Dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau tồn tại nhiều loại sản vật có giá trị kinh tế cao như vộp, ốc len, chem chép, ba khía… Ba khía được xem là sản vật trời cho và là đặc sản của vùng cực Nam Tổ quốc.
Nếu trước đây người dân phải săn bắt loài giáp xác này vào ban đêm, dùng đèn pin soi khi thấy ba khía thò ra ăn mồi thì nhanh tay chụp lấy. Nhưng khoảng vài năm nay người dân Cà Mau lại có độc chiêu săn ba khía vô cùng thú vị đó là dùng rập chuột đặt ở cửa hang để bắt ba khía. Đây là cách làm mới, sáng tạo nhưng hiệu quả cũng rất cao.
Ông Nguyễn Thanh Ngoan, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi một nông dân có kinh nghiệm trong nghề săn ba khía bằng rập chuột cho biết, để cải thiện cuộc sống gia đình, mỗi đêm ông thường len lỏi theo các con sông để soi ba khía. Vào những ngày nước lên, tối trời, ba khía sẽ rời hang, bò lên tán cây tìm "bạn tình". Đây là thời điểm thích hợp để bắt được nhiều ba khía.
Ba khía thường có quanh năm, để bắt được ba khía chất lượng, thịt chắc và nhiều gạch nên đi bắt vào lúc tối trời. Còn khi sáng trăng thường thịt ba khía chưa đạt tới độ ngon nhất định nên ít ai đi bắt. Ba khía vốn thích ăn cá, tôm nhỏ… nên mình dùng rập chuột móc thêm ít cá tạp để bẫy chúng. Rập chuột đặt sát mé và trong bụi rậm hoặc trên rễ cây đước nên mỗi sáng khi đi thăm hầu như mỗi cái rập đều dính ba khía. Bắt ba khía bằng rập chuột giúp tôi cùng bạn nghề đỡ vất vả và nguy hiểm do không phải len lỏi trong bụi rậm vào ban đêm. Nhờ đặt ba khía mà tôi có thêm thu nhập từ 100.000 – 200.000 đồng/ngày”, ông Ngoan khoe.
Nghề bắt ba khía của người dân vùng rừng ngập mặn Cà Mau đã có từ rất lâu nhưng rất vất vả vì phải lặn lội khắp nơi ở bìa rừng. Đối với những người nông dân ven rừng vốn không có nghề nghiệp ổn định, bắt ba khía được xem là nghề “hái ra tiền” giúp họ trang trải cuộc sống hằng ngày.
Anh Trần Văn Linh một thợ rừng, ngụ huyện Ngọc Hiển thường xuyên vào rừng đặt rập bắt ba khía chia sẻ, để đặt bẫy ba khía khá đơn giản và chẳng cần mồi chỉ cần rập chuột và nhu yếu phẩm như cơm, thức ăn và nước uống là có thể vào rừng cả ngày. Và mồi để dẫn dụ ba khía sập bẫy đó chỉ cần mắc lá cây đước hoặc mắm vào rập rồi tìm cửa hang mà đặt là có thể bắt được ba khía.
“Hang ba khía có khắp nơi dưới tán rừng, mình chỉ tìm cửa hang đặt rập. Khi ba khía rời hang, chúng nhìn thấy lá cây treo trong rập là bò vào là dính bẫy liền. Thông thường, sau khi đặt bẫy xong mình chỉ cần nghỉ ngơi tầm khoảng 30 phút là có thể đi thăm bẫy. Tôi có khoảng một trăm rập, hôm nào trúng thì bắt được từ 5 – 7 kg, thất thì cũng 3 – 4 kg. Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình. săn ba khía trong rừng tuy cực nhưng sống được. Mình khỏi lệ thuộc vào ai, khi nào mệt thì mình nghỉ ít hôm”, ông Linh nói.
Hiện nay, ba khía được các vựa thu mua với giá khá cao khoảng từ 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình mỗi ngày, những người thợ rừng như ông Linh bỏ túi từ hơn 200.000 đồng/người. Đây là khoản thu nhập đáng mơ ước đối với nhiều người dân ở vùng quê hiện nay. Ba khía được chế biến thành nhiều món ăn như luộc, rang me và đặc biệt nhất phải kể đến là món ba khía muối – món ăn đặc sản trứ danh của vùng đất Rạch Gốc ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Một lãnh đạo xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho hay: “Địa phương có rất nhiều người sống bằng nghề bắt ba khía. Có thể con ba khía ngày xưa không có giá trị nhưng giờ đây đã trở thành đặc sản, là món ăn của những người giàu nên rất được ưa chuộng. Nhiều người từ nơi khác đến địa phương thuê mướn vuông chủ yếu để bắt ba khía. Có thể nói, ba khía là sản vật được thiên nhiên ban tặng cho vùng bãi bồi rừng ngập mặn. Địa phương đã kêu gọi bà con nhân dân có kế hoạch bảo tồn, tái sinh để phát huy giá trị kinh tế của con ba khía như không bắt những con nhỏ chưa đủ kích cỡ hoặc ba khía trứng sắp sinh sản. Có như vậy thì nguồn lợi ba khía mới tồn tại được”.
Dù là công việc lúc nông nhàn nhưng với mỗi kg ba khía bắt được, người dân có thể bán từ 50-70 ngàn đồng/kg tùy thời điểm, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân. Vẫn là con ba khía quen thuộc nhưng qua cách bắt và dẫn dụ ba khía mới thấy được sự sáng tạo và linh hoạt của người dân Cà Mau mộc mạc, thân thương.