Theo New York Times, ông Metcalf - người dành gần 20 năm cuộc đời phục vụ trong Hải quân Mỹ - đã chết bằng cách tự sát trong gara của mình ở Bắc Carolina vào năm 2019.
Ngay trước khi chết, Metcalf đã để một chồng sách về chấn thương sọ não bên cạnh mình và dán một mảnh giấy lên cửa có nội dung: “Những khoảng trống trong trí nhớ, không thể nhận biết, tâm trạng thất thường, đau đầu, bốc đồng, mệt mỏi, lo lắng và sự hoang tưởng đã biến tôi thành một con người khác. Mỗi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn".
Sau đó, Metcalf tự bắn vào tim mình, cố tình giữ nguyên vẹn "bộ não tổn thương" để nó được phân tích tại một phòng thí nghiệm hiện đại của Bộ quốc phòng ở Maryland.
Phòng thí nghiệm sau đó đã phát hiện ra một kiểu tổn thương bất thường chỉ thấy ở những người thường xuyên tiếp xúc với sóng nổ.
Phần lớn các sóng nổ mà lính đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ phải hứng chịu là do họ bắn vũ khí của chính mình, chứ không phải do hành động của kẻ thù. Điều này cho thấy sau nhiều năm được huấn luyện nghiêm khắc nhằm mục đích biến SEAL trở thành đội quân tinh nhuệ bậc nhất thế giới, một số đặc nhiệm đã hứng chịu tổn thương não nghiêm trọng.
Ít nhất một chục lính SEAL của Hải quân Mỹ đã chết vì tự tử trong 10 năm qua, khi đang trong quân ngũ hoặc ngay sau khi vừa rời quân ngũ. 8 bộ não của các nạn nhân đã được gia đình chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích, The New York Times. Và sau khi phân tích cẩn thận, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những tổn thương ở từng bộ não do sóng nổ.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của New York Times cho thấy, không ai ở phòng thí nghiệm báo cáo với lãnh đạo SEAL về những gì họ đã tìm thấy và ngược lại, các lãnh đạo SEAL cũng không bao giờ hỏi đến việc này. Tương tự, thông điệp Trung úy Metcalf muốn gửi vào phút cuối đời cũng không bao giờ đến được Hải quân Mỹ.
Theo New York Times, cho đến nay, 5 năm sau cái chết của Trung úy Metcalf, các lãnh đạo Hải quân Mỹ vẫn chưa hề biết đến những tổn thương não mà các đặc nhiệm SEAL gặp phải sau nhiều năm phục vụ. Hải quân Mỹ đã xác nhận điều này với New York Times.
Một sĩ quan Hải quân thân cận với ban lãnh đạo SEAL đã bày tỏ sự bàng hoàng và thất vọng khi được New York Times thông báo về kết quả phân tích não bộ của những lính SEAL chết vì tự sát.
“Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu vấn đề này, nhưng thông tin thường không bao giờ đến được với chúng tôi", một sĩ quan Hải quân Mỹ yêu cầu giấu tên khi thảo luận về một chủ đề nhạy cảm chia sẻ với New York Times.
Theo báo Mỹ, lãnh đạo Hải quân đã bỏ qua mối đe dọa nghiêm trọng tiềm ẩn đối với một lực lượng đặc nhiệm ưu tú bậc nhất thế giới. Khi chỉ huy Đội SEAL 1 qua đời do tự sát vào năm 2022, các lãnh đạo SEAL cũng đã ngừng gần như mọi hoạt động trong một ngày để tìm hiểu về cách ngăn chặn tự sát trong lực lượng tinh nhuệ này.
Theo bốn người nắm rõ vụ tự sát của chỉ huy Đội SEAL 1, não của ông cũng được phát hiện bị tổn thương diện rộng do sóng nổ. Tuy nhiên, lãnh đạo Hải quân Mỹ cho biết họ đã không được thông báo về điều này nên chưa bao giờ tổ chức các cuộc thảo luận về những nguy cơ mà các đặc nhiệm SEAL gặp phải do tiếp xúc thường xuyên với các vụ nổ.
Ngày càng nhiều nhà khoa học cho rằng binh sĩ Mỹ nói chung và các đặc nhiệm SEAL đang bị chấn thương sọ não nghiêm trọng do thường xuyên bắn vũ khí hạng nặng. Một nghiên cứu của Harvard quét não của 30 đặc nhiệm SEAL, được công bố vào mùa xuân năm nay đã phát hiện thấy rằng, cấu trúc não của gần như tất cả họ đã bị thay đổi cũng như chức năng não của họ cũng bị tổn hại. Càng trải qua nhiều vụ nổ thì đặc nhiệm SEAL càng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Vợ của Trung úy Metcalf, Jamie Metcalf cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, bà coi cái chết của chồng là một nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý của công chúng cũng như lãnh đạo Hải quân đến một vấn đề đang lan rộng trong hàng ngũ SEAL.
Quân đội Mỹ đã thừa nhận rằng chấn thương sọ não là chấn thương phổ biến nhất trong các cuộc xung đột gần đây. Nhưng họ đang phải vật lộn để tìm hiểu xem có bao nhiêu trong số những chấn thương đó là do sóng xung kích do chính vũ khí của họ gây ra. Có những dấu hiệu cho thấy thiệt hại có thể đến từ nhiều loại vũ khí. Đã có báo cáo về các pháo thủ gặp tình trạng ảo giác và rối loạn tâm thần. Các đội súng cối có những người bị đau đầu và suy giảm trí nhớ. Những người lính đáng tin cậy đột nhiên trở nên hung bạo và giết hại hàng xóm vì tổn thương não do các vụ nổ xe tăng và lựu đạn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện.
Theo Tiến sĩ Daniel Daneshvar, trưởng khoa phục hồi chức năng chấn thương não tại Trường Y Harvard, sóng xung kích từ các vụ nổ có thể giết chết tế bào não mà không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào ngay lập tức.
"Mọi người có thể bị tổn thương mà không hề nhận ra. Nhưng theo thời gian, căn bệnh có thể nặng lên. Lúc đó, mọi người như rơi xuống vực thẳm", Tiến sĩ Daneshvar tuyên bố.