Mốc đến cho vùng rau
Sáng 27/6, theo thông tin PV Dân Việt thu thập, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030.
Theo đó định hướng phát triển sản xuất rau phấn đấu đến năm 2030, diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh đạt khoảng trên 13.000 ha, sản lượng đạt gần 250.000 tấn.
Nhóm chủ lực gồm rau ăn lá các loại, như mồng tơi, dền, rau muống, rau ngót, cải các loại... rau họ đậu, gồm đậu đũa, đậu co-ve, các loại đậu khác... rau củ, quả các loại như dưa hấu, dưa chuột, cà chua, cà tím, bầu, bí, mướp, khổ qua...và rau gia vị hàng năm, gồm hành, tỏi, rau mùi, rau húng, tía tô, ớt cay….
Trong số này, định hướng rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến, phấn đấu đến năm 2030 đạt gần 1.500 ha, sản lượng ước trên 24.000 tấn; trong đó sản xuất chủ yếu tại các huyện đồng bằng, như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức... và Lý Sơn sản xuất tập trung tỏi (300ha) và hành (650ha).
Những giải pháp cần thực hiện
Để đạt được mục tiêu nêu trên, cấp thẩm quyền Quảng Ngãi, đã đề ra những giải pháp và chỉ đạo khá cụ thể cần thực hiện.
Trong số này, đáng chú ý là về tổ chức sản xuất, các huyện, thị xã, thành phố cần xác định quy mô vùng sản xuất rau an toàn, tập trung trong phương án Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 20212030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan.
Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn từ việc xây dựng vùng trồng, cấp, quản lý mã số đến bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đối với hộ gia đình sản xuất rau, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác để sản xuất rau tại các vùng tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm; tích cực tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyển giao KHCN về quy trình sản xuất rau an toàn, sơ chế, bảo quản rau, kiến thức thị trường...
Mỗi địa phương lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại rau có lợi thế để sản xuất, mang tính đặc sản vùng miền và có khả năng liên kết với các địa phương khác để tạo ra vùng rau tập trung, quy mô hàng hoá.
Hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, kinh tế hộ được tổ chức trong Hợp tác xã nông nghiệp, Tổ hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp...
Đẩy mạnh công tác ứng dụng các tiến bộ KHCN, như sản xuất rau trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm, công nghệ thủy canh... trong vùng sản xuất rau an toàn tập trung.
Sử dụng giống rau có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, phân vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ.
Về thị trường tiêu thụ, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn, gắn với mã số vùng trồng; đa dạng hóa các kênh phân phối rau an toàn, hình thành các sàn giao dịch... để người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm rau của địa phương.