10 làng vùng núi Thiên Thai ở Bắc Ninh tổ chức lễ hội tôn vinh nhà khoa bảng đầu tiên của Việt Nam

Thứ năm, ngày 27/06/2024 05:29 AM (GMT+7)
Lễ hội Thập Đình là lễ hội truyền thống của 10 làng thuộc vùng núi Thiên Thai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) có từ lâu đời. Lễ hội thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tướng Doãn Công - Đào Nương, 2 danh tướng của Hai Bà Trưng và Thái sư Lê Văn Thịnh, nhà khoa bảng đầu tiên của Việt Nam.
Bình luận 0

 Lễ hội Thập Đình là lễ hội truyền thống của 10 làng thuộc vùng núi Thiên Thai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) có từ lâu đời và được duy trì trao truyền qua nhiều thế kỷ đến ngày nay. 

Lễ hội là hoạt động văn hóa tâm linh cộng đồng tiêu biểu thể hiện sự biết ơn và tưởng nhớ tướng Doãn Công - Đào Nương - hai vợ chồng cùng là danh tướng của Hai Bà Trưng và Thái sư Lê Văn Thịnh - Tiến sỹ, Thủ khoa của khoa thi chọn hiền tài đầu tiên trong lịch sử Việt Nam ở thời Lý (năm 1075).

Theo truyền thống, vào ngày 6-2 âm lịch của các năm Thân, Tý, Thìn, nhân dân 10 làng gồm “ngũ đình nội” và “ngũ đình ngoại” tưng bừng mở hội Thập Đình và tổ chức lễ rước quy mô lớn. 

“Ngũ đình nội” là đình của 5 làng cùng thờ Doãn Công - Đào Nương và Thái sư Lê Văn Thịnh gồm: Bảo Tháp, Yên Việt, Đông Cao, Hiệp Sơn, Hương Vinh. Đây là những làng quần tụ quanh núi Thiên Thai. 

“Ngũ đình ngoại” là đình của 5 làng thờ Doãn Công - Đào Nương, hoặc thờ Thái sư Lê Văn Thịnh làm Thành hoàng, gồm: Huề Đông, Địch Trung thờ Doãn Công - Đào Nương; đình làng Chi Nhị thờ Lê Văn Thịnh vì ông là người có công mở trường dạy học giáo hóa cho dân làng; đình làng Phú Ninh (thị trấn Gia Bình) thờ Thái sư Lê Văn Thịnh; đình làng Thi Xá (còn gọi Vân Xá, thuộc Cách Bi, Quế Võ) là quê hương của thân mẫu Lê Văn Thịnh.

Nghiên cứu về lễ hội Bắc Ninh của cố TS.Trần Đình Luyện chỉ dẫn: Trong Thập Đình thì làng Bảo Tháp là nơi vợ chồng tướng Doãn Công - Đào Nương cư trú và tuyển mộ quân sĩ khởi nghĩa và cũng là quê hương của Thái sư Lê Văn Thịnh. Do đó, làng Bảo Tháp có trách nhiệm chủ trì lo mua sắm lễ vật và giữ vai trò chủ tế. 

Khu vực đình làng Bảo Tháp cũng là không gian trung tâm của lễ hội Thập Đình. Vào ngày chính hội mồng 6 tháng 2 âm lịch sẽ diễn ra Đại lễ rước do 10 làng phối hợp tổ chức, cùng tiến về đình làng Bảo Tháp - Đình Cả để tế lễ công đồng. 

Làng Bảo Tháp tổ chức rước kiệu ra đầu làng đón các làng trong “Thập Đình”. Các làng khác theo đường bộ và đường sông rước về Đình Cả.

 Đoàn rước với sự tham gia của hàng nghìn người trong trang phục truyền thống lộng lẫy cùng lúc kéo về, khắp vùng rợp cờ lọng, kiệu bát cống, siêu đao, tàn quạt rực rỡ sắc màu trong tiếng trống, chiêng vang động cả vùng sông núi Thiên Thai.

10 làng vùng núi Thiên Thai ở Bắc Ninh tổ chức lễ hội tôn vinh nhà khoa bảng đầu tiên của Việt Nam- Ảnh 1.

Ngày chính hội Thập Đình gồm 10 làng ở huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh), cả vùng sông núi Thiên Thai trống chiêng vang vọng, cờ lọng rực rỡ... (ảnh tư liệu).

