Một ông vua nhà Lê, thủa nhỏ cùng mẹ sống cảnh mò cua bắt ốc tại làng quê Bắc Ninh, là ông vua nào?

Chủ nhật, ngày 25/06/2023 05:01 AM (GMT+7)
Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, thì chuyện tình giữa vua Lê Thần Tông với mẹ của vua Lê Hy Tông có nhiều điều thú vị. Trước ngày được ngồi trên ngai vàng, vua Lê Hy Tông vẫn cùng mẹ sống đời sống lam lũ, mò cua bắt ốc ở sông Cụt qua làng Đông Côi (nay thuộc thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Bình luận 0

Bấy giờ sau thời gian 25 năm trị vì đất nước, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con cả là Lê Chân Tông để lên làm thái thượng hoàng khi mới 37 tuổi. Tuy nhiên, chỉ 6 năm sau ông lại lên ngôi lần thứ hai, vì Lê Chân Tông mất sớm, không có con.

Thế là, Lê Thần Tông cho tuyển chọn nhiều mỹ nữ để mong có con nối dõi. Thậm chí, vua còn tổ chức các cuộc tuần du, vừa để xem xét đời sống dân tình vừa để tìm kiếm thêm người đẹp. 

Một hôm, đoàn ngự giá dừng chân nghỉ tại làng Đông Côi (xã Gia Đông, phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Đông Côi, phường Gia Đông, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), dân làng bày hương án dọc đường làm lễ đón chào vua. 

Làng Đông Côi nhỏ nhưng rất trù phú, ngay tên gọi của làng có nghĩa là viên ngọc quý ở phương Đông... Không chỉ vậy, nơi đây còn là quê hương của những cô gái vừa có sắc đẹp lại tài năng, mà Nguyễn Thị Ngọc Trúc là tiêu biểu nhất.

Một ông vua nhà Lê, thủa nhỏ cùng mẹ sống cảnh mò cua bắt ốc tại một làng quê Bắc Ninh, là ông vua nào? - Ảnh 1.

Minh họa:S.H

Cô Trúc nổi tiếng khắp vùng bởi đẹp người đẹp nết. Dù mới đặt chân đến Đông Côi, chỉ nghe kể lại mà Lê Thần Tông đã thấy cảm mến cô gái chưa từng biết mặt. Chức dịch trong làng vội vã đưa Ngọc Trúc đến và ngay khi thấy nàng, vẻ đẹp hồn nhiên, dịu dàng, chân chất đã khiến Lê Thần Tông rung động. 

Trở lại kinh đô Thăng Long, trong đoàn ngự giá của vua có thêm mỹ nhân họ Nguyễn của làng Đông Côi. Về đến hoàng cung, Lê Thần Tông chính thức phong nàng làm cung phi, khi đó Ngọc Trúc mới xấp xỉ 19 tuổi, để tránh trùng tên với hoàng hậu nên phải đổi là Ngọc Tấn.

Chuyện kể lại rằng, sau khi nhập cung, vào năm 1662, cung phi Ngọc Tấn mang thai trong niềm vui của nhiều người, ai cũng hy vọng Lê Thần Tông sẽ có thêm 1 hoàng tử nữa vì khi ấy trong cung chỉ có 2 hoàng tử, một người lên 9 và một người mới tròn 2 tuổi. 

Không may, đến tháng 11 năm đó, Lê Thần Tông ốm nặng, biết khó qua khỏi ông mới dặn chúa Tây vương Trịnh Tạc rằng: Cung nhân của trẫm là Ngọc Tấn có thai mới được khoảng 4 tháng, chưa rõ là con trai hay con gái, sau này nó ra đời, nhờ vương trông nom giúp cho! Chúa Trịnh Tạc nhớ lấy để bụng, nhưng trước mắt ông cùng bá quan văn võ lập vua Lê Huyền Tông.

Về cung phi Ngọc Tấn, sau khi Lê Thần Tông mất đã xin được trở về quê để chịu tang vua. Tại Đông Côi, nàng quay lại nếp sống gần gũi với bà con chòm xóm nơi thôn dã tuy còn thiếu thốn nhưng luôn giàu tình cảm yêu thương. 

