Trước khi tìm hiểu về mộ cổ của Hoàng Vần Thùng, cần hiểu rõ câu chuyện mà người La Chí vẫn truyền tai nhau kể lại về người mà họ coi như "vua".
Trước kia người La Chí sống nay đây mai đó, đi đến đâu phát nương làm rẫy tới đó, đất bạc màu lại chuyển đến nơi khác. Cũng chính vì du canh du cư mà đời sống của họ nghèo khổ, nạn đói diễn ra triền miên.
Bỗng một hôm xuất hiện một người có tên Hoàng Vần Thùng rất giỏi việc canh tác, sản xuất. Người đàn ông này dạy bà con dân tộc La Chí làm ruộng bậc thang, nuôi gà, nuôi lợn, từng bước ổn định cuộc sống, bỏ dần thói quen du canh du cư.
Riêng tại xã Bản Phùng nằm ở phạm vi dãy núi Tây Côn Lĩnh (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đã có hàng chục ngôi mộ cổ của Hoàng Vần Thùng. Clip: Danh Hùng.
Nhờ sự dạy bảo, hướng dẫn của Hoàng Vần Thùng mà cuộc sống của bà con ấm no, không còn cảnh đói ăn phải vào rừng đào củ mài. Người La Chí cũng dần quây quần thành làng bản, hình thành những cộng đồng đoàn kết và mạnh mẽ.
Rồi biến cố xảy ra khi giặc đến cướp phá, bóc lột, đàn áp dân bản, lần này Hoàng Vần Thùng đã đứng lên tập hợp trai tráng trong làng hợp lực đánh đuổi giặc. Dẹp giặc xong ông lui về núi Gia Long (tiếng La Chí gọi là Pố Hoàng Thùng) rồi từ đó không ai nhìn thấy ông nữa.
Những tích chuyện về Hoàng Vần Thùng có rất nhiều "phiên bản" khác nhau. Ở một phiên bản khác, có người kể rằng khi người dân gặp cơn hạn hán, cây cối hoa màu rồi động vật cũng chết khô, người dân bèn cầu cứu ông.
Vừa cúng lễ xong thì trời nổi sấm chớp, mây đen kéo đến đen kín bầu trời. Trời đổ mưa suốt 3 ngày đêm, hạn hán hoàn toàn chấm dứt.
Tưởng nhớ công lao của Hoàng Vần Thùng, người dân đã lập miếu thờ ông và coi ông như một vị vua. Đến khi ông qua đời, khắp chân núi Gia Long bỗng mọc lên hàng nghìn ngôi mộ.
Có tương truyền do người thương nhớ ông nên đắp mộ tưởng nhớ, cũng có giai thoại do sự linh thiêng, huyền bí mà chỉ sau một đêm hàng nghìn ngôi mộ đã hình thành…
Tuy nhiên, dù là "phiên bản" nào thì câu chuyện về Hoàng Vần Thùng đều chung một ý nghĩa: đó là dân tộc La Chí có cùng một ông tổ, và dù ở đâu họ cũng là anh em ruột thịt.
Ở đâu có người La Chí, ở đó có mộ cổ vua Hoàng Vần Thùng. Câu nhận định ấy đã thôi thúc tôi tìm đến xã Bản Phùng (huyện Hoàng Sù Phì, Hà Giang), và đúng như nhận định; ngoài ngôi đền thờ Hoàng Vần Thùng.
Anh Phạm Ngọc Hiếu, một người dân sống tại xã Bản Phùng chỉ cho chúng tôi khu nghĩa trang của người La Chí nằm trên một quả đồi cao.
Lẫn giữa các ngôi mộ nhỏ được trát bê tông và ghi tên họ người đã mất là những ụ đất lớn, cỏ mọc kín, có hình tròn rộng, người dân nói đó chính là mộ cổ của Hoàng Vần Thùng.
Di tích mộ cổ Hoàng Vần Thùng nằm trên các sườn núi cao, các khu rừng đầu nguồn hay rừng cấm của đồng bào người La Chí.
Những khu vực này có cảnh quan thiên nhiên đẹp, do những quan niệm về mặt tâm linh, việc xâm phạm vào đây là điều cấm kị.
"Trước tôi có nghe các cụ cao niên trong bản kể lại rằng sau khi ông mất, thân thể của Hoàng Vần Thùng đã biến thành các bản làng của người La Chí như hiện nay. Mộ cổ của ông còn mọc giữa các khoanh ruộng bậc thang – nơi ông đã chỉ dạy cho người La Chí biết trồng lúa nước" – anh Phạm Ngọc Hiếu kể lại.
Cũng theo anh Hiếu, đối với người dân La Chí, những ngôi mộ cổ của Hoàng Vần Thùng là "bất khả xâm phạm" và cực kỳ linh thiêng; được người La Chí bảo vệ như kho báu.
"Tôi nhớ có năm mưa lớn, sạt lở diễn ra khắp nơi, nhiều ngôi mộ của dân thường bị nước lũ đánh sập, nhưng không hiểu sao mộ cổ của vua Hoàng Vần Thùng vẫn không hề suy chuyển. Bao năm qua đều như thế, đó là lý do vì sao người La Chí tin rằng các ngôi mộ đó đều là thật" – anh Hiếu tiết lộ.
Hiện, quần thể đi tích mộ cổ Hoàng Vần Thùng là di sản văn hoá vật thể và phi vật thể có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người La Chí.
Không chỉ có thế, sự bí ẩn của những ngôi mộ cổ này luôn là đề tài, nguồn cảm hứng cho những nhà nghiên cứu văn hóa, cho chính cộng đồng người La Chí trên dãy núi Tây Côn Lĩnh tìm hiểu về cuộc đời vị vua không ngai này.