch xuất khẩu giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chi tiết cho từng ngành hàng, xuất khẩu tôm sang Nhật giảm 4%, trong chả cá và surimi giảm đến 27%. Tương tự tại thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu chả cá và surimi giảm 10% .
Hay tại FPT, doanh thu từ thị trường Nhật Bản hiện chiếm khoảng 40% tổng doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT. Việc đồng Yên giảm giá so với đồng USD có ảnh hưởng đến doanh thu của công ty tại thị trường Nhật Bản.
Tính chung các mặt hàng xuất khẩu, dù Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn nằm trong Top các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng tốc độ tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm 2024 chậm hơn trung bình và thua xa các thị trường lớn trong TOP 5.
Đi cùng với sự sụt giảm tỷ giá đồng Yên và Won là việc khách hàng Nhật Bản và Hàn Quốc lại đều có văn hóa khá truyền thống là thanh toán các hợp đồng mua dịch vụ từ Việt Nam bằng đồng tiền của nước họ chứ không phải USD, điều này dẫn tới doanh thu khi quy đổi ra VND để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí doanh nghiệp không thay đổi hoặc phần lớn bị tăng lên, dẫn tới lợi nhuận bị bào mòn.
Sức ép từ việc đồng Won và Yen mất giá không chỉ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà còn có ảnh hưởng tới người lao động tại 2 nước này.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa cho biết, từ đầu năm đến ngày 19/6, cả nước có hơn 78.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 107% so với cùng kỳ 2023. Các thị trường được người lao động chọn nhiều nhất gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc.
Các thị trường có nhiều lao động đi xuất khẩu lao động nhất gồm: Nhật Bản hơn 40.000 người, Đài Loan - Trung Quốc hơn 27.000 người, Hàn Quốc hơn 10.000 người.
Theo thống kê, Hàn Quốc là thị trường có số người đi xuất khẩu lao động lớn thứ 3. Một trong lý do khiến người lao động sang Hàn Quốc làm việc nhiều do mức lương hấp dẫn của thị trường này mang lại. Được biết, tại thị trường Hàn Quốc, mức lương tối thiểu của lao động Việt khoảng 2 triệu Won/tháng (khoảng 36 triệu đồng).
Việc gửi tiền hỗ trợ về cho gia đình cũng gặp khó khăn vì tỷ giá (lúc cao điểm 1 triệu won đổi được 21 triệu đồng, nhưng nay chỉ được hơn 16 triệu đồng). Bên cạnh đó, tiền vé máy bay tăng trên 50% nên có ít người muốn bay về Việt Nam.
Phỏng vấn 1 du học sinh Việt tại Hàn Quốc: "Lạm phát Hàn đang gia tăng, cách đây 6 tháng, 1 bữa ăn trung bình khoảng 12.000 won (tương đương 200.000 VNĐ) nhưng cho đến thời điểm hiện tại, 1 bữa ăn trung bình đã tăng lên tới gần 25.000 won (tương đương gần 500.000 VNĐ). Tiền lương làm thêm vẫn giữ nguyên ở mức 9.860 won/giờ nên khi lạm phát Hàn tăng khiến gánh nặng chi tiêu của người dân đè nặng, việc kiếm sống và tiết kiệm trở nên gian nan vô cùng".
Tình cảnh tương tự lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng diễn ra với người lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, nhiều gia đình có người thân xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật đứng ngồi không yên vì tiền tích lũy bằng đồng Yen đang bị mất giá quá nhanh.