Xưa kia, hội Thập Đình kéo dài đến ngày 10-2 mới tế giã đám. Cùng với phần lễ rước và tế lễ uy nghiêm, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức tại trung tâm lễ hội làng Bảo Tháp và các làng Thập Đình như đấu vật, đu tiên, đốt cây bông, cờ người, đu cây, hát chèo, hát ca trù, diễn tuồng... 

Sau này, tham gia tổ chức lễ hội không chỉ có 10 làng của Thập Đình mà còn có thêm các làng: Nội Phú (thị trấn Gia Bình), Nghĩa Thắng (Đông Cứu), Trạc Nhiệt (Quế Võ) - nơi thân mẫu của Thái sư Lê Văn Thịnh qua đời, làng Đình Tổ (Thuận Thành) - nơi an nghỉ của Thái sư Lê Văn Thịnh trên đường về quê và làng Ích Phú (xã Song Giang).

Lễ hội Thập Đình xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức quy mô cấp huyện nhân kỷ niệm 25 năm tái lập huyện Gia Bình; kỷ niệm 30 năm đền thờ Lê Văn Thịnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; 20 năm đình Bảo Tháp và 10 năm đền thờ Doãn Công - Đào Nương được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Năm nay, hội Thập Đình diễn ra từ ngày 14 đến 16-3 (tức từ ngày 5 đến 7-2 âm lịch) gồm phần lễ và phần hội. 

Phần lễ có lễ mộc dục, nghi thức rước lư hương về tế lễ nhập tịch tại đình Bảo Tháp. Ngày chính hội 6-2 rước kiệu của 10 làng với quy mô hơn 1.000 người tham gia. 

Phần hội gồm các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ như: Hát Quan họ, diễn chèo, giao hữu bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông, kéo co... và nhiều trò chơi dân gian độc đáo.

Nhân dân và du khách trảy hội Thập Đình, sau khi dâng hương hoa, lễ vật tế thánh tại đình Bảo Tháp sẽ đến vãng cảnh chùa Thiên Thư, thăm đền thờ Doãn Công để tìm hiểu lịch sử, giá trị nhân văn cao đẹp về các bậc tiền nhân tài cao đức trọng có công lao to lớn với nước với dân. 

Đặc biệt, một di tích du khách không thể bỏ qua là đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh đang lưu giữ Bảo vật quốc gia “Rồng đá” Đến đây, du khách được tìm hiểu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của vị quan khoa bảng danh tiếng thời Lý. 

Ông là một nhà giáo mẫu mực, đức độ của nước Đại Việt và là một nhà ngoại giao xuất chúng, một danh nhân văn hóa kiệt xuất với tài kinh bang tế thế, một nhà cải cách chính trị, kinh tế đại tài đưa đất nước phát triển cường thịnh. 

Tên tuổi Thái sư Lê Văn Thịnh được khắc ghi trên bảng vàng, bia đá, trở thành niềm tự hào trong lịch sử khoa cử nước ta. Công lao của ông được các triều đại ghi nhận, lưu truyền trong sắc phong, ngọc phả và trong đời sống tinh thần của nhân dân. 

Nhiều nơi lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng. Nhiều con đường và ngôi trường vinh dự được mang tên Lê Văn Thịnh.

Trong một hội thảo khoa học về di sản lễ hội cuối năm 2020, TS Nguyễn Hữu Mùi (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đánh giá: Lễ hội ở Việt Nam nói chung, ở Bắc Ninh nói riêng có lịch sử lâu đời với nhiều hình thái và tính chất khác nhau, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa con người Việt Nam. 

Song, phần lớn lễ hội đang diễn ra trên mọi miền đất nước là tôn vinh các vị thần hoặc Thành hoàng là võ tướng. Điều đặc biệt ở lễ hội Thập Đình là bên cạnh các võ tướng còn có Thái sư Lê Văn Thịnh là nhà khoa bảng đầu tiên của nước ta đã được nhân dân Bắc Ninh tôn thờ làm Thành hoàng và mở lễ hội tri ân. 

Ông là minh chứng sinh động cho một trí thức lớn của dân tộc, có nhiều công lao với đất nước ở thời Lý. Vì vậy, lễ hội Thập Đình cũng là một hoạt động ý nghĩa trong sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của người dân Bắc Ninh - quê hương văn hiến giàu truyền thống hiếu học khoa bảng vang danh khắp cả nước.

V.Thanh (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem