Trao đổi với PV Báo Dân Việt, anh Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết: Năm 2016 HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh được thành lập và tổ chức đi vào hoạt động với 8 thành viên là những hộ cho trang trại chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. HTX đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi và cơ sở giết mổ, đóng gói theo quy trình khép kín 3F (Feed – Fram – Food).
Về quy mô, HTX có 4 trang trại với tổng diện tích khoảng 4,5 ha; quy mô trang trại có 1.000 con lợn nái, 10.000 con lợn thương phẩm.
Khi quyết định thành lập HTX định hướng các thành viên chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, bằng phương pháp tổ chức nuôi bằng thức ăn tự xây dựng công thức dinh dưỡng. Sau đó, HTX thuê nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia công sản xuất thành thức ăn hỗn hợp. Trong thức ăn cho lợn nguồn nguyên liệu chính là các nguyên liệu tự nhiên như: ngô, khô đậu tương, cám gạo, cám mỳ, tấm gạo... và các khoáng, axit amin hữu cơ.
Ngoài ra, HTX còn bổ sung thêm vào thức ăn cho lợn các dược liệu như: Xuyên Tâm Liên, Diệp Hạ Châu, Cốt Khí Tía, Hồ Hoàng Liên, Sâm Đất... và chế phẩm vi sinh như Bacillus.
"Với thức ăn như vậy, lợn luôn khỏe mạnh, ít bệnh tật, giảm khí thải ra môi trường và đặc biệt tạo ra chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng được thị trường yêu thích, tiêu thụ thuận lợi. “Bên cạnh các thành viên chính thức, HTX cũng đang bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ liên kết với mức giá cao hơn thị trường 1.000 – 2.000 đồng/kg, đảm bảo hiệu quả sản xuất cho hộ chăn nuôi, giảm thiểu tối đa khả năng thua lỗ" - Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh nói.
Anh Nguyễn Ngọc Hải cho biết: Hiện nay HTX áp dụng chuyển đổi số từ khâu chế biến rồi quay ngược lại khâu chăn nuôi.
Theo đó, việc quản lý sản xuất các sản phẩm chế biến như thịt lợn, giò lụa, chả lụa và xúc xích heo thảo dược... được gắn 34 mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thông qua đó, người tiêu dùng nắm được các thông tin chi tiết của từng sản phẩm, từ đó tạo ra tính minh bạch của sản phẩm, tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số.
Công tác quản lý hệ thống trang trại được thực hiện toàn bộ trên hệ thống phần mềm quản lý trang trại từ đó HTX theo dõi được toàn bộ hoạt động của trang trại như: thông tin chi tiết về từng con vật (số hiệu, phả hệ, giống, tuổi, trạng thái sức khỏe ...), lập lịch theo dõi và ghi chép quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, theo dõi tiêm chủng phòng trị bệnh của đàn lợn; theo dõi và phát hiện sớm dấu hiệu bệnh tật, phân tích các thông số về năng suất, chất lượng sản
Từ những những kết quả đó năm 2020, HTX đã xây dựng được 3 sản phẩm OCOP 3 sao đó là: Thịt lợn thảo dược, giò lụa, chả lụa. Đến năm 2022 HTX đã nâng 3 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, đó là: giò lụa, chả lụa, xúc xích.
Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, HTX chăn nuôi ngày càng hiệu quả. Doanh thu mảng giết mổ, chế biến thịt năm 2023 đạt khoảng 41 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho 11 lao động chính thức và 31 công nhân thời vụ với mức lương bình quân đạt khoảng 10 triệu đồng/tháng; nộp thuế vào ngân sách nhà nước 143,7 triệu đồng. Tổng sản lượng thịt lợn tiêu thụ được qua khâu chế biến đạt khoảng 348 tấn.
Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh cho biết: Cùng với sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân hỗ trợ HTX tham gia chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, HTX còn được chọn tham gia đề án ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và điều hành quản lý sản xuất của Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025.
Qua đó, cán bộ nhân viên HTX được đào tạo về kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý điều hành sản xuất. HTX đã quản lý, số hoá được toàn bộ dữ liệu sản xuất trên máy tính.
Một thuận lợi về nguồn lực của HTX là đã tuyển được các lao động trẻ có trình độ Đại học, cao đẳng.
Giám đốc HTX hữu cơ Bình Minh ở Bắc Giang cũng chỉ ra những khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách để áp dụng vào HTX, chi phí hạ tầng ban đầu cho hệ thống áp dụng chuyển số và truy xuất nguồn gốc còn cao so với quy mô sản xuất của HTX. Bên cạnh đó khả năng chủ động tiếp cận với công nghệ số của nhiều nông dân còn hạn chế, cần có sự hỗ trợ về tập huấn, đào tạo.
Đề xuất các chính sách hỗ trợ HTX, nông dân tham gia chuyển đổi số, anh Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh nói: "Các chính sách và giải pháp về chuyển đổi số đã có nhiều nhưng điều cốt lõi là người nông dân ứng dụng như thế nào? Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách về tín dụng hỗ trợ các HTX, người nông dân mạnh dạn áp dụng chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc vào trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo giá những giá trị mới cho các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ hai, cần hỗ trợ công tác đào tạo trang bị cho người nông dân những kiến thức về chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Thứ ba, cần có các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng nông thôn để người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận nhanh hơn với chuyển đối số,
Thứ tư, ngoài dự hỗ trợ các chính sách của Nhà nước thì các HTX cần chủ động đầu tư hạ tầng máy thiết bị công nghệ thông tin và tuyển dụng lao động có trình độ Đại học, Cao đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ năm, tích cực chủ động tìm giải pháp để nâng cao thu nhập cho người lao động và các thành viên trong HTX. Tham gia đóng BHXH cho người lao động, quan tâm đến đời sống người lao động để thu hút được lao động trẻ có trình độ.
Thứ sáu, các cơ quan ban ngành địa phương tích cực tổ chức cho các thành viên HTX, người nông dân đi học tập kinh nghiệm từ những mô hình áp dụng chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc có hiệu quả. Tăng cường đầu tư xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm của địa phương tại các hội trợ, triển lãm cho các sản phẩm chất lượng, các sản phẩm áp dụng chuyển đối số và hệ thống truy xuất nguồn gốc để các sản phẩm này có vị trí vững chắc trên thị trường".