Trồng rau VietGAP kiểu gì mà bán vào siêu thị, nông dân Sơn La tự trả lương cao cho chính mình?
Trồng rau VietGAP kiểu gì mà bán vào siêu thị, nông dân Sơn La tự trả lương cao cho chính mình?
Văn Ngọc
Thứ sáu, ngày 07/06/2024 12:55 PM (GMT+7)
Hội viên nông dân huyện Mộc Châu (Sơn La) đang tích cực triển khai mô hình trồng rau sạch theo quy trình VietGAP, cung cấp cho các siêu thị lớn tại Hà Nội và các tỉnh thành khác, mang lại thu nhập cao.
Clip: Trồng rau VietGAP bán vào siêu thị, nông dân Sơn La thu lợi nhuận cao
Trồng rau VietGAP, nông dân không lo đầu ra
Có mặt tại HTX Rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La) vào buổi sáng sớm, các thành viên HTX, mỗi người một công việc, ai đấy đều khẩn trương để có đủ sản lượng rau sạch cung cấp cho các siêu thu theo đơn đặt hàng.
Ấn tượng với chúng tôi là những vườn rau sạch của HTX Rau an toàn Tự Nhiên, được canh tác một cách rất bài bản, khoa học, từng khu vực canh tác với các loại rau khác nhau. Vườn nào cũng vậy, đều xanh tốt và cho ra sản phẩm rau sạch nhất phục vụ người tiêu dùng.
Dẫn chúng tôi thăm khu nhà lưới trồng rau sạch của HTX, bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX Rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La) chia sẻ: Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, các thành viên HTX đang tích cực chuyển đổi cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, sản xuất rau sạch theo quy trình VietGAP.
Nhờ vậy các sản phẩm nông nghiệp của các thành viên làm ra không lo về khoản tiêu thụ, giúp hội viên HTX có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Cũng theo bà Luyến, hiện nay HTX rau an toàn Tự Nhiên có 38 thành viên với tổng diện tích canh tác trên 20 ha, là đơn vị tiên phong trong trồng rau sạch ở xã Đông Sang. HTX trồng, cung cấp trên 30 sản phẩm rau sạch như: Cà chua, bắp cải, dưa chuột, bí xanh... đạt tiêu chuẩn rau an toàn được cấp chứng nhận VietGAP. Sản phẩm rau sạch của HTX được nhiều khách hàng tin dùng, trung bình mỗi năm xuất bán gần 1.000 tấn rau các loại cho các siêu thị lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, đồng thời cung cấp cho các trường học, nhà hàng trên địa bàn huyện Mộc Châu.
"HTX rau an toàn Tự Nhiên luôn luôn chấp hành và đưa ra các nội quy quy chế ngày càng chặt chẽ hơn để bảo vệ cho thương hiệu rau an toàn Mộc Châu. Để thương hiệu này phát triển bền vững, chúng tôi họp, có kế hoạch và phân công các tổ trưởng theo dõi các thành viên trong HTX, có sổ ghi nhật ký gieo trồng, áp dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc", bà Luyến nói.
Với những cách làm hay, hiệu quả, các mô hình trồng rau sạch ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện cho những người nông dân cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, vươn lên làm giàu. Với vườn rau của gia đình anh Vì Văn Tùng, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La), cũng không nằm ngoài lệ.
Anh Vì Văn Tùng chia sẻ: Trang trại gia đình tôi rộng hơn 3 ha, trước đây trồng ngô cho thu nhập thấp. Từ ngày tham gia HTX, chuyển sang trồng rau sạch theo quy trình VietGAP, gia đình tôi không phải lo đầu ra, lại được hỗ trợ kỹ thuật nên năng suất cao. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi lãi hơn 400 triệu đồng từ trồng rau. Có thêm kinh phí, gia đình lại có thêm nguồn vốn đầu tư, mở rộng canh tác, nâng cao thu nhập.
"Ban đầu HTX chúng tôi áp dụng sản xuất hữu cơ đối với dâu tây. Sau khi thấy hiệu quả kinh tế cao, tôi áp dụng với nhiều loại rau củ khác, đặc biệt là các sản phẩm trái vụ như bắp cải, cà chua. Khi áp dụng các phương pháp hữu cơ, năng suất cây trồng cao hơn, được người tiêu dùng rất ưa chuộng", anh Tùng nói.
Trồng rau VietGAP - hướng phát triển nông nghiệp bền vững
Trao đổi với phóng viên, ông Lường Tiến Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, Hội Nông dân huyện Mộc Châu phối hợp với xã Đông Sang tập trung vận động nhân dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất. Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, trồng hoa, quả đã mang lại cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.
Hội viên nông dân huyện Mộc Châu đóng gói các mặt hàng rau, củ, quả,... chuyển đến các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch tại thành phố Hà Nội theo đơn đặt hàng. Ảnh: Văn Ngọc
Hiện tại, xã Đông Sang có 3 HTX nông nghiệp, 3 tổ hợp tác sản xuất với trên 200 hộ dân tham gia trồng rau trên diện tích hơn 60 ha. Cây rau trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân của xã với mức thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.
Cùng với đó, để hội viên nông dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Mộc Châu đã phối hợp với Ngân hàng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân vay vốn. Liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ, tiêu thụ nông sản cho người dân. Vận động áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương.
"Từ hiệu quả của cây rau mang lại, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Mộc Châu và xã Đông Sang sẽ tiếp tục phối hợp vận động nhân dân đẩy mạnh trồng rau sạch theo quy trình VietGAP; định hướng phát triển trồng rau sạch gắn với du lịch tham quan trải nghiệm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.