Theo sử sách ghi lại, Mạc Đăng Dung là một người giàu nghị lực và mưu trí, từ một anh lính cầm lọng cho vua đã từng bước xây dựng thế lực trong triều đình, uy tín trong dân chúng, để rồi vươn lên đỉnh cao quyền lực, trở thành vị hoàng đế khai quốc của nhà Mạc.
Thế nhưng, chính sự chuyên quyền, giết vua để giành ngôi đã khiến Mạc Đăng Dung cùng vương triều của mình trở thành một trong những vương triều khó phân định công – tội nhất trong lịch sử Việt Nam. Dẫu vậy phải khẳng rằng triều đại nhà Mạc do Mạc Đăng Dung dựng nên không hề thua kém bất cứ một triều đại nào trong lịch sử Việt Nam.
Mạc Đăng Dung xuất thân từ một thanh niên nghèo, làm nghề đánh cá, trong một dịp đi thi võ ở kinh đô đã trúng Đô lực sĩ và được sung vào Châu túc vệ chuyên cầm dù đi theo vua.
Ông tiến rất nhanh trên con đường quan lộ. 29 tuổi Mạc Đăng Dung đã được phong tước Vũ xuyên bá. Trải qua 3 đời vua Lê, ông được phong Thái sư Nhân quốc công rồi đến An hưng vương.
Di tích thành nhà Mạc ở tỉnh Lạng Sơn. Mạc Đăng Dung, vị vua đầu tiên của vương triều nhà Mạc sinh năm 1483 là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).
Lợi dụng lúc vua Lê Cung Hoàng ươn hèn, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai đem quân về kinh đô ép vua nhường ngôi, lập lên triều Mạc.
Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ thì chính tài năng và thời thế đã đưa Mạc Đăng Dung lên đỉnh cao của quyền lực.
Nói một cách khách quan, nếu như không có Mạc Đăng Dung thì sẽ có một gương mặt, một dòng họ khác đứng lên chèo lái con thuyền lịch sử Việt Nam trong cơn bão táp.
Bởi thời kỳ của Mạc Đăng Dung, nhà Lê đã suy tàn, khủng hoảng cung đình chưa từng có diễn ra với 5 vua bị giết, 2 vụ tiếm ngôi xưng vương, các phe phái tiêu diệt lẫn nhau khiến sức lực suy tàn, nhân tài cạn kiệt, dân tình khổ cực.
Binh sĩ nhiều người đã bỏ thân nơi chiến địa mà không vì lợi ích quốc gia. Chính vì thế, theo nhà sử học Lê Văn Lan, việc Mạc Đăng Dung lập ra nhà Mạc lúc bấy giờ đã giải quyết được khủng hoảng đất nước để yên dân, dựng nước.
Thanh đại đao-cổ vật quý 500 tuổi của Mạc Đăng Dung hiện đang được trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.
Công, tội của Mạc Đăng Dung đã từng gây nhiều tranh cãi trong giới sử học, nhưng rõ ràng việc Mạc Đăng Dung lên ngôi lập ra nhà Mạc đã mở ra một thời kỳ thái bình, thịnh trị cho đất nước.
Chính vì thế, có không ít triều thần của nhà Lê đã quay sang theo và giúp việc cho Mạc Đăng Dung. PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng, cũng bởi nhận rõ thế sự và tài năng của Mạc Đăng Dung mà nhiều vị quan nhà Lê đã không ngần ngại giúp Mạc Đăng Dung trị vì đất nước.
Mạc Đăng Dung còn được các sử gia sau này đánh giá cao bởi cách đối nhân xử thế của ông. Khi Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê sơ để lên ngôi, ông đã không tiến hành một cuộc tàn sát nào đối với con cháu của nhà Lê và những người trung thành với triều đình.
Đối với những di sản văn hóa, kiến trúc của nhà Lê sơ tại Thăng Long và Thanh Hóa, ông cũng không xâm phạm hay tàn phá mà còn cho tu bổ các công trình như Quốc Tử Giám ở Thăng Long hay khu lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa... Những việc làm của Mạc Đăng Dung được coi là hiếm có trong lịch sử phong kiến.
Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) ở ngôi không lâu (chỉ khoảng 3 năm) sau đó nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh và lên làm Thái thượng hoàng, nhưng ông đã để lại một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của nhà Mạc sau này.
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Hội Sử học thành phố Hải Phòng, cho đến nay giới sử học vẫn đánh giá rất cao vai trò của Mạc Đăng Dung trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Có thể nói Mạc Đăng Dung là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Việt Nam, nhưng rõ ràng sự xuất hiện của ông trên vũ đài chính trị, lịch sử giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVI đã góp phần quan trọng tạo ra những chuyển biến tích cực, ghi dấu sự phát triển nhiều mặt và để lại nhiều bài học quý giá cho lịch sử trong các giai đoạn tiếp theo.