Theo phản ánh từ bạn đọc, trên Fanpage Thẩm mỹ Bệnh viện Hồng Ngọc (Khoa Thẩm mỹ - Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh) đăng tải nhiều clip lộ vùng nhạy cảm của khách hàng nữ lên mạng xã hội để quảng cáo dịch vụ. Việc này có dấu hiệu trái thuần phong mỹ tục, vi phạm Luật Quảng cáo năm 2012.
Ghi nhận của PV cho thấy phản ánh của bạn đọc là có cơ sở, không khó để bắt gặp những hình ảnh nhạy cảm này khi quan sát trang Facebook "Thẩm mỹ Bệnh viện Hồng Ngọc" với 35 nghìn lượt like và 36 nghìn lượt theo dõi.
Cụ thể, trang Facebook Thẩm mỹ Bệnh viện Hồng Ngọc đăng tải hàng chục clip quay cận cảnh khách hàng nữ đang chuẩn bị làm dịch vụ nâng ngực hoặc hút mỡ tại thẩm mỹ. Các clip chỉ che mờ mặt khách hàng, còn gần như để lộ nguyên vùng nhạy cảm của phụ nữ.
Thậm chí, nhiều clip còn xuất hiện hình ảnh các bác sỹ nam giới dùng tay động chạm, sờ nắn vào vùng ngực của khách hàng nữ nhằm mục đích quảng cáo cho sản phẩm vừa hoàn thiện hoặc sự thay đổi trước, sau khi khách hàng sử dụng dịch vụ.
Phản cảm hơn, theo ghi nhận của PV Dân Việt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua, Thẩm mỹ Bệnh viện Hồng Ngọc làm một clip thực hiện dịch vụ nâng ngực cho khách hàng với tiêu đề "Cũng là đồi nhưng đồi này nó lạ lắm, ngắm thành quả vượt đồi của bác sỹ Tùng…" và "Đồi núi vun cao, chào ngày chiến thắng".
Trong clip, khi làm xong phẫu thuật, nam bác sỹ đã trực tiếp viết tên các di tích lịch sử ở tỉnh Điện Biên như đồi A1, đồi Him Lam, đồi Độc Lập lên vùng nhạy cảm của nữ khách hàng, sau đó ghép bài nhạc Khát vọng tuổi trẻ và đăng tải lên mạng xã hội.
Ngoài vấn đề nêu trên, PV Dân Việt còn nhận được phản ánh về việc Bệnh viện Hồng Ngọc chuẩn đoán nhầm bệnh khiến khách hàng khổ sở.
Cụ thể, ông Vũ Mạnh H, trú quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, ngày 21/6, ông có biểu hiện đau sưng vùng mặt trái chưa rõ nguyên nhân. Trên vùng đau còn có một vài mụn nước xuất hiện.
Ngày 23/6, sau khi về Hà Nội, ông H. lập tức vào Bệnh viện Hồng Ngọc để khám. Đến bệnh viện, ông H. nói các triệu chứng ban đầu của mình và được chỉ dẫn đến phòng khám nội thần kinh.
Tại đây, bác sỹ Phạm Hồng Ngọc chỉ định ông H. đi xét nghiệm máu và siêu âm vùng mặt. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sỹ Ngọc tiếp tục chỉ định ông H. đến khoa khác để chụp CT răng.
Sau khi có có tất cả các kết quả, ông H. được bác sỹ Bệnh viện Hồng Ngọc kết luận do đau răng nên bị nổi hạch. Ông H. được kê đơn thuốc để về nhà uống.
Yên tâm với kết quả khám của Bệnh viện Hồng Ngọc, ông H. đi mua thuốc theo đơn tại nhà thuốc của bệnh viện và ra về. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc hai ngày, cơn đau vẫn không giảm.
Nghi ngờ không phải đau răng, ông H. vào Bệnh viện Da liễu Trung ương để kiểm tra lại.
Tại đây, sau khi làm xét nghiệm các bác sỹ kết luận ông H. bị zona thần kinh ở mặt và kê cho đơn thuốc khác. Theo ông H., sau khi uống thuốc mới, cơn đau đã giảm nhưng chưa hết hẳn vì Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khi ông vào khám đã qua "giờ vàng" để điều trị zona thần kinh.
"Khi Bệnh viện Hồng Ngọc kết luận tôi đau răng nên bị nổi hạch tôi có chút lấn cấn vì trước đó tôi đau răng nhiều lần nhưng không có dấu hiệu như lần này, tuy nhiên vì tin vào chuyên môn của bệnh viện nên tôi vẫn mua thuốc theo đơn kê để sử dụng. Khi vào viện tôi đã nói hết các triệu chứng nhưng dường như bác sỹ khi chuẩn đoán không chú ý đến các mụn nước xuất hiện trên mặt" – ông H. bức xúc.
Sáng 3/7, trao đổi với PV Dân Việt, một cán bộ bộ phận truyền thông Bệnh viện Hồng Ngọc cho biết, về vấn đề quảng cáo nhạy cảm, các clip đều do bộ phận marketing thực hiện, bệnh viện sẽ làm việc lại để có điều chỉnh cho phù hợp.
Riêng đối với clip bác sỹ trực tiếp viết tên các di tích lịch sử lên vùng nhạy cảm của nữ khách hàng, sáng ngày 3/7, PV trực tiếp gửi cho đại diện truyền thông Bệnh viện Hồng Ngọc xem lại.
Đến chiều cùng ngày, theo quan sát, clip này đã được gỡ bỏ khỏi trang trang Facebook Thẩm mỹ Bệnh viện Hồng Ngọc.
Còn về vấn đề ông H. phản ánh, vị này cho biết, đã tiếp nhận thông tin và sẽ cho kiểm tra lại quy trình chỉ định đối với ông H. Và đặc biệt sẽ làm rõ xem trước khi vào viện, trên mặt ông H. đã xuất hiện các nốt đỏ (mụn nước – PV) chưa. Việc này, chỉ có ông H. và bác sỹ thăm khám trực tiếp biết.
Vị này khẳng định, sau quá trình kiểm tra, trường hợp bệnh viện có sai sót thì sẽ có biện pháp xử lý đối với các bên liên quan và xin lỗi khách hàng.
Phản biện lại thông tin trên, ông H. khẳng định, khi vào viện ông đã nói rõ tình trạng ban đầu, trong đó có các mụn nước xuất hiện trên mặt và bác sỹ cũng đã nhìn rõ thấy các bọng nước này.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 3, Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo là quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Theo vị luật sư, sau khi quan sát các clip của Thẩm mỹ Bệnh viện Hồng Ngọc, có thể thấy, bệnh viện có dấu hiệu vi phạm quy định nêu trên nên cơ quan chức năng hoàn toàn có thể vào cuộc kiểm tra.
Trường hợp có vi phạm, bệnh viện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c, điểm d, khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Quảng cáo có hành động, lời nói, hình ảnh, âm thanh, chữ viết tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em; Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Mức phạt từ 40 đến 60 triệu đồng và biện pháp khắc phục là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo có nội dung trái thuần phong mỹ tục.
Vị luật sư nói thêm, hiện nay vì lợi nhuận nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ đã lợi dụng hình ảnh chụp được từ khách hàng trong quá trình làm dịch vụ mà chưa có sự đồng ý.
Vì vậy, các khách hàng, đặc biệt là khách hàng nữ cần cảnh giác để tránh bị cá nhân, tổ chức làm dịch vụ thẩm mỹ lợi dụng hình ảnh cá nhân nói chung và hình ảnh nhạy cảm nói riêng để trục lợi thông qua quảng cáo.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này đến bạn đọc.