Voọc bạc Đông Dương hay còn gọi là voọc bạc, voọc mào. Loài này có tên khoa học là Trachypithecus germaini caudalis, Dao. Tại nước ta, Voọc bạc Đông Dương được xác định bị đe dọa tuyệt chủng và có tên trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới.
Những ngày này, khi mưa đầu mùa xuất hiện, voọc bạc Đông Dương ở núi Hòn Chông cũng “xuống núi” tìm nước uống và trèo ra các cành cây để tìm thức ăn. Do vậy, du khách về Hòn Chông dịp này, dễ dàng ngắm voọc bạc…
Theo Wikipedia, Hòn Chông là một bán đảo nằm ven biển thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Khu vực này có địa hình đặc trưng với nhiều ngọn núi đá vôi nằm gần nhau, tạo thành một cụm núi đá vôi có quy mô lớn nhất tỉnh Kiên Giang.
Theo một báo cáo năm 2018, núi đá vôi ở Hòn Chông chứa đựng một nguồn tài nguyên có tính đa dạng sinh học rất cao với nhiều loại động thực vật quý hiếm như voọc bạc Đông Dương, một số loài mới được phát hiện lần đầu tiên như thu hải đường Ba Tai.
Hệ động vật phong phú với 155 loài động vật có xương sống, 31 loài thú, 235 loài động vật có chân đốt, 45 loài bò sát, 65 loài ốc núi. Đặc biệt là quần thể voọc bạc khoảng 300 con, có loài rất quý hiếm mà chỉ có ở vùng Kiên Lương mới có. Về quần thể thực vật có 322 loài như: thiên tuế (tuế lược), mò cua, giảo cổ lam, điểu bế, lan bầu rượu,...
Khu rừng đặc dụng Hòn Chông có diện tích 964,7 ha nằm trên địa bàn 2 xã Bình Trị và Bình An thuộc huyện Kiên Lương là một trong 3 vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang được UNESCO công nhận vào năm 2006. Đặc trưng của khu rừng này là hệ sinh thái rừng trên núi đá và núi đá vôi vùng ven biển.