Tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý II năm 2024 của UBND TP.Hà Nội, các lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội đã có câu trả lời liên quan đến phản ánh 63 giáo viên "kêu cứu" vì chưa được hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học.
Cụ thể, bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, cho biết, ngày 29/5/2013 UBND TP.Hà Nội có quyết định về việc phân bổ chỉ tiêu đi học sau đại học bằng nguồn kinh phí của thành phố.
Căn cứ các kế hoạch, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội căn cứ hàng năm đều triển khai thông báo, hướng dẫn các đồng chí cán bộ giáo viên để có đủ điều kiện làm quy trình, gửi hồ sơ về Sở Giáo dục và đào tạo.
Sở này sau đó sẽ rà soát, hướng dẫn theo đúng quy định, quy trình, tổng hợp danh sách gửi qua Sở Nội vụ để trình UBND TP.Hà Nội xem xét, phê duyệt quyết định cử cán bộ quản lý, giáo viên đi học sau đại học và hỗ trợ kinh phí theo quy định.
"Trước năm 2019, những nội dung này được triển khai rất là đầy đủ. Tuy nhiên, thực hiện Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/1/2020 của UBND TP.Hà Nội về việc phê duyệt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo sau đại học của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố giai đoạn 2019 - 2020, năm 2020, Sở Giáo dục và đào tạo được giao 80 chỉ tiêu cán bộ, giáo viên đi học sau đại học bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố.
Căn cứ tiêu chuẩn, quy định tại quyết định số 01, Sở đã tổ chức rà soát, chọn được 63 cán bộ quản lý và giáo viên trúng tuyển tham gia học sau đại học của năm 2019, đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
Ngày 14/2/2020, Sở Giáo dục và đào tại đã có công văn kèm theo danh sách trích ngang của 63 người và 63 bộ hồ sơ gửi Sở Nội vụ. Sở Giáo dục và đào tạo báo cáo, đề nghị Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, cho phép 63 viên chức có tên trong danh sách được cử đi học bằng nguồn kinh phí của thành phố" - bà Trần Lưu Hoa nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, đến ngày 25/4/2024, UBND TP.Hà Nội có công văn giao cho Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng TP.Hà Nội để tiếp tục chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được UBND TP.Hà Nội quyết định cử đi đào tạo có quyết định hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học của UBND thành phố; giao cho Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, tham mưu các nội dung tiếp theo.
"Như vậy quyết định cử đi học sau đại học của UBND TP.Hà Nội là căn cứ pháp lý để Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng TP.Hà Nội chi trả kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Đối với 63 trường hợp nêu trên chưa được UBND thành phố quyết định cử đi học, do đó, không thuộc đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học từ nguồn Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng TP.Hà Nội" – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa thông tin.
Chia sẻ thêm về thông tin này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng cho biết, xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở đó, HĐND TP.Hà Nội căn cứ vào Luật Thủ đô ngày 21/11/2012, căn cứ vào Nghị định số 18 ngày 5/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cùng các quy định liên quan, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ cho các cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ thạc sĩ trong nước, để hưởng quỹ ưu đãi, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định 2734, 2735 về ban hành quy chế hoạt động của Quỹ đầu tư, khuyến khích các nhà khoa học đồng hành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; thu hút sử dụng đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ, nguồn nhân lựuc cao.
"Như vậy đây là chính sách đặc thù, cho nên trong quá trình quỹ này ngoài ngân sách Nhà nước còn có nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân, tài trợ của các tổ chức chứ không riêng ngân sách của thành phố 100%.
Cho nên các đối tượng phải lựa chọn theo quy trình. 63 trường hợp này chưa có quyết định của UBND cho nên trên cơ sở chưa có quyết định thì Quỹ đầu tư chưa có cơ sở để chi trả cho 63 trường hợp" – ông Đinh Mạnh Hùng nói.
Về nguyên nhân tại sao Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội bố trí cho 63 cán bộ, giáo viên đi học mà chưa có kinh phí, ông Hùng thông tin, ngày 1/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 101, quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức.
Theo đó, ngày 30/3/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 36, hướng dẫn nội dung mức chi cho đối tượng là cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo. Đặc biệt Nghị quyết HĐND TP.Hà Nội dựa trên cơ sở Luật Thủ đô ngày 21/11/2012, do đó các chế độ, chính sách đặc thù kia chưa phù hợp với Nghị định của Chính phủ, Thông tư 36, Nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội.
"Do đó cần phải sửa đổi Nghị quyết HĐND và sửa đổi Nghị quyết HĐND căn cứ theo Luật Thủ đô. Hiện nay Luật Thủ đô đang trong quá trình sửa đổi, do đó UBND TP.Hà Nội tạm dừng để rà soát lại… Sau khi Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực thì sẽ tiếp tục triển khai thực hiện" – ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, UBND TP.Hà Nội không "bùng" tiền với 63 trường hợp trên vì chưa có quyết định (quyết định cử đi học sau đại học của UBND TP.Hà Nội).
"Hiện nay hệ thống pháp luật có sự thay đổi do đó không thể tiếp tục thực hiện được, nên UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, chờ sửa đổi Luật Thủ đô để tiếp tục thực hiện" – vị lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội nói thêm.
Trước đó, 63 cán bộ, giáo viên ở Hà Nội đã gửi đơn "kêu cứu" tới báo Dân Việt về việc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội phê duyệt và có chỉ tiêu kế hoạch đào tạo sau đại học, tuy nhiên, đến nay sau hơn 4 năm vẫn chưa được trợ cấp kinh phí.
Theo các giáo viên, trong quá trình học tập họ đã phải chi một khoản tiền khá lớn, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.