Hằng ngày, tuy mang bầu nhưng Ngọc Trúc vẫn theo người làng đi mò trai, bắt hến ở sông Cụt để lấy tiền đong gạo. Đến ngày 15-3-1663, nàng sinh một người con trai đặt tên là Cáp. Ngày tháng trôi qua, cậu bé Cáp trở thành một đứa trẻ thông minh, đĩnh ngộ nhưng không hề biết mình là dòng dõi hoàng gia, vẫn cùng mẹ sống đời sống lam lũ.

Năm Cáp 13 tuổi, một biến cố bất ngờ xảy ra, Lê Gia Tông chỉ ở ngai vàng được 4 năm thì mất, hưởng dương 14 tuổi. Khi ấy xảy ra “khủng hoảng” triều chính, bá quan không biết đưa ai lên kế vị. Chúa Trịnh chợt nhớ đến lời gửi gắm năm nào của Lê Thần Tông, lập tức sai người về làng Đông Côi dò hỏi và hết sức vui mừng khi biết cung phi Ngọc Tấn đã sinh một hoàng tử. Chọn ngày lành, triều đình tổ chức nghi trượng về đón hoàng tử, bà Ngọc Tấn đành gạt nước mắt để người con yêu quý về kinh làm vua, còn bà ở lại quê đến khi mất.

Ngày 12-6-1675, Lê Duy Cáp lên ngôi hoàng đế, đổi tên Cáp thành Lê Duy Hợp, Lê Hy Tông. Sau này, khi biết tin mẹ qua đời, Lê Hy Tông đã sai làm lễ tang trọng thể, cho lập đền thờ tại Đông Côi và hằng năm vào ngày 17-4 tổ chức cúng giỗ để ơn nhớ về người đã sinh hạ, chăm sóc, nuôi dưỡng mình trong những tháng ngày gian khó, khổ cực. 

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” ở mục nhân vật chí viết về Lê Hy Tông như sau: Tên là Duy Hợp, con thứ của Thần Tông, khi Thần Tông chết, ông còn ở trong thai mẹ được có 4 tháng. Thần Tông chết dặn dò Tây vương bảo hộ. 

Lúc Gia Tông chết, ông mới 14 tuổi, được Tây vương phò lên ngôi, lấy ngày sinh làm “Thiên minh khánh tiết”. Vua nối giữ nghiệp cũ, ngồi yên mà trị, triều chính ổn định, thưởng phạt nghiêm minh, quan lại giữ phép, nhân dân yên nghiệp, bình trị hơn cả các đời trong thời Trung hưng...

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu lại cho đến ngày nay, Lê Thần Tông là vị vua có nhiều con làm vua nhất, 4 người con của Lê Thần Tông từng ngồi trên ngai vàng là: Lê Duy Hựu (Lê Chân Tông), Lê Duy Vũ (Lê Huyền Tông), Lê Duy Cối (Lê Gia Tông) và Lê Duy Cáp (Lê Hy Tông). 

Nhưng những người con của Lê Thần Tông đều yểu mệnh. Lê Chân Tông làm vua được 9 năm thì mất, hưởng dương 19 tuổi; Lê Huyền Tông làm vua 9 năm thì mất, hưởng dương 17 tuổi; Lê Gia Tông làm vua 4 năm thì qua đời ở tuổi 14, chỉ có Lê Hy Tông, người con út là may mắn sống thọ và ở ngai vàng lâu hơn cả so với các anh của ông.

Và không giống những người anh được làm vua trước, Lê Hy Tông không được sinh ra trong nhung lụa ở lầu son, gác tía nơi kinh thành đô hội, mà ở nơi thôn dã. Hằng ngày, tuy còn nhỏ nhưng ông vẫn thường theo mẹ và người dân trong làng đi mò trai, bắt hến ở sông Cụt để lấy tiền mua gạo và trước ngày được ngồi trên ngai vàng, ông vẫn cùng mẹ sống đời sống lam lũ. 

Có lẽ vì thế mà ông quan tâm hơn đến đời sống của trăm họ và nhờ đó mà giữ được nghiệp cũ của cha ông để lại. Thế mới biết lời nói của người xưa rằng, “có đức mặc sức mà ăn”, quả không sai đối với Lê Hy Tông. 

ND (